Đây là những đột phá hấp dẫn trong lĩnh vực y học thời gian gần đây, tiền đề giúp ngành y chữa bệnh cứu người hiệu quả hơn, vừa được tạp chí khoa học Listverse của Anh số tháng 5-2019 công bố.
1. Phát hiện ra các gien kháng béo phì
Khoa học đã biết đến mối liên quan giữa di truyền và khối lượng cơ thể, nhưng gần đây các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge của Anh còn xác định chính xác gien giúp con người thon thả.
Khoảng 4 triệu người Anh, hay 6% dân số có nguồn gốc châu Âu có một mã hóa ADN giúp họ không tăng cân: đó là gien MC4R.
Trong thực tế có một số chất béo như mỡ trắng, chứa năng lượng dư, và chất mỡ nâu giúp giữ ấm cơ thể. Các tế bào mỡ nâu có nhiều ty thể hơn, điều này giúp chúng đốt năng lượng hiệu quả hơn.
Qua nghiên cứu cách thức duy trì chất béo nâu ngay cả khi cơ thể không bị lạnh, nhóm nghiên cứu ở Đại học Cambridge đã tìm thấy gien MC4R kiểm soát một protein có tên melanocortin 4, thụ thể não liên quan với sự thèm ăn.
Những người tham gia nghiên cứu với một chuỗi MC4R cụ thể cho thấy hạn chế khẩu vị khiến họ ít bị béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường týp 2.
Phát hiện trên giúp khoa học hiểu rõ hơn về gien chi phối khẩu vị ăn uống, tạo ra một loại thuốc để chống lại căn bệnh béo phì đang gia tăng, gây nhiều bệnh nan y như hiện nay.
2. Hồi sinh não lợn sau khi chết
Một nhóm các chuyên gia thần kinh ở Đại học y khoa Yale của Mỹ đã nghiên cứu và cho biết có thể hồi sinh một phần não lợn đã chết sau nhiều giờ bằng hệ thống có tên BrainEx.
Điều này nghĩa là sự chết đi của các tế bào não có thể đảo ngược được, trái với những gì nhân loại từng tin trước đây. 30 não lợn chết đã được khôi phục quá trình lưu thông máu và hoạt động tế bào não, giúp não vật tiếp tục sống thêm nhiều giờ nữa giống như khả năng hấp thụ đường và oxy được hồi phục nhờ BrainEx đưa dịch giàu oxy qua chất xám của lợn.
Phương pháp bảo tồn não lợn gồm ba yếu tố là dịch lỏng giống như máu được thiết kế riêng cho việc bảo quản các tế bào não đang bị đe dọa; thiết bị giúp dung dịch hóa học này lưu thông an toàn trong não và các thủ thuật phẫu thuật để tách não cũng như nối các động mạch, tĩnh mạch quan trọng vào thiết bị lưu thông.
Chất lỏng hồi sinh một phần các tế bào tối đa tới 6 giờ, đồng thời làm chậm quá trình tổn thương sau khi chết.
Tuy rất tiên tiến và mang tính khả thi song nghiên cứu trên lại vấp phải trở ngại về đạo đức khi sử dụng ở con người, nhưng đây không phải một bộ não sống mà là não có hoạt động tế bào, mở ra hướng đi mới để điều trị tốt hơn chứng đột quỵ và rối loạn khác làm cho các tế bào trong não bị chết.
3. Em bé sinh ra với ADN của 3 người
Trong một ca sinh bằng thụ tinh trong ống nghiệm, một em bé đã ra đời tại Hy Lạp với ADN từ 3 người khác nhau thông qua kỹ thuật thay thế ty thể trong tế bào: ADN của cha mẹ ruột và của người phụ nữ hiến trứng.
Đây là thành quả hợp tác y khoa giữa Hy Lạp và Tây Ban Nha; bé trai chào đời ngày 9-3-2019, nặng 2,9kg, sức khỏe ổn định.
Mẹ em bé là phụ nữ Hy Lạp 32 tuổi từng 4 lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành công đã cùng với 24 phụ nữ khác, tham gia thử nghiệm phương pháp Maternal Spindle Transfer do Viện Sinh học Athens kết hợp với Trung tâm Embryotools của Tây Ban Nha thực hiện.
