Đã có một thời, vải nhung thủ công là loại hàng thượng hạng nhất trên thế giới được săn đón bởi cả các hoàng cung, Tòa thánh Vatican lẫn giới quý tộc châu Âu. Tuy nhiên giờ đây, vải nhung công nghiệp đã trở nên phổ biến đến nỗi chỉ cần khá giả một chút là mua được.
Nhưng cho dù là vậy, gia tộc Bevilacqua của Ý tại Venice vẫn nỗ lực giữ gìn truyền thống từ thời ông cố vì họ kiên quyết không tiết lộ bí quyết nên rất có thể cũng sẽ trở thành những người cuối cùng nắm giữ nghệ thuật dệt vải nhung cổ xưa của thành Venice.
Nằm trên cửa ngõ giao thương và được tô điểm bằng vô số kiến trúc cổ kính, đẹp mê hồn, Venice (còn được gọi là Venezia) của Ý đã sớm nổi tiếng là một thành phố sầm uất bậc nhất.
Vang bóng một thời
Bất kỳ ai từng đến Venice cũng sẽ phải thừa nhận nơi đây chính là một kiệt tác sáng tạo vô cùng tinh tế. Chỉ có điều chúng ta thường quên mất rằng thành phố này còn từng là nơi cung cấp vải nhung thủ công cực kỳ cao cấp cho các nhà quý tộc châu Âu suốt thời Trung đại, đặc biệt là trong khoảng thế kỷ 14-18.
Những năm 1500, thành Venice ngập tràn âm thanh dệt vải của chừng 6.000 khung cửi bằng gỗ. Tiếc là giờ đây, nó chỉ còn duy nhất một cửa hàng dệt nhung thủ công là Công ty Luigi Bevilacqua.
Luigi Bevilacqua là một xưởng dệt tư nhân được điều hành bởi các thành viên của một dòng dõi dệt vải lâu đời. Họ cũng là những người cuối cùng nắm giữ kỹ thuật dệt nhung thủ công truyền thống của Venice.
Trong mỗi bước chân tiến vào bên trong Bevilacqua, người ta đều cảm giác như đang lội ngược