Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi và có sức thuyết phục, các nhà quản trị cần phải có những kỹ năng gì?
Cách đây một thập niên, câu trả lời thường là biết cách giao phó công việc một cách thông minh, lên chương trình sinh động cho các cuộc họp, tạo cho nhân viên những điều kiện làm việc thuận lợi. Nhưng nay, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều bất ổn, những nguyên tắc trong lãnh đạo đã thay đổi.
Để định hướng cho các nhà lãnh đạo thế hệ mới, tạp chí Inc. đã đưa ra 13 nguyên tắc lãnh đạo hiệu quả trên cơ sở nghiên cứu thực tế tại các doanh nghiệp ở Mỹ và quan điểm về lãnh đạo của những nhà quản trị điều hành cấp cao của các doanh nghiệp đó.
1. Luôn hướng đến hành động
Trước khi Josh James thành lập công ty phân tích trực tuyến có tên là Omniture, lúc nào anh cũng mang theo một cuốn sổ để ghi lại ý tưởng nảy sinh trong đầu mình.
Cuối cùng, anh cũng sáng chế được một sản phẩm: dụng cụ làm sạch tóc được đặt tên Brush’s Groom.
Sản phẩm này chưa đem đến cho James sự thành công về tiền bạc, nhưng quá trình tạo ra nó đã dạy cho anh cách xây dựng một kế hoạch kinh doanh, những vấn đề về tiếp thị và phân phối.
“Tôi phạm sai lầm nhanh hơn bất cứ ai. Tôi suy nghĩ, tìm tòi và hành động. Đó cũng là câu khẩu hiệu của Omniture mantra” – James chia sẻ.
2. Nói “không” nhiều hơn
Trước khi trở thành một nhân vật chính cho chương trình “Kell on Earth” của kênh truyền hình Bravo, Kelly Cutrone đã thành lập một công ty PR ở New York, có tên People’s Revolution.
Theo Cutrone, một trong những lợi ích lớn nhất về mặt chuyên môn trong quá trình làm việc với nhân viên và khách hàng là học được cách tận dụng sức mạnh của từ “không”.
- Xem thêm: Những phương pháp quản trị đặc biệt
Với khả năng tạo ra những giới hạn mới trong một ngành dịch vụ cùng sức chịu đựng và một nguồn năng lượng dẻo dai, Cutrone không chỉ có một triết lý lãnh đạo riêng, mà còn hiểu rõ những phẩm chất và năng lực cần thiết của một nhà lãnh đạo đối với những cộng sự xung quanh mình.
3. Tối giản việc truyền thông
Joel Spolsky là nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Công ty Fog Creek Software ở New York City. Anh đã khuyên các nhà quản trị doanh nghiệp tự hỏi: Lần cuối cùng mình triệu tập một cuộc họp và mời tám người thay vì chỉ ba người cần thiết là khi nào?
Đã bao giờ anh gửi một bức thư điện tử có nội dung không quan trọng cho toàn công ty? Đây chính là những triệu chứng của một căn bệnh phổ biến mà Spolsky gọi là “truyền thông” quá tải”.
Đó là vấn đề hiệu quả, nhất là đối với những công ty mới thành lập và tăng trưởng nhanh: khi doanh nghiệp tăng trưởng, đội ngũ nhân viên và các bộ phận trở nên chuyên môn hóa hơn nhưng hoạt động truyền thông lại không theo kịp.
4. Động viên nhân viên thông qua các hoạt động tình nguyện
Khi doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mà các nhân viên vẫn chưa được khen thưởng thỏa đáng thì các nhà quản lý nên làm gì?
Amy Simmons, nhà sáng lập của Công ty Amy’s Ice Cream ở Austin (bang Texas) thưởng cho các nhân viên bằng cách công nhận những đóng góp của họ cho cộng đồng.
Bà khuyến khích các nhân viên của mình tham gia những ngày hoạt động tình nguyện tại các bệnh viện và chọn ra các hoạt động từ thiện mà Amy’s Ice Cream có thể hỗ trợ.
5. Biến văn phòng thành một nhà máy ý tưởng
Rob Dyrdek là một trường hợp điển hình. Anh đã biến hơn chục doanh nghiệp do mình sáng lập thành những nhà máy ý tưởng. Tạp chí Inc. gọi đó là những nơi làm việc thú vị nhất ở Mỹ và nhiều người cũng công nhận điều này.
6. Dịch vụ khách hàng không của riêng ai
Bất cứ ai gửi một email đến Kayak – một trang web tìm kiếm thông tin về du lịch và lữ hành do Paul English sáng lập cùng Steve Hafner vào năm 2004 – cũng đều nhận được một lời phản hồi rất mang tính cá nhân.
Nếu khách hàng gọi điện thoại đến thì sao? English sẵn sàng trả lời cú điện thoại đó. Tất cả mọi thành viên của Kayak, từ nhân viên hỗ trợ văn phòng đến chuyên gia phát triển trang web đều phải làm điều tương tự.
“Nếu các kỹ sư phải trực tiếp trả lời những thắc mắc của khách hàng và họ nhận được một thắc mắc nhiều lần thì chắc chắn họ sẽ điều chỉnh cách làm của mình và khắc phục vấn đề” – English giải thích.
7. Đánh giá sự sáng tạo cao hơn hiệu quả
Một ngày làm việc của Caterina Fake – người đồng sáng lập của trang web chia sẻ hình ảnh Flickr – có thể bắt đầu bằng việc cô và các đồng nghiệp cùng phát thảo ra một mẫu thiết kế mới, sau đó cùng thử nghiệm nó.
Đến trưa, họ lại có thể tiếp tục phát triển một ý tưởng mới mẻ khác. Ở công ty của mình, Fake đề cao tính sáng tạo và luôn đi đầu trong việc này.
8. Linh hoạt với các lịch trình
Linh hoạt là bí quyết làm việc hiệu quả của Scott Lang – CEO của Silver Spring Network, một công ty phát triển các nguồn năng lượng thông minh, có trụ sở ở Redwood City, bang California.
Lang luôn để mở những khoản trống lớn trong lịch trịch làm việc của mình và chỉ có khoảng 50% những việc mà anh làm là đã được lên kế hoạch trước.
Nhờ vậy, Lang luôn có thể ứng phó với những tình huống quan trọng bất ngờ xảy ra. Nếu không có việc gì quan trọng cho những khoản thời gian trống, Lan dùng nó để tự học hỏi, nghiên cứu và suy ngẫm về tương lai.
9. Không đối xử tất cả các nhân viên như nhau
Cutrone – nhà sáng lập của hãng PR People’s Revolution – mô tả văn phòng của cô như một phòng nghiên cứu và phát triển cho những nhân tài trẻ xuất sắc nhất. Cô cho rằng mỗi nhân viên có những kỹ năng và tính cách khác nhau nên không thể đối xử với họ như nhau.
10. Bỏ bớt họp hành
Mark Cuban – chủ sở hữu của Dallas Mavericks, kiêm CEO của HDNet đã nói: “Các cuộc họp chỉ tốn thời gian nếu không đi đến được một kết luận hay thỏa thuận nào.
Có nhiều cách khác để trao đổi thông tin về những gì đang diễn ra trong doanh nghiệp nên các cuộc họp cần phải có mục tiêu và thời lượng được thống nhất trước”.
Cuban cho biết anh có thể tiết kiệm được nhiều giờ mỗi ngày nhờ làm việc qua email thay vì qua điện thoại hay gặp mặt trực tiếp.
11. Quản lý chiến lược
Các trường kinh doanh luôn dạy các CEO phải giao phó công việc, nhưng Joel Spolsky – nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty Fog Creek Software ở New York City đã tìm thấy nhiều giá trị trong việc quản lý công việc theo chiến lược.
Spolsky tin rằng tuyển một nhân viên thông minh, nhiệt huyết với công việc, vạch ra hướng đi cho anh ta và để anh ta tự do thực hiện các công việc của mình luôn là điều mà các nhà quản trị nên làm. Khi một chuyện nào đó diễn ra không theo kế hoạch thì quản lý chiến lược thường có tác dụng tốt.
12. Để nhân viên đến và đi khi họ cảm thấy hài lòng với điều đó
Alden Mills – nhà sáng lập Công ty Perfect Fitness – xem doanh nghiệp của mình cũng giống như một lực lượng được xây dựng bởi những tình nguyện viên đầy nhiệt huyết và các nhân viên có thể rời bỏ công ty bất cứ lúc nào họ muốn.
Mills tin rằng các nhân viên của mình cần phải có được sự tự do để chọn nơi làm việc, đến và đi bất cứ khi nào họ muốn.
13. Làm việc vào cuối tuần và yêu thích điều đó
Đối với Seth Priebatsch – CEO của SCVNGR, một doanh nghiệp mới thành lập ở Boston, chuyên giúp các tổ chức gắn kết nhân viên thông qua các trò chơi trên smartphone (điện thoại thông minh) thì những ngày cuối tuần là một thời gian làm việc hiệu quả cao nhất. Khi gặp một khó khăn nào đó cần phải vượt qua, Priebatsch để dành điều đó vào cuối tuần. Anh còn muốn các nhân viên và cộng sự của mình cũng làm điều tương tự.
14. Tự lên lịch cho những cuộc gặp gỡ quan trọng
Với hơn 22 văn phòng và doanh thu hơn 2,6 tỉ USD mỗi năm, làm thế nào mà Jordan Zimmerman – nhà sáng lập của Công ty Zimmerman Advertising ở Fort Lauderdale (bang Florida) biết được khách hàng muốn điều gì và đang suy nghĩ gì?
Thì ra ngày nào anh ta cũng dành thời gian để gặp gỡ hay trò chuyện qua điện thoại với các CEO hay chủ tịch của những công ty khách hàng quan trọng.
“Những người này đều là những nhà thông thái và công việc của tôi là cập nhật thông tin cho họ, bảo đảm rằng tôi và họ làm việc với nhau như một nhóm và cùng ra những quyết định đúng đắn cho công ty của họ”.