Những người mắc “hội chứng Stendhal” thường cảm thấy lo lắng, mất phương hướng, buồn nôn, ảo giác và điên loạn tạm thời khi tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật.
Họ cảm thấy choáng ngợp trước sự hiện diện của những gì mà người khác cho là vẻ đẹp hoàn mỹ. Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Florence cũng thường xuyên điều trị cho những bệnh nhân bị choáng ngợp khi nhìn vào bức tượng David của Michelangelo.
Tuy nhiên, không chỉ những người mắc “hội chứng Stendhal” bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ thất vọng và các nhà hoạt động chính trị cũng đã phản ứng với các tác phẩm nghệ thuật, chủ yếu bằng cách cố gắng phá hủy chúng. Dưới đây là 10 tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng đã bị tấn công bởi những kẻ phá hoại.
1. Bức tranh Rokeby Venus của Diego Velazquez
Vào năm 1914, bức tranh Rokeby Venus (Vệ nữ Rokeby) đã bị một phụ nữ tên Mary Richardson dùng dao cắt thịt chém vào khi nó đang treo trong Nhà trưng bày quốc gia ở London. Bức tranh phải chịu ít nhất 5 vết cắt dài và sâu.
Lý do mà Richardson khai báo với cảnh sát là để phản đối việc bắt giữ Emmeline Pankhurst, một người theo chủ nghĩa nữ quyền, và ngay sau đó Richardson được báo chí đặt biệt danh là “Slasher Mary” (Mary, người chém tranh).
Richardson khẳng định cô đã thực hiện việc này không chỉ để nâng cao nhận thức về vụ bắt giữ Pankhurst, mà còn để phản đối cách mà những du khách nam cứ nhìn chằm chằm vào bức tranh suốt cả ngày. Bức tranh Rokeby Venus vẽ một phụ nữ trần truồng nằm quay lưng về hướng người xem.
Phần bên dưới của cô đặc biệt nổi bật và được cho là giống như hình ảnh ba chiều khiến người xem cứ muốn chạm vào nó.
Người phụ nữ trong bức tranh nhìn lại người xem từ gương như thể cô ấy biết mình đang bị theo dõi. Điều này mang đến cho người xem cảm giác như mình bị bắt gặp đang nhìn trộm vệ nữ Rokeby.
Bức tranh đã được khôi phục nguyên trạng nhờ công của chuyên gia Helmut Moritz Ruhemann và hiện nay người xem chỉ có thể nhìn thấy dấu vết của thiệt hại nếu hết sức chú ý.
2. Bức tranh The Fall of The Damned của Peter Paul Rubens
Bức tranh The Fall of the Damned (Rơi xuống địa ngục) được vẽ bởi danh họa Rubens vào năm 1620. Nó mô tả sự rơi xuống của các thiên thần nổi loạn từ thiên đường xuống địa ngục.
Đó là một bức tranh khổng lồ, dài hơn 2,9m và rộng 2,2m, vẽ số lượng lớn người phàm và thiên thần nổi loạn trong tình trạng trần truồng rơi khỏi bầu trời xuống hố lửa bên dưới.
Vào năm 1959, bức tranh đã bị tấn công bằng acid. Kẻ phá hoại tuyên bố rằng hắn không phá hủy tác phẩm nghệ thuật một cách trực tiếp vì acid đã thay hắn ta làm công việc hủy diệt (điều này giống như nói rằng khẩu súng giúp một người khỏi công việc bắn vào đầu ai đó).
Người ta không biết lý do tại sao hắn ta lại chọn phá hủy bức tranh The Fall of The Damned, nhưng các nhà phục chế đã dựa vào bản phác thảo gốc của Rubens để cố gắng tái tạo tác phẩm.
Mặc dù họ đã cố gắng tối đa, nhưng acid đã tan chảy trong sơn và gây ra thiệt hại vĩnh viễn một số phần của tác phẩm nghệ thuật này.
3. Bức tranh Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci
Bức tranh nổi tiếng thế giới Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci đã bị những kẻ phá hoại nhắm đến nhiều lần. Nó đã bị hư hại hai lần trong năm 1956 – một lần bị một kẻ phá hoại ném acid vào bức tranh và một lần nữa khi có ai đó ném đá vào nó.
