Dưới đây là những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhưng lại bị người đời hiểu sai về nội dung trong suốt thời gian dài vừa được tạp chí trực tuyến Listverse.com của Anh giới thiệu.
1. The Swing
The Swing (Chiếc xích đu) là bức tranh sơn dầu nổi tiếng của họa sĩ người Pháp Jean-Honore Fragonard theo phong cách Rococo thế kỷ 18. Nó còn có tên gọi khác là The Happy Accidents of the Swing, mang lại một hình ảnh vui nhộn và cảm xúc.
Thậm chí, The Swing còn là chủ đề cho phim Nữ hoàng băng giá (Frozen) của hãng phim Disney. Tuy nhiên, ý tưởng tạo ra The Swing của Fragonard không hẳn như vậy, thậm chí nó còn vượt xa cả những gì được tái hiện trên phim của Disney.
Trong thực tế, The Swing có chủ đề tình dục. Bức tranh mô tả một người phụ nữ trẻ đung đưa một cách bất cẩn trong một khu vườn lãng mạn, cùng với một người tình trẻ của mình trong khi người chồng lại đứng ở xa, hoàn toàn không hề hay biết sự hiện diện của người thứ ba.
Người tình trẻ đang nhìn xoáy vào bộ váy của người phụ nữ. Cảnh này đã được trộn lẫn với bụi cây hồng, mà người ta cho rằng đây là nét đặc trưng của nghệ thuật Rococo thế kỷ 18, một biểu tượng cổ điển của tình dục nữ.
Ngoài ra, người tình trẻ còn để chiếc mũ của mình vào bụi cây. Theo giới phê bình nghệ thuật, thường thì chiếc mũ được dùng để che giấu sự hưng phấn tình dục trên bộ phận nhạy cảm nhưng nó lại được để trên bụi cây là một trò chơi chữ rất độc đáo của Fragonard.
Một chi tiết khác đáng chú ý là một chiếc giày của người phụ nữ đã bị tuột khỏi chân trong khi đang đu đưa trên xích đu. Không cần phải phải lý giải nhiều, hành động tụt giày tự thân nó là biểu hiện của sự ham muốn tình dục.
Không ai phủ nhận The Swing là một tác phẩm nghệ thuật, một hình ảnh đẹp mô tả một ham muốn rất đời thường của con người, nhưng đáng tiếc lại bị hiểu lầm nội dung, được người ta dựng thành phim cho trẻ em xem.
2. The Rape Of The Daughters Of Leucippus
The Rape Of The Daughters of Leucippus (Hãm hiếp con gái của Leucippus) là tác phẩm của danh họa Peter Paul Rubens (1577-1640), người xứ Flandre (nay là đơn vị hành chính của Bỉ). Đây cũng là tác phẩm nghệ thuật bị hậu thế hiểu sai suốt một thời gian dài.
Thứ nhất, bức tranh được đưa ra giới thiệu trước công chúng khi nghệ sĩ Thomas Kucerovsky đăng một chuyện hài mang tên Wrong Century (Một thế kỷ sai lầm) trên trang web riêng của mình.
Truyện tranh này đề cập tới sự hấp dẫn của một người phụ nữ có cơ thể lớn hơn so với người phụ nữ được đề cập trong tác phẩm của Rubens, khoả thân với vẻ sức hấp dẫn giới tính nhiều hơn là cảnh bạo lực.
Sau khi truyện tranh trên được đăng tải, có rất nhiều bình luận được đăng, phần lớn là chỉ trích. Bức tranh của Rubens, như tên của nó cho thấy, chắc chắn không phải là hình ảnh tích cực về cơ thể phụ nữ mà Kucerovsky đã nêu trên website của mình.
Với tác phẩm này, Rubens muốn mô tả Phoebe và Hilaeira, hai người con gái của Leucippus ở Messenia, phía Tây Nam Peloponnese (Hy Lạp) đã bị Castor và Pollux bắt cóc, sau đó trở thành cô dâu bất đắc dĩ của hai người này.
Sai lầm thứ hai, tuy ít trầm trọng hơn, nhưng cũng làm sai lệch chủ đề của tác phẩm. Rõ ràng, người ta đều tin rằng chủ đề chính của bức tranh đề cập đến cảnh hãm hiếp nhưng may mắn thay cho hai thủ phạm Phoebe và Hilaeira, những từ ngữ trong bức tranh lại liên quan đến từ rapere có nguồn gốc từ tiếng La tinh, có nghĩa là bắt hoặc bắt cóc, nên đôi khi không thể hiểu là hãm hiếp được.
3. The Persistence of Memory
Sự dai dẳng của ký ức (The Persistence Of Memory) là bức tranh sơn dầu khá nổi tiếng của họa sĩ người Tây Ban Nha Salvador Dali sáng tác năm 1931.
