Chỉ trong hai ngày đầu năm mới 2019, lực lượng tuần duyên Tây Ban Nha đã cứu vớt 400 người vượt biển tìm nơi cư trú mới. Cách đây một năm, Tây Ban Nha đã trở thành địa điểm xâm nhập chính bằng đường biển của những người di cư muốn tìm đến các nước châu Âu. Theo báo cáo của Ủy ban hỗ trợ người tỵ nạn Tây Ban Nha, trong năm 2018 đã có 56.000 người vượt biển, trong đó có 769 người đã tử nạn khi đến được bờ biển nước này.
Lộ trình chết chóc nhiều nhất là hải trình xuyên qua Địa Trung Hải, theo số liệu của Tổ chức Di trú Quốc tế, năm qua đã có 1.306 người bỏ mạng khi tìm cách đến Ý hay Malta xuyên qua vùng biển miền Trung Địa Trung Hải. Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ước tính có trên 2.240 người chết hay mất tích khi đi qua Địa Trung Hải trong năm 2018. Ngày 1-1-2019, UNHCR phát đi lời kêu gọi tìm kiếm khẩn cấp hai chiếc tàu chở 50 người di cư và tỵ nạn không được cập bến ở cả Ý lẫn Malta. Tàu cứu nạn Sea Watch 3 không thể cập cảng nào sau khi vớt 32 người trên biển Địa Trung Hải ngày 22-12-2018, trong khi 17 người khác đang ở trên boong tàu Sea-Eye của Đức từ ngày 29-12-2018.
Trong một thông cáo mới nhất, UNHCR cảnh báo tình hình càng nguy cấp khi thời tiết vùng Địa Trung Hải đang xấu đi, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cuộc vượt biển của người di cư – tỵ nạn. Một trong những khó khăn mà UNHCR và các tổ chức nhân đạo khác gặp phải là những cuộc thương thảo về việc nước nào sẽ nhận người di cư – tỵ nạn chỉ có thể tiến hành sau khi họ đã được đưa vào bờ an toàn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid lại thúc giục chính phủ Anh “làm mọi việc có thể” hầu ngăn ngừa người di cư đi qua biển Manche để xin nương náu ở nước này, trong số đó có không ít người xuất phát từ Pháp. Theo ông, các băng đảng đã lợi dụng người tỵ nạn để thực hiện các mưu đồ đen tối. Lập trường của ông Sajid Javid bị nhiều người chỉ trích, trong đó có nghị sĩ Stella Creasy thuộc đảng Lao động Anh, người đã coi những phát biểu của Javid là “thật kinh tởm”.
Những điều kể trên chứng tỏ rằng trong năm 2019, số phận người di cư và tỵ nạn tiếp tục là một trong những vấn đề lớn mà Liên Hiệp Quốc, các nguyên thủ quốc gia, và các tổ chức nhân đạo trên thế giới phải nỗ lực tìm ra những giải pháp tốt nhất.