Chỉ trong vòng vài năm vừa qua, một loạt tác phẩm đào sâu vào nỗi bất an và sự đổ vỡ của quan niệm xã hội đã ra mắt. Rất nhiều nhà văn nữ đã đứng ra nói thay cho cánh chị em toàn cầu.
Đặt tác phẩm vào bối cảnh một thế giới bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu và suy thoái đạo đức, họ phác họa một tương lai mà chính phụ nữ sẽ quyết định nhân loại sẽ tiếp tục tiến bộ hay bị hủy hoại.
“Kể từ tuần trước, tất cả đã đổi thay”, Ngôi nhà Tương lai của Thượng đế (Future Home of the Living God) của Louise Erdrich (Mỹ) mở đầu.
“Rõ ràng thì, như tôi thấy, không ai hay biết rằng thế giới của chúng ta đang đảo nghịch. Hoặc là đã chuyển hướng hay cũng có khả năng là đang lách sang một bên, không sao nắm bắt được”.
1. Sự đảo chiều trong quan niệm cố hữu
Nghe có vẻ rối rắm nhưng hình như chúng ta đều hiểu được. Có vẻ như là đang có một cái gì đó khang khác trong quỹ đạo vận động của thế giới ngày nay.
Đàn ông thì mất dần quyền lực hằng có, còn phụ nữ lại đang từng bước thể hiện sự quyết đoán, mạnh mẽ khó ngờ.
Thay vì nhẫn nhục, cam chịu như xưa dưới quan niệm trọng nam khinh nữ (phương đông) hay phân biệt giới tính (phương tây), họ đang ngày càng độc lập hơn, thoát khỏi cái bóng của nam giới.
Nếu xét theo tiến trình phát triển của quyền lực trong giới tính, rõ ràng đã có một sự… chạy lùi. Xưa kia, phụ nữ từng nắm vai trò người đứng đầu trong xã hội mẫu hệ, rồi đánh mất nó trong xã hội phụ hệ.
Bây giờ, dường như con đường vận động đang quay ngược trở lại hoặc “đang lách sang một bên”, như nhận định của Cedar, nhân vật chính trong Ngôi nhà Tương lai của Thượng đế.
Thay vì tập trung vào nam giới như các tiểu thuyết của trước đó, những năm gần đây, văn học mỗi ngày một để tâm đến phụ nữ.
Tất nhiên, phần lớn các tác phẩm như thế này đều được viết bởi các nữ tác giả. Xét cho cùng, không ai hiểu phụ nữ hơn chính phụ nữ.
Thế giới đang không chỉ có những biến động về mặt quan niệm văn hóa, nó còn đang thật sự bị biến đổi vì nóng lên toàn cầu, suy thoái đạo đức, hỗn loạn chính trị.
Quan trọng hơn cả, chuyện sinh con đẻ cái, trong một vài xã hội, đang không là tự do lựa chọn của phái yếu. Bởi thế nên nhiều nhà văn nữ như Erdrich, Leni Zumas (Mỹ), Bina Shah (Pakistan) mới phải lên tiếng, bộc lộ thái độ và quan điểm.
2. Giả sử phụ nữ vô sinh
Trước đó 33 năm, vào năm 1985, Margaret Atwood của Canada từng xuất bản tác phẩm sẽ trở thành đầu tàu cho sự chuyển động của tiểu thuyết nữ quyền ngày nay, Chuyện người hầu gái (The Handmaid’s Tale).
Sau khi giả sử nước Mỹ, sau cuộc nội chiến, sẽ trở thành một quốc gia độc tài toàn trị, Atwood vẽ nên bối cảnh cuộc đời của các phụ nữ trong một xã hội gia trưởng cực đoan. Các chị em bị ép buộc biến thành các cỗ máy đẻ con. Không có ai quan tâm đến mong muốn cũng như cảm xúc của họ.
Khi Tổng thống Donald Trump quyết định thi hành chính sách chia cắt gia đình ở biên giới, cướp đi con trẻ trong tay các bà mẹ và nói rằng điều đó là chuyện đương nhiên thôi, vì chỉ là thực thi luật pháp, người ta bất giác nhớ về Chuyện người hầu gái.
Lấy cảm hứng từ thực tế tàn nhẫn trong luật của Trump và hư cấu đau lòng của Atwood, Shah viết nên Trước khi cô ấy ngủ (Before She Sleeps).
Nữ tiểu thuyết gia trẻ này đặt nội dung câu chuyện trong bối cảnh một thành phố Trung Đông trong tương lai không xa.
Ở đó, thế giới đang bị tàn phá bởi một nạn dịch có tên HPV. Nó lây nhiễm vào phụ nữ và giết chết họ chỉ trong vòng vài tháng. Khi quá nhiều nữ giới thiệt mạng, chuyện thừa nam thiếu nữ tất yếu xảy ra. Một phụ nữ bị buộc phải làm vợ của nhiều đàn ông cùng một lúc.
Đến Ngôi nhà Tương lai của Thượng đế, những người mẹ không còn sinh những đứa con khỏe mạnh, mà chỉ toàn đẻ ra những đứa bé tàn tật. Chính phủ hư cấu lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tất cả nữ giới đang mang thai đều bị nhà nước bắt giam.
Trong khi quan niệm gia trưởng nói rằng họ có toàn quyền kiểm soát, quyết định số phận của một phụ nữ, các nữ nhà văn đối đáp lại bằng giả sử “vô sinh”.
Nhà văn P.D. James của Anh tưởng tượng ra một tương lai đáng sợ vào năm 2021, khi bản chất của sinh sản bị sụp đổ trong Đứa trẻ của Đàn ông (Children of Men).
Hillary Jordan (Mỹ) thì vẽ lên cảnh bệnh dịch STD khiến tất cả những ai sống sót đều mất khả năng sinh đẻ với Khi cô ấy tỉnh dậy (When She Woke).
- Xem thêm: Nữ quyền bạo lực trong hư cấu
Ở Ngôi nhà Tương lai của Thượng đế, Cedar bị quẳng vào nỗi khiếp hãi sẽ sinh con dị tật. Cô bất an mỗi phút giây vì biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, càng lúc càng bấn loạn bởi viễn cảnh phải làm mẹ một đứa trẻ không bình thường.
Dù sinh đẻ là cách duy nhất để duy trì sự sống song, như Hulu từng viết khi đánh giá Chuyện người hầu gái: “Thứ mang lại cho bạn giá trị trong xã hội lại cũng chính là thứ mà bạn ghét”.
3. Giả sử phụ nữ có toàn quyền
Với tác phẩm Đồng hồ Đỏ (Red Clocks), Leni Zumas của Mỹ làm điều ngược lại. Cô giả sử một nước Mỹ có phần khá giống với hiện tại: cấm phá thai.
Ngay sau cuộc bầu cử hư cấu, các phòng khám phụ khoa lần lượt đóng cửa. Những thiếu nữ trót dại đều có nguy cơ bị xét tội giết người và tống giam.
Dẫu không có đại dịch vô sinh nào, cũng tức là sự tồn vong của nhân loại không hề bị đe dọa, nhưng Đồng hồ Đỏ lại nổi lên một vấn đề khác: nhân quyền nào cho nữ giới?
Christina Dalcher của Anh trả lời bằng Dư luận (Vox), cuốn tiểu thuyết giả sử mọi đàn ông đều được dạy dỗ từ bé rằng phụ nữ chỉ là “công dân hạng hai”.
Nhà nước của Dư luận cũng cấm phụ nữ được nói quá 100 từ mỗi ngày. Họ còn phải đeo vòng tay công nghệ cao có khả năng phát hiện vi phạm, và bị sốc điện mỗi khi vượt giới hạn.
Nhưng dù thế nào, các câu chuyện trên đây vẫn hướng về một cái kết thúc có hậu. Nó chỉ đơn giản nhắc nhở người đọc về chuyện con người yếu đuối ra sao cũng như con người có thể mạnh mẽ đến nhường nào.
Chỉ khi bước sang Sức mạnh (The Power) của Naomi Alderman ở Anh, cái gọi là nữ quyền bạo lực mới xuất hiện.
Thế giới không còn “lách sang một bên” mà hoàn toàn đảo nghịch. Phụ nữ biết được cách kích hoạt nguồn điện vô hạn trong cơ thể. Với sức mạnh áp đảo mới này, họ trở nên bất bại, và có thể lấy mạng đàn ông dễ như trở bàn tay bất cứ lúc nào.
Có thể nói rằng, với Sức mạnh, phái yếu đã lần đầu tiên có đủ sức mạnh thể chất để đối địch với nam giới.
“Nó không quan trọng là nên hay không nên, làm hay không làm”, một nhân vật của Sức mạnh nghĩ. “Mà quan trọng là cô ấy có thể nếu cô ấy muốn”. Cái “có thể” ở đây là “có thể đả thương người khác”, cụ thể là đàn ông.
Tại Riyadh, hàng ngàn chị em đã vùng dậy, gây nên nỗi khiếp hãi cho lực lượng cảnh sát. Ở Moldova, phụ nữ bị biến thành nô lệ tình dục chớp mắt có được tự do.
“Sự biến đổi xảy ra nhanh đến nỗi đàn ông không kịp nghĩ ra các thủ đoạn để đối phó”, Alderman viết. Bà còn gọi sức mạnh bất ngờ đó là “món quà”. Trong thế giới mà phụ nữ mạnh hơn đàn ông gấp nhiều lần ấy, tự do đã trở thành hiện thực.
Nhưng quyền lực vẫn luôn có hai mặt của nó. Dù là phụ nữ đi chăng nữa, một khi có quyền lực cũng sẽ lạm quyền. Họ có thể ít tham nhũng hơn đàn ông, nhưng bạo lực thì không hề kém cạnh.
“Phụ nữ có tốt hơn đàn ông hay không ư”, Alderman nói với tờ The New York Times. “Không đâu. Có mang giới tính nào đi nữa thì cũng vẫn chỉ là con người mà thôi”.
Điều này thì tất nhiên rồi! Không phải đàn ông nào cũng xấu xa, bạo lực, và hiển nhiên là không phải mọi phụ nữ đều nhẫn nhục, hiền lành.
Dù vậy, những hỗn loạn đang xảy ra trên thế giới vẫn là có thật. Nào ai dám chắc một ngày như Sức mạnh lại sẽ không trở thành hiện thực?