Tác phẩm thuộc trường phái Siêu thực, khắc họa hình ảnh của những chiếc đồng hồ quả quýt đang tan chảy. Xa hơn, nó thể hiện quan điểm của tác giả về hai thái cực mềm mại và cứng rắn.
Ngay từ khi ra đời, bức họa đã nổi tiếng, từng xuất hiện trong chương trình truyền hình hài kịch nổi tiếng của Mỹ được công chiếu từ ngày 17 tháng 12 năm 1989 trên hệ thống truyền hình Fox Network cho đến ngày nay. Thậm chí, nhiều hãng sản xuất đồng hồ còn dùng nó để quảng cáo cho các dòng sản phẩm của mình.
Bất kể sự nổi tiếng, Sự dai dẳng của ký ức của Salvador Dali vẫn bị hiểu lầm, kể cả trong giới phê bình nghệ thuật, ngay sau khi nó xuất hiện trước công chúng lần đầu vào năm 1932.
Nhiều người tin rằng những chiếc đồng hồ bỏ túi mềm mại giống như trứng là một biểu hiện của tính lưu loát và linh hoạt của khái niệm thời gian và không gian.
Cách giải thích này dẫn đến niềm tin cho rằng rằng ý tưởng trên đi từ thuyết tương đối của Einstein nhưng theo Dali, những gì đồn thổi là sai lầm; đây chỉ là những nhận biết thực tế khi ông quan sát một miếng phó mát Camembert tan chảy dưới ánh nắng mặt trời.
4. Cafe Terrace At Night
Cafe Terrace At Night (Cà phê vỉa hè trong đêm) là bức tranh sơn dầu của họa sĩ nổi tiếng của Hà Lan Vincent Van Gogh (1853-1890).
Tranh ra đời khi danh họa đang sống tại thành phố Arles (Pháp) vào giữa tháng 9 năm 1888. Tuy không có chữ ký của Van Gogh, nhưng ông lại đánh ký hiệu bằng 3 chữ cái.
Mặc dù đã ra đời gần 130 năm, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi, hiểu lầm về bức tranh này. Nó có thể là sản phẩm tranh treo trong văn phòng hoặc chủ đề cho một trò chơi ghép hình rẻ tiền, nhưng ít ai biết bức họa này lại thể hiện chủ đề của bức họa nổi tiếng The Last Supper (Bữa tiệc ly) của Leonardo Da Vinci ra đời trước đó.
Bữa tiệc ly là bức họa được sáng tác vào khoảng năm 1495 đến năm 1498. Theo Kinh thánh, bữa tiệc ly là bữa ăn sau cùng Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đồ trước khi Ngài chịu chết.
Cũng phải nói thêm rằng, khi vẽ cảnh đêm, các họa sĩ thường chỉ phác họa cảnh vật và sẽ chuyển phác họa thành tranh vào ban ngày, nhưng Van Gogh lại vẽ trực tiếp ngay tại “hiện trường” bất kể trời tối bởi ông chọn vẽ quán cafe là bởi nó được thắp sáng mỗi khi đêm xuống, nhờ vậy mà “một bức tranh khắc họa màn đêm mà không phải sử dụng đến màu đen”.
Van Gogh, con trai của một mục sư, đã đưa một số hình ảnh tôn giáo vào nghệ thuật của mình. Bức tranh mô tả một quán cà phê đường phố thông thường, trong đó có 12 người đang ngồi nhấm nháp cà phê và nhìn ra phố. Người đứng giữa mặc áo màu trắng, trong khi những người khác mặc đồ màu đỏ hoặc đen.
Những gam mày này được cho là đại diện cho Chúa Giêsu và hình bóng Judas. Lý thuyết nói trên về Cà phê vỉa hè trong đêm đã được nhiều học giả ủng hộ và nghe có vẻ hợp lý hơn.
5. Portrait Of Theo Van Gogh
Portrait Of Theo Van Gogh (Chân dung của Theo Van Gogh) của danh họa Vincent Van Gogh hoàn thành tại Paris (Pháp) mùa hè năm 1887, là tranh sơn dầu trên carton, kích thước 19,0cm x 14,1cm, mô tả một người đàn ông đang đau khổ, đã nhiều năm được cho là một bức chân dung tự họa của chính tác giả.
Giả thiết này được đưa ra khi hai anh em Van Gogh có vẻ bề ngoài giống nhau nên người ta khó nhận ra, nhất là khi được thể hiện trên tranh vẽ.
120 năm sau, theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu nghệ thuật ở Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan), bức họa này thực ra mô tả em trai Van Gogh.
Bức vẽ mô tả một người đàn ông đội mũ màu sáng và mặc chiếc áo khoác màu xanh đen, có tên Theo Van Gogh, người kém anh trai mình tới 5 tuổi.
Theo Van Gogh qua đời 6 tháng sau khi anh trai tự vẫn ở tuổi 37 tại một cánh đồng lúa mì ở Auvers (Pháp) hồi tháng 7.1890.