Bỏ việc một năm để “gap year” vào tuổi 30 để lên đường lang thang ở Mỹ, Chile, Indonesia, thử sức qua các môn thể thao cảm giác mạnh, từ leo vách núi đến lướt sóng… “On the road” (trên đường) đúng nghĩa, nhà văn Khải Đơn viết về hành trình ấy trong tập sách mới nhất có tên Đi thật xa trên một chiếc camper (Phanbook & Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2019). Trên đường lang bạt ở Mỹ, chị mở laptop và có vài chia sẻ với bạn đọc.
_______
Tại sao tên tựa sách lại là “Đi thật xa trên một chiếc camper”?
Tôi quyết định bắt đầu hành trình kéo dài gần một năm của mình bằng cách đi du lịch khác: sử dụng một chiếc camper. Đó là chiếc xe hơi Sienna cũ mua tại Mỹ, chúng tôi gỡ hết nội thất sau xe ra và biến nó thành… chiếc lều du lịch.
Tôi muốn đi một chuyến như nhà văn John Steinbeck từng đi – như cách ông nhìn thấy nước Mỹ: hoàn toàn khác biệt với những kiểu du lịch tôi từng gặp. Và quả thật, chuyến đi đó đã thay đổi tôi hoàn toàn.
_______
Một chuyến đi như vậy thì khác gì với những chuyến du lịch khác?
Khác chứ, khác nhiều lắm. Tôi đã đi bảy tháng ở Mỹ, bốn tháng ở Chile và cuối cùng là hai tháng ở Indonesia. Chưa có chuyến du lịch nào tôi đi dài như vậy.
Nhưng thời gian chỉ là một cách nhìn thấy “khác”. Khi đi trên một chiếc camper, mọi thế giới quan của tôi hoàn toàn thay đổi. Chiếc xe giống như cái vỏ ốc vậy, và tôi là con ốc mang cái vỏ đó trên lưng cùng bạn tôi, đi vòng vòng từ miền Đông qua miền Tây nước Mỹ, xong vòng xuống vành đai tôn giáo miền Nam, xong đi qua Mexico.
Trong chuyến đi đó, tôi nhìn thấy nước Mỹ hoàn toàn khác với cách tôi từng thấy trước đó bằng cách đi du lịch bằng xe bus ngắn ngày.
Vì có một cái “vỏ ốc” trên lưng, chiều kích mà tôi cảm nhận thế giới xung quanh hoàn toàn thay đổi. Tôi có thể cùng bạn lái xe đến một miệng vực ở bang Utah và nấu bữa ăn chiều ở đó. Nhìn xuống sâu thẳm, cả hoang mạc đá đỏ với những vết đứt gãy nhuốm đầy ánh hoàng hôn. Vẻ đẹp của đất, của da thịt tự nhiên, của mùi hương trời, những điều như vậy chẳng thể nào có được nếu tôi bước vào nhà hàng trong bữa tối ở một thành phố lạ.
Với cái “vỏ ốc” trên lưng đó, tôi có thể nằm bên hồ núi lửa, để ngắm màu nước xanh thăm thẳm và đợi bạn đi câu cá về. Hoặc có những ngày ở vườn quốc gia Pumalin ở Chile, tôi có thể ngắm một cơn mưa kéo dài hai ngày, không khí đặc quánh hơi ẩm, sương mù biến ảo thành đủ thứ hình dạng do đầu óc mình tưởng tượng ra, hệ thực vật vô cùng dày đặc.
“Để đi một chuyến vui thì hãy mang thật nhiều. Để đi một hành trình dài, tôi học cách bỏ tất cả mọi gánh nặng xuống bên vệ đường, để mình nhẹ nhất, đi được xa nhất trong hành trình đó”.
Tôi đã nhìn thấy thiên nhiên nhiều hơn cả cuộc đời mình cộng lại. Thấy sa mạc, thấy rừng thẳm, thấy vực sâu, và có thật nhiều ngày dài trên những bãi biển nổi tiếng thế giới ở California để lướt sóng.
_______
“Ngôi nhà trên lưng” hẳn là đầy bất tiện?
Có chứ. Tôi sống như kẻ không nhà suốt một năm. Bạn tôi bảo tôi đã trở thành một cô gái hoang dã thực sự. Có thời gian ở miền Trung Chile, tôi nằm ngủ trong lều trên bãi biển. Cứ lướt sóng xong thì nằm ngủ dưới nắng, cả tuần dài như vậy, tôi quên mất thế giới bên ngoài chỉ cách nơi mình tập lướt sóng chừng 10km. Tôi chẳng còn nhu cầu quay vào thành phố, khám phá thương xá, hay khám phá trung tâm thành phố hay bảo tàng gì nữa.
Sống trên một chiếc camper cũng đòi hỏi tôi phải học cách xoay xở rất nhiều. Xoay xở trong không gian cực hẹp. Bạn nghĩ coi, chiếc xe đó vừa là phương tiện di chuyển, vừa là nhà, vừa là bàn làm việc, vừa là chỗ ngủ, vừa là bếp. Giữ gìn vệ sinh cho nó thật vất vả. Và lúc nào tôi cũng phải cân nhắc làm sao bỏ bớt đồ đi.
Để đi một chuyến vui thì hãy mang thật nhiều. Để đi một hành trình dài, tôi học cách bỏ tất cả mọi gánh nặng xuống bên vệ đường, để mình nhẹ nhất, đi được xa nhất trong hành trình đó. Tôi và bạn tôi mang theo cả “ngôi nhà” trong một năm đó, giải quyết tình huống những khi xe hỏng, rò rỉ dầu, có lần máy xe gần như cháy ở giữa đèo, phải kéo về một thị trấn nhỏ và mất gần hai tuần để tìm cách tiếp tục hành trình.