Lần gần đây nhất, một phụ nữ Nga vừa bị từ chối quốc tịch Pháp đã ném một chiếc cốc vào bức tranh. Tuy nhiên, các nhà quản lý tại Bảo tàng Louvre rõ ràng đã học được bài học kinh nghiệm từ quá khứ.
Bức tranh đắt nhất thế giới được bảo vệ bằng kính chống đạn. Chiếc cốc trống rỗng bị vỡ trên mặt kính và không gây ra tổn hại gì cho bức tranh.
4. Bức tranh Ivan khủng khiếp và con trai của họa sĩ Ilya Repin
Bức tranh Ivan khủng khiếp và con trai là một trong những bức tranh nổi tiếng và gây tranh cãi nhiều nhất ở Nga.
Nó mô tả vị Sa hoàng khét tiếng đang đỡ cậu con trai đang hấp hối trong vòng tay của mình với nỗi đau buồn và vẻ kinh hoàng hiện rõ trên khuôn mặt. Có thể nỗi kinh hoàng là vì Ivan đã giết chính con trai mình vì hoang tưởng.
Vào tháng 5-2018, tác phẩm nghệ thuật này đã bị tấn công bởi một người đàn ông sau khi uống một lượng rượu vodka khá lớn.
Anh ta cầm lấy một trong những cột kim loại dùng để giữ dây thừng, rồi tiến đến gần bức tranh và dùng cây cột này đập vỡ kính an ninh và xé toạc bức tranh.
May mắn thay, cây cột kim loại này đã không phạm vào phần chính của bức tranh. Không rõ tại sao kẻ phá hoại lại chọn bức tranh này để phá hủy.
Có thể là do tác phẩm nghệ thuật này từ lâu đã là nguyên nhân gây tranh cãi ở Nga, với nhiều người theo chủ nghĩa dân túy tranh cãi về Sa hoàng Ivan IV Vasilyevich.
Sau khi bị bắt, nghi phạm khai với cảnh sát: “Tôi đã muốn rời đi, nhưng sau đó uống 100g rượu vodka và bị choáng ngợp bởi một thứ gì đó. Tôi thực sự không muốn làm điều đó”.
Đây không phải là lần đầu tiên bức tranh bị tấn công. Bản thân họa sĩ đã từng khôi phục bức tranh sau khi nó bị chém vào năm 1913. Các báo cáo từ phòng trưng bày nói rằng tác phẩm nghệ thuật này có thể được phục hồi nhưng sẽ phải mất nhiều năm.
5. Bức tranh La Berceuse của danh họa Vincent Van Gogh
Vincent Van Gogh bắt đầu vẽ bức tranh La Berceuse chỉ vài ngày trước khi ông tự cắt tai mình. Ông đã hoàn thành bức tranh sau khi trở về từ bệnh viện.
Bức tranh vẽ một người phụ nữ ngồi trên chiếc ghế bập bênh. Bà ấy đang cầm một sợi dây để đu đưa một cái nôi “không nhìn thấy được”.
Van Gogh được cho là đã bị ám ảnh về bức tranh này trong khi bị giữ trong bệnh viện. Ông thậm chí còn hát những bài hát ru con cho đứa trẻ “bên ngoài bức tranh” trong khi mê sảng.
Van Gogh đã tạo ra năm phiên bản của bức tranh. Trong khi một trong số chúng được cho Bảo tàng thành phố Amsterdam mượn, nó đã bị chém 3 lần bởi một người đàn ông tự xưng là một nghệ sĩ. Không biết tại sao anh ta lại chọn việc phá hoại bức tranh.
Đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm của Van Gogh bị các nghệ sĩ tuyệt vọng nhắm đến. Vào năm 1978 tại Bảo tàng Van Gogh, một người đã chém thành một chữ X khổng lồ trên mặt của bức chân dung tự họa nổi tiếng của Van Gogh với chiếc mũ phớt màu xám.
Bức tranh đã được khôi phục, nhưng tổn hại vẫn có thể nhìn thấy, đặc biệt là khi nhìn từ bên cạnh. Giống như Van Gogh, kẻ phá hoại được coi là điên rồ và bị gửi đến một viện tâm thần.
