Hôm qua, một người bạn ở Sài Gòn gọi điện cho tôi ngót nửa tiếng đồng hồ, để bày tỏ nỗi buồn không biết “tỏ cùng ai” về chuyện những người đồng hương xa quê đang vận động để xây dựng một nhà văn hóa thật to tại làng quê của mình. Nỗi buồn và lo của bạn: “Mình sợ cái nhà văn hóa đó xây ra rồi sẽ trở thành một cái xác nhà không hồn, mà tiền tỉ đâu phải chơi…”.
Thực ra ở những làng quê nước ta nói chung và xứ Huế nói riêng thì ngôi đình làng chính là không gian văn hóa thiêng liêng và gần gũi nhất. Tôi đã có lần được đi dự lễ Thu tế ở một số làng xứ Huế, nhất là ở làng Chuồn, một làng quê thuộc huyện Phú Vang mới thấm thía những vỉa tầng văn hóa của làng quê đã được hun đúc thành máu thịt, thành nếp ăn, nếp ở, được thể hiện sinh động và thiêng liêng vô cùng trong không gian văn hóa của đình làng. Ở đó có tôn ti trật tự, tình làng nghĩa xóm, sự thành kính thiêng liêng và cả nét hồn hậu đáng yêu của những người dân quê luôn ghi nhớ câu răn của ông cha: “Một miếng giữa làng bằng một sàng trong bếp”.
Làng Chuồn nức tiếng nhất là món đặc sản bánh tét và rượu. Cũng chưa thấy ai giải thích tường tận vì sao bánh tét và rượu làng Chuồn ngon hơn các làng quê khác. Riêng tôi thì cho rằng thứ nhất là do ở làng quê này có nguồn nước ngon nên nấu rượu hay làm bánh đều ngon cả; thứ hai do làng Chuồn gần kinh đô Huế xưa – lại là nơi sinh sống của nhiều gia đình quan lại nên bánh tét ở đây được nhiều người kinh kỳ biết đến.
Nghĩ là thế, không biết có đúng không, nhưng có một câu chuyện quanh những đặc sản làng Chuồn thì rất tình nghĩa và xúc động… Cách đây đã gần hai mươi năm, một ngày cuối năm có một vị khách là Việt kiều về làng Chuồn vãn cảnh. Ông đi thăm đình làng Chuồn và ngạc nhiên trước kiến trúc đẹp vừa cổ kính lại vừa hài hòa của ngôi đình cổ này. Có điều nhiều hạng mục của ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ông ngỏ ý với cụ già giữ đình là muốn đóng góp phần nào nhằm bảo tồn ngôi đình này, sau đó đưa địa chỉ nhà ông ở Huế hẹn một ngày sẽ gặp đại diện của làng để bàn bạc cụ thể. Sáng hai mươi chín tết năm đó, người khách có tấm lòng với văn hóa làng ngạc nhiên khi thấy một đoàn bô lão khăn đóng áo thụng chỉnh tề đứng trước ngõ nhà ông.
Đó là những vị lão làng chức sắc của làng Chuồn, họ hoan hỷ trước tấm lòng của một người xa lạ và đáp lại tấm lòng ấy bằng một mâm bánh tét và rượu. Vị trưởng làng chân thành: “Làng chúng tôi còn nghèo, chỉ có hai đặc sản “cây nhà lá vườn” của làng là bánh tét và rượu, mong ông nhận cho dân làng được vui!”. Sau này, vị khách Việt kiều kể lại: “Đó là một trong những cái tết ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi. Tôi cảm nhận được trong trang phục và qua từng cử chỉ, lời nói của các cụ tấm lòng luôn đau đáu với quê hương mà cụ thể là với ngôi đình làng thiêng liêng của họ!”.
Những lần đi thực tế đến các xã vùng cao, vùng xa, dừng chân tại những ngôi nhà Gươl bê tông hóa ở miền núi hay một số nhà văn hóa vùng nông thôn mà chưa thấy ngôi nhà nào có cái hồn văn hóa cả. Nhà Gươl mà xây dựng bằng bê tông cốt thép, đèn điện bật sáng trưng, quạt máy chạy vù vù thì còn gì là không gian của bản làng nữa. Còn nhà văn hóa của một số làng quê đồng bằng, năm thì mười họa mới có dịp hội họp nên thời gian cứ thế phủ bụi, công trình xuống cấp, hư hao… Còn nhớ nhà văn Nguyên Ngọc khi viết về Tây Nguyên có đoạn: UNESCO rất tinh tế khi công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản thế giới; ở đây vấn đề là không gian: đó chính là những buôn làng Tây Nguyên, là rừng xanh. Nếu không có không gian rừng thì cồng chiêng Tây Nguyên không có linh hồn…
Cách đây hơn một năm, báo chí đã viết về tấm gương của một người xa quê thành đạt, bỏ ra cả gần chục tỉ đồng xây dựng một khu chợ bề thế cho làng quê mình. Đó là một tấm lòng tốt đối với quê hương mà không dễ có người thứ hai. Điều đáng nói ở đây là tại sao chính quyền địa phương hay những người có uy tín ở xã, ở làng lại im lặng khi biết trước rằng khu chợ mới xây lên sẽ rất khó mang lại hiệu quả khi cách đó chỉ vài trăm mét ở làng bên cạnh đã có một khu chợ nổi tiếng buôn bán từ mấy trăm năm qua? Hậu quả là đến nay khu chợ mới được gọi với cái tên thật hiện đại là “Khu thương mại…” của làng quê nọ chỉ lèo tèo vài người buôn bán. Cả mấy tỉ đồng, cả khu đất rộng, vô cùng lãng phí… Nếu như cũng với số tiền đó được đầu tư xây dựng trường học hay các công trình phúc lợi cấp thiết cho làng thì sẽ ý nghĩa biết bao…
Từ nỗi vừa buồn vừa lo cho làng quê của người bạn đến những điều mắt thấy tai nghe về những không gian văn hóa bị lệch pha; lại nhớ những dòng văn rất sâu sắc của tác giả Đất nước đứng lên – nhà văn Nguyên Ngọc. Ông viết đại ý rằng khi đồng bào Tây Nguyên khua lên cồng chiêng vang vọng vào thăm thẳm rừng sâu để hướng vọng đại ngàn thì cũng như người Kinh thành kính thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên để thưa gửi với ông bà những điều thiêng liêng nhất… Đó là những không gian văn hóa từ ngàn xưa, cũng là bản sắc của từng dân tộc…