Đúng, thế nên phụ nữ không phải chịu đựng, phải thông cảm. Họ lại thấy mình cằn nhằn có gì là khó chịu đâu. Chẳng qua là mình “kể chuyện” và chia sẻ bớt khó chịu trong người thôi mà. Đàn ông không chịu nghe vợ chia sẻ là thứ đàn ông gì?
Mà có một điều rất lạ là những lời cằn nhằn của phụ nữ rất… giống nhau. Nào là đàn ông (và bây giờ có thêm con cái nữa) không mấy ai gọn gàng ngăn nắp hết. Thậm chí các cô gái lại càng bừa bộn ghê hơn con trai. Cứ thử vào căn phòng riêng của các cô thì đủ biết. Cũng treo móc áo quần lung tung, đồ đạc bày ra khắp nơi. Khu vực bàn vi tính đầy những sách bút, băng đĩa, giấy tờ ngổn ngang.
Không ai dám dọn giùm, vì sẽ bị kêu ca là “ai vào đây làm mất hết cả trật tự”… Rồi phụ nữ kêu mình không được ai chăm sóc giúp đỡ, hình như mình phải khỏe mạnh, phải hầu hạ người khác là điều tất nhiên. Mẹ vào bếp đi chợ là tất nhiên. Mọi người đi suốt, về đến nhà là phải thấy mẹ đang loay hoay ở bếp, ra mở cửa, là điều tất nhiên. Mẹ mà đi vắng lúc mọi người về nhà mệt nhoài cần ăn uống nghỉ ngơi, là điều không thể xảy ra, là mẹ có lỗi!
Có người đã đặt câu hỏi: “Vì sao đàn ông ít cằn nhằn, ít nói xấu vợ hơn là phụ nữ hay cằn nhằn và nói xấu chồng?”. Người trả lời câu này là phụ nữ thì nói: “Đơn giản quá, chỉ vì phụ nữ ít thói xấu hơn đàn ông, đàn ông lắm thói xấu, khuyết điểm, gây ra khó chịu cho người chung sống. Đã thế, lại không bao giờ chú ý, tự nhận thức để sửa. Vợ cứ nhắc hoài, nhắc hoài, bực mình “phân tích” nên mới thành ra cằn nhằn. Vợ chịu đựng hết nổi, phải chia sẻ với bạn bè, thành ra hay “nói xấu”.
- Xem thêm: Đồng cảm vợ chồng
Hơn nữa, khi họ kể với bạn bè, thấy ông chồng của các bạn mình cũng… y chang, thì như là được bạn thông cảm, thấu hiểu, cảm thấy lòng dịu đi. “Đàn ông vậy cả” – người vợ ôm câu kết luận này và sự cam chịu được củng cố. Đó là lý do người phụ nữ đưa ra. Con người trả lời là đàn ông thì cao ngạo hơn. Ông ấy nói: “Đàn ông người ta quan tâm chuyện lớn, đâu có tẹp nhẹp như phụ nữ nên họ chẳng nói xấu vợ làm gì”. Có người còn nói: “Vợ nào chẳng “xấu” như thế, chuyện thường ngày ở huyện!”. Có số ít quý ông thì biết vợ mình khổ, nói xấu vợ thì người ta sẽ cười ông chồng.
Người vợ nào có tấm chồng giỏi giang, tài năng thì chắc sẽ tôn trọng, hãnh diện về chồng chứ đâu có nói xấu. Còn đã phải đi nói xấu chồng tức là gặp phải ông chẳng ra gì. Nếu đàn ông có phàn nàn thì họ chỉ nói: “Bà ấy làm quá!”. Còn đàn bà phàn nàn thì chủ yếu do bà ấy tức tối: “Ông không chịu lắng nghe!”. Đàn bà hay hiểu sai tình huống vì chị ta hay suy diễn: Ông chồng quên đưa đón con, có khi chỉ là đãng trí, mải việc, mải vui, nhưng với bà vợ thì rõ ràng ông không yêu con, không để tâm vào việc gia đình, xếp chuyện gia đình sau công việc, bạn bè.
Sau nhiều ồn ào, cãi cọ, gây không khí nặng nề, thế nào cũng có ngày người phụ nữ nhận ra là mình phản ứng quá mức, mình đã hiểu sai nhiều tình huống. Những lời phàn nàn của đàn ông thường chỉ bộc lộ khi đi đến lúc phải giải quyết một việc gì đó. Thí dụ khi phải ly dị hoặc phải bàn bạc một chuyện cụ thể trong nhà liên quan tài sản, con cái. Lúc đó các ông mới nói: “Cô ấy vô lý quá, mẹ con cô ấy bàn bạc với nhau chứ có hỏi gì tôi đâu”. Sự cô lập – một bên là mẹ và các con – một bên là ông bố (cũng có ít trường hợp ngược lại) làm cho sự hiểu sai ngày càng đi xa hơn.
Điều này dẫn đến “âm mưu đối phó” và ngày càng tệ vì bộc lộ “cạn tàu ráo máng” không còn chút tình thương nào. Vậy mà các nhà nghiên cứu nói rằng: “Trước hết, tình yêu là chia sẻ, là tình thương và tha thứ. Chỉ có như vậy người ta mới mở cửa trái tim mình”. Đàn ông ít phàn nàn – dù lý do gì đi nữa thì cũng phải nhìn nhận đó là một ưu điểm. Dẫu mặt thiếu sót của vấn đề là làm cho họ khó hiểu hơn, nhưng mặt mạnh là sau những sóng gió, người vợ thường nhìn rõ hơn. Họ kết luận: hoặc là “Thằng cha ấy đàn bà” hoặc là sự kính phục: “Dù sao anh ấy rất đàn ông”…