Những chuyện bất ngờ như vậy xuất hiện trong chuyến đi, và chúng giúp chúng tôi trải nghiệm cuộc sống của mình đầy đặn và tròn vẹn hơn, cảm nhận về nước Mỹ, về Chile với thiên nhiên cực kỳ hùng vĩ và hoang sơ lạ lùng.
_______
Vậy chị đã viết gì lên những trang viết gió bụi trên chiếc camper?
Quyển sách ra đời từ một nhân duyên, đó là hai năm trước, tôi gặp rất nhiều trắc trở trong đời sống, và tôi quyết định dành hẳn một chuyên mục trên blog tên là “Sống mỗi tuần” – coi như một bài học nhắc nhở mình, tôi học được gì mới, tôi nhìn thấy gì ở bản thân, tôi cải thiện chính tôi ra sao, tôi viết để thảo luận cùng bạn đọc.
Chẳng ngờ blog ấy nhận được rất nhiều ủng hộ của bạn đọc. Tôi có gần 7.000 bạn subscribe đọc blog mỗi tuần. Duy trì chuyên mục ấy cũng đã được hai năm.
Khi tôi quyết định đi chuyến đi dài một năm, tôi muốn viết về hành trình đó – và nhận ra, thực ra đó là chuyến đi mà tôi học cách tự yêu thương bản thân, nhìn lại chính mình, suy nghĩ lại về giá trị mình chọn lựa trong đời và sống vì nó. Những điều như vậy trong hành trình tôi đã trải qua.
Quyển Đi thật xa trên một chiếc camper nằm trong “cuộc phiêu lưu” cá nhân đó. Tự nhìn thấy mình. Tự thay đổi mình. Tự sống tốt hơn vì bản thân muốn – chứ không vì ai khác. Đó chính là những yếu tố đã cấu thành tập sách lần này của tôi: chuyến đi tự phản tỉnh chính mình.
_______
Tại sao phải nghỉ việc? Tại sao phải “sống mỗi tuần”, rồi tại sao chị phải cần đến một hành trình quá dài để thiết lập một cuộc đối thoại với bản thân?
Tôi vẫn còn nhớ năm mình nghỉ việc và quyết định có một “gap year”- đó là khi trong đầu tôi nghĩ: “Ồ, tôi không hạnh phúc nữa, rồi, không hạnh phúc với công việc, không hạnh phúc với cơ thể của mình, tôi thậm chí còn không chịu nổi chính mình. Vậy tôi có sai gì không?” – 30 tuổi mà rối loạn như vậy thật chẳng có gì hay.
“Tôi nghiêm túc nhìn nhận rằng khi mình không thấy cuộc sống hạnh phúc nữa, đó là lúc mình phải dành thời gian để đẽo gọt, chiêm ngưỡng hay làm cuộc sống ấy khác đi, để nó thành cái hạnh phúc mà mình mong muốn”.
Nhưng tôi nghĩ lần này mình đã đủ lớn để tự soi chiếu bản thân, và nhìn kỹ lại xem mình muốn phần tiếp theo của cuộc sống là gì? Sau 30 tuổi mình sẽ làm gì? Mình muốn hạnh phúc sẽ mang hình hài thế nào? Mình có đủ can đảm để nhìn vào những phần xấu xí lâu nay mình từ chối không? – Để làm việc đó, tôi dành thời gian nghỉ việc để khám phá lại việc làm của mình, khám phá bản thân và khám phá thời gian mà mình có trong đời.
Có thể bạn nghĩ đây là trò vớ vẩn của những người rảnh. Tôi thì nghiêm túc nhìn nhận rằng khi mình không thấy cuộc sống hạnh phúc nữa, đó là lúc mình phải dành thời gian để đẽo gọt, chiêm ngưỡng hay làm cuộc sống ấy khác đi, để nó thành cái hạnh phúc mà mình mong muốn. Tôi không thể sống bằng cách chịu đựng mỗi ngày, cắn răng chấp nhận sự mỏi mệt uể oải để đạt được một mục tiêu hư ảo nào đó trong đời.
Tôi nghĩ về hạnh phúc một cách nghiêm túc như vậy.
_______
“Hạnh phúc một cách nghiêm túc”, chị có thể nói rõ hơn?
Tôi không muốn nghĩ về hạnh phúc bằng các định danh “nếu… thì…”, hoặc “kế hoạch… thì sẽ…”. Tôi nhìn thấy con người có thể rữa nát vì những trì hoãn.
Trong nhiều năm đi viết, tôi đã gặp những người quay lưng với hạnh phúc của họ vì họ nghĩ có thể đạt được điều gì khác nhờ những thỏa hiệp ngày một, ngày hai, những thoả hiệp bằng tháng, bằng tuần. Có một đồng nghiệp tôi quen đã không chịu nổi tờ báo anh làm nữa, nhưng anh vẫn nói anh cắn răng làm ở đó, để có thu nhập cho con đi học.
Khải Đơn (tên thật là Phạm Lan Phương) từ lâu không còn là cái tên xa lạ với độc giả Việt Nam qua những cuốn sách từng được xuất bản như: Đừng tháo xuống nụ cười (2014), Ta có bi quan không? (2017), Mekong, phù sa phiêu bạt (Phanbook, 2018)…
Cô là phóng viên tự do tại Sài Gòn, tác nghiệp trong khu vực Đông Nam Á cho một số báo, hãng tin Việt Nam và viết văn toàn thời gian.