6. Bức tranh Argenteuil Basin With A Single Sailboat của danh họa Claude Monet
Vào năm 2012, Andrew Shannon đã đến thăm Phòng trưng bày Quốc gia ở Ireland cùng với hàng trăm người khác.
Tuy nhiên, không giống như những du khách khác, anh ta đã đấm vào kiệt tác Argenteuil Basin With A Single Boat của danh họa Monet.
Bức tranh đã được vẽ vào năm 1874 và cho thấy một chiếc thuyền buồm trên một hồ nước gần Paris. Monet đã từng sống trong khu vực này, nơi ông đã chuyển đổi một chiếc thuyền thành một xưởng vẽ nổi.
Shannon bị bắt gặp trên camera quan sát khi đang chạy đến bức tranh và đấm tay vào nó. Được định giá 10 triệu USD, bức tranh đã bị hư hỏng nặng.
Anh ta bảo rằng mình đấm nó để “trở về tình trạng cũ”, mặc dù anh cũng không rõ việc này sẽ giúp được gì.
Bức tranh phải mất 18 tháng để khôi phục. Shannon là một nghệ sĩ “không gặp thời”. Có thể là Monet hiểu được điều gì đó.
Rốt cuộc, vào năm 1908, Monet đã phá hủy những bức tranh của chính mình ngay trước khi chúng được triển lãm bởi vì ông không hài lòng với chúng.
7. Bức tranh The Night Watch của danh họa Rembrandt
Bức tranh The Night Watch (Người gác đêm) của Rembrandt được vẽ vào năm 1642. Nó mô tả những người lính đang bắt đầu ca gác đêm trong khi được giám sát bởi các sĩ quan chỉ huy của họ.
Bức tranh là một trong những ví dụ điển hình nhất về việc sử dụng ánh sáng và bóng mờ của Rembrandt.
Năm 1975, tác phẩm nghệ thuật vô giá đang được treo trong một bảo tàng ở Amsterdam thì một người đàn ông bước vào với một con dao cắt bánh mì và bắt đầu chém vào bức tranh.
Ông ta đã chém hơn một chục nhát dao, chủ yếu là ở nửa dưới của bức tranh khổng lồ. Ông ta tiếp tục chém bằng một tay trong khi chống đỡ một nhân viên bảo vệ bằng tay kia.
Một mảnh vải ở giữa bức tranh đã bị xé toạc hoàn toàn. Kẻ tấn công được cho là đã nói với các nhân chứng rằng anh ta “đã làm điều đó cho Chúa”. Người đàn ông này có tiền sử bệnh tâm thần, cuối cùng đã bị khuất phục.
Trái với thông lệ, bảo tàng đã quyết định rằng việc phục hồi sẽ được thực hiện trong phòng trưng bày công cộng nơi bức tranh thường treo.
Du khách sẽ có cơ hội quan sát quá trình phục hồi khi nó được tiến hành. Công việc sẽ bắt đầu vào tháng 7 năm 2019, 350 năm sau cái chết của họa sĩ.
8. Bức tranh Guernica của danh họa Pablo Picasso
Bức tranh nổi tiếng thế giới Guernica của Pablo Picasso mô tả vụ đánh bom của phát xít Đức vào thị trấn dân sự Guernica trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, được coi là một kiệt tác của thế giới hiện đại.
Vào năm 1974, bức tranh được Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại mượn từ chính Picasso, và tại đây một người đàn ông tên là Tony Shafrazi đã phun sơn dòng chữ “Kill Lies All” có độ cao 0,3m lên bức tranh.
Kẻ phá hoại nói với những người chứng kiến tên của anh ta, thậm chí đánh vần tên anh trong trường hợp họ muốn liên lạc với báo chí. Khi được hỏi tại sao anh ta muốn làm hỏng bức tranh, anh ta trả lời, “tôi là một họa sĩ và tôi muốn nói sự thật”.
Nhân viên bảo tàng đã ngay lập tức niêm phong căn phòng, trong khi các chuyên gia phục chế loại bỏ lớp sơn phun màu đỏ.
