Có một thực tế khá thú vị, đó là trong hầu hết các doanh nghiệp ngày nay, đa phần nhân viên không cảm thấy họ đang làm việc cho công ty, cho các thương hiệu, mà là đang làm việc cho con người – cụ thể là những người sếp của họ.
Cụ thể, trong nghiên cứu mới đây về niềm tin được Công ty tiếp thị Edelman thực hiện, tại Mỹ, lòng tin của nhân viên vào các giám đốc điều hành hiện đang… thấp ở mức báo động. Trong khi đó, một báo cáo nhân viên mới đây được TinyPulse thực hiện, dựa trên việc nghiên cứu trực tiếp 1.000 người Mỹ, thì điều mà nhân viên muốn thay đổi nhiều nhất ở nơi họ làm việc, chính là sếp của mình. Và khi không thể thay đổi sếp, thì hơn 60% nhân viên chỉ muốn… bỏ việc.
- Xem thêm: Những điều làm nên nhà quản trị hiệu quả
“Chúng tôi biết rằng mọi người không rời khỏi công ty, mà là họ rời khỏi sếp của họ. Và ngày nay, rất hiếm có nhà quản trị nào có thể khiến nhân viên răm rắp nghe lệnh, có thể khiến nhân viên đi đến cùng trời cuối đất với anh ta” – Roberta Roberta Chinsky Matuson, chuyên gia tư vấn chiến lược, tác giả sách, chủ tịch của Công ty tư vấn Matuson Consulting, chia sẻ.
Dưới đây là ba điểm không hoàn hảo mà nhà quản trị thường sở hữu, ba điểm khiến nhân sự của họ cảm thấy chán nản nhất.
Trung thực với bản thân
Khi là nhân viên, đa số chúng ta đều thuộc nằm lòng câu nói của Bill Gates, rằng cho đến khi chúng ta có được thành tựu, thì chúng ta không nên quan trọng hóa cái tôi hay danh dự của mình. Tuy nhiên, với nhà quản trị, nếu không có lòng tự trọng, không có cái tôi, anh ta sẽ rất khó để tạo ra hình mẫu cho nhân viên của mình.
“Để trở thành nhà quản trị, bạn phải có cái tôi. Bạn phải là chính mình và đừng cố gắng cư xử, hành động giả dối để bắt chước hay lấy lòng một ai khác. Bởi sớm hay muộn, nhân viên của bạn cũng sẽ nhìn thấu được những điểm yếu, những giả dối mà bạn che giấu” – Roberta Chinsky Matuson chia sẻ.
Do đó, bí quyết để nhà quản trị có thể tạo dựng được hình ảnh của mình trong mắt nhân viên, đó chính là hãy trung thực với bản thân mình. Bằng sự trung thực, nhà quản trị sẽ tạo ra được sự nhất quán trong cách cư xử, cách giải quyết mọi vấn đề anh ta gặp phải. Và điều này không chỉ giúp nhân viên hiểu nhà quản trị ngay từ đầu, mà còn giúp họ ngày càng tin cậy vào anh ta, giúp họ hạn chế sai lầm, hạn chế những xung đột, rắc rối tại nơi làm việc.
- Xem thêm: Quan điểm quản trị nhân sự của sếp giỏi
Tất nhiên, việc nhà quản trị tuyệt đối trung thực với bản thân không đồng nghĩa với việc họ phải tuyệt đối trung thực với nhân viên của mình. Bởi không như nhân viên, nhà quản trị phải đối mặt với rất nhiều áp lực, thách thức không chỉ tới từ công việc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là khi trung thực với bản thân, nhà quản trị sẽ không phải thay đổi quá nhiều để thích ứng với môi trường anh ta đang hoạt động.
Tầm nhìn
Sự khác biệt lớn nhất giữa một nhà quản trị có năng lực và một nhà quản trị xuất sắc, đó chính là tầm nhìn.
Với một tầm nhìn xa, một mục tiêu đủ mạnh để tạo ra động lực lẫn khát khao, nhà quản trị có thể giúp nhân viên của mình phát huy được hết tiềm năng của họ, giúp nhân viên không ngừng phát triển, không ngừng tiến lên phía trước. Xây dựng tầm nhìn, cũng chính là việc nhà quản trị xây dựng một lộ trình sự nghiệp hứa hẹn cho nhân viên.
Bởi để tập hợp quanh mình những người phi thường, bạn phải có một tầm nhìn phi thường. Bạn phải chỉ cho họ thấy đích đến của chuyến hành trình, chỉ cho họ cách để tới đích, và có khả năng truyền cảm hứng cho họ để cùng bạn lên tàu và ra khơi. Do đó là nhà quản trị, thay vì đặt câu hỏi “Tại sao?”, hãy tự tin đặt câu hỏi “Tại sao không?”.
Quản lý năng lượng
Vấn đề cuối cùng, nhưng là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà đa số nhà quản trị gặp phải, đó là làm cách nào để giữ được nguồn năng lượng luôn ổn định trong cơ thể. Bởi chúng ta đều biết, khi cơ thể tràn đầy năng lượng, thì bạn có xu hướng suy nghĩ, hành động và giải quyết mọi việc một cách thấu đáo, tích cực và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, với hàng chục những vấn đề, rắc rối tới từ công việc, nhân viên, khách hàng, chuyện gia đình… nhà quản trị có thể rơi vào trạng thái căng thẳng, hiệu ứng Burnout (đốt sạch năng lượng trong thời gian ngắn) bất cứ lúc nào. Từ đây, năng lượng của nhà quản trị cũng không còn giữ được trạng thái tốt nhất, kéo theo đó là sự biến chuyển của cảm xúc, của những quyết định trong công việc…
Để quản lý thật tốt nguồn năng lượng, bước đầu tiên, nhà quản trị cần biết tránh những hành vi thường làm cạn kiệt năng lượng của mình, đồng thời tập luyện những thói quen tốt để nâng cao mức năng lượng.
- Xem thêm: Quản trị nhân sự của huyền thoại startup
Tới đây, chúng ta có thể xét đến câu chuyện của Steve Wanner, chuyên gia tài chính người Mỹ, cố vấn tài chính cao cấp của Công ty tài chính Ernst & Young. Với lịch làm việc lên tới 14 giờ/ngày, Wanner đã học được cách tiết kiệm và nâng cao mức năng lượng bản thân một cách tối đa.
Ông loại bỏ bớt những việc tiêu tốn năng lượng như tranh luận với đồng nghiệp về các vấn đề chính trị, tổ chức những cuộc họp vào buổi sáng, hạn chế việc cãi vã với vợ vào buổi tối… Để nâng cao năng lượng, Wanner duy trì lịch tập thể dục mỗi sáng, ăn một khẩu phần hạn chế chất béo, cũng như thường xuyên trò chuyện với lũ trẻ ở nhà…
“Những gì Wanner làm, thực ra chỉ là bước đầu tiên. Bước sau cùng cũng là cốt lõi của việc kiểm soát năng lượng, chính là việc bạn phải kiểm soát được cảm xúc của mình. Bởi bất kể điều gì tác động đến bạn, thì quan trọng, luôn là cách bạn nhìn nhận vấn đề và cách bạn đón nhận chúng. Do đó, giữ cảm xúc ổn định, giữ sự tập trung luôn ở bên cạnh, bạn sẽ thấy năng lượng luôn tràn ngập trong người, dù bạn có phải làm việc 15 giờ/ngày đi nữa” – Tony Schwartz, tác giả sách, chuyên gia tư vấn và là nhà bình luận trên trang The New York Times, kết luận.