Trong dự án, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa tế bào trứng, hay loại bỏ nhân trong tế bào trứng chứa ty thể bất thường của người mẹ, sau đó chuyển nhân này sang tế bào trứng khỏe mạnh hiến tăng đã loại bỏ nhân.
Tế bào trứng của người hiến mang nhân của người mẹ được thụ tinh với tinh trùng của người cha.
Như vậy, em bé chào đời bằng phương pháp Maternal Spindle Transfer mang DNA của ba người là bố mẹ chính chủ và người hiến trứng (có khoảng 0,2% ADN có nguồn gốc từ người hiến tặng).
Dự án bé sinh ra với ADN của 3 người là cuộc cách mạng trong hỗ trợ sinh sản, giúp phụ nữ sẽ thực hiện giấc mơ làm mẹ với chính vật liệu di truyền của bản thân mình.
4. Đảo ngược bệnh mất trí nhớ ở con người
Bằng cách dùng các xung điện kích thích não, các nhà khoa học tạm thời đảo ngược hiệu ứng suy giảm trí nhớ ở con người.
Với tuổi tác, các mạng lưới nhận thức quan trọng trong não bắt đầu mất tính đồng bộ, dẫn đến lú lẫn, lúc nhớ lúc quên. Hệ thống xử lý ngắn hạn đóng vai trò chính trong các nhiệm vụ như nhận dạng khuôn mặt và số học.
Đây là dự án của các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Boston của Mỹ, phát hiện thấy việc kích thích điện không xâm lấn dường như cải thiện kết nối giữa các mạng lưới này.
Một nhóm những người tình nguyện bị mất trí nhớ độ tuổi 60 đến 76 đã tham gia một cuộc thử nghiệm, thực hiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến khả năng nhớ sau khoảng nửa giờ được điều trị bằng xung điện.
Những người bị mất trí nhớ trầm trọng đã có sự cải thiện lớn nhất. Thử nghiệm mang tính khả thi nhưng theo các nhà khoa học, cần tiến hành thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng để xác định kích thích điện có thực sự khả thi trong việc chống mất trí nhớ hay không trước khi áp dụng chính thức cho con người.
5. Ra đời bộ phận người trong suốt
Nhóm chuyên gia ở Đại học Ludwig Maximilians của Đức, đứng đầu là tiến sĩ Ali Erturk, vừa tiết lộ họ nghiên cứu phát triển thành công một kỹ thuật mới sử dụng dung môi để tạo ra các bộ phận cơ thể như não và thận có độ trong suốt nhìn thấu.
Sau đó, bộ phận này được quét bằng laser trong kính hiển vi để cho phép các nhà nghiên cứu chụp toàn bộ cấu trúc, kể cả các mạch máu và từng tế bào tại các vị trí cụ thể.
Sử dụng bản thiết kế trên, nhóm đề tài tạo ra giàn giáo của bộ phận cụ thể, trước khi nạp vào máy in 3D các tế bào gốc hoạt động như mực, tiêm vào đúng vị trí để cho ra đời sản phẩm cuối, trong đó có các cơ quan chức năng như tim gan hay thận.
- Xem thêm: Bác sĩ AI
Kỹ thuật in 3D đã được sử dụng rộng rãi để sản xuất các chi tiết trong ngành công nghiệp, và nay tiếp tục được ứng dụng trong ngành y.
Hiện nay các cơ quan in 3D thiếu cấu trúc tế bào cụ thể vì chúng dựa trên hình ảnh từ chụp cắt lớp vi tính hoặc từ máy MRI.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta sử dụng công nghệ in sinh học 3D để tạo ra một cơ quan người thật. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến trong vòng 5-6 năm nữa, chúng tôi sẽ cho ra đời một quả thận và sau đó, 5-10 năm nữa sẽ thử nghiệm lâm sàng trên động vật, trước khi dùng cho người để khắc phục tình trạng thiếu vật liệu cấy ghép như hiện nay”, bác sĩ Ali Erturk cho biết.