Các lớp sơn này đã được loại bỏ trong vòng một giờ và không gây ra thiệt hại lâu dài. Lớp vécni trên bức tranh đã hoạt động như một lá chắn chống lại sơn phun mà sau đó đã được làm sạch.
9. Bức tranh The Virgin And Child With St. Anne And St. John The Baptist của Leonardo Da Vinci
Được vẽ vào khoảng năm 1510, bức tranh Trinh nữ và trẻ em với Thánh Anne và Thánh John The Baptist khắc họa hình ảnh thánh Anne với Đức Mẹ Maria cũng như Chúa Kitô và thánh John Baptist khi còn nhỏ.
Nó được cho là bản phác thảo sơ bộ cho một bức tranh không tồn tại. Bức tranh được vẽ bằng than và phấn; do vậy, rất mỏng manh.
Vào năm 1987, bức tranh đã bị hư hại khi Robert Cambridge bắn vào nó bằng một khẩu súng ngắn đã cưa nòng từ khoảng cách 2,1m. Anh ta khai với cảnh sát rằng muốn thể hiện sự ghê tởm của mình đối với các điều kiện chính trị, xã hội và kinh tế ở Anh.
Cambridge đã xoay xở để vào phòng trưng bày với khẩu súng ngắn giấu bên dưới áo khoác. Lực chính của viên đạn đập vào kính bảo vệ trên bức tranh, nhưng nó cũng xé một lỗ 15cm xuyên qua chiếc váy của Maria. Cambridge được tuyên bố không phạm tội phá hoại vì lý do bị tâm thần và được đưa đi điều trị tại một bệnh viện tâm thần.
- Xem thêm: 5 tuyệt tác nghệ thuật bị mất cắp
Bức tranh trị giá 35 triệu USD vào thời điểm đó đã bị hư hại nghiêm trọng. Những người phục chế đã phải thu thập những mảnh giấy nhỏ và dán chúng lại với nhau, từng cái một, nhưng phần lớn các thiệt hại hiện giờ đã rất khó phát hiện.
10. Bức tranh Girl With Balloon của Banksy
Năm 2004, nghệ sĩ graffiti Banksy đã vẽ một bức tranh mà ông đặt tên là Girl with Balloon (Cô gái với quả bóng bay). Bức tranh được bao quanh bởi một khung trang trí công phu và nặng nề khác thường.
Khi bức tranh được bán đấu giá vào tháng 10 năm 2018, lý do tại sao khung hình lại nặng đã rõ ràng. Phía dưới khung hình có một máy cắt giấy nhỏ. Khi tiếng búa đập lên bàn, xác định mức giá 1,3 triệu đôla cho bức tranh, một người nào đó đã bật công tắc khởi động chiếc máy.
Video sau đó được công bố bởi những người tham gia cuộc đấu giá cho thấy Banksy đã tham dự cuộc đấu giá. Khi mọi người đang vỗ tay hoan nghênh giao dịch thành công thì ông ta nhấn nút điều khiển từ xa, kích hoạt máy hủy tài liệu. Bức tranh rơi ra khỏi khung hình, và hai phần ba bức tranh đã bị phá hủy ngay lập tức.
Tuy nhiên, đó là do máy hủy tài liệu bị trục trặc. Thay vì phá hủy toàn bộ bức tranh như Banksy dự định, máy hủy tài liệu đã dừng lại khi bức tranh đi được 2/3 quãng đường của nó.
Chủ sở hữu mới đã không từ bỏ ý định mua tranh. Cô ấy nói rằng cô cảm thấy hạnh phúc với bức tranh, bây giờ đã đổi tên thành Tình yêu trong thùng rác (Love is in the Bin). Vì vậy, cô đã trả tiền và mang bức tranh về nhà.
Người phát ngôn của nhà đấu giá Sothwards, cho biết: “Câu chuyện là Banksy đã không phá hủy được tác phẩm theo ý mình, ông đã tạo ra một tác phẩm, thêm giá trị vào nó. Nó đã là một tác phẩm mới, khác với tác phẩm xuất hiện trong danh mục. Nhưng dù sao đó cũng là một tác phẩm nghệ thuật có chủ ý, không phải là một bức tranh bị phá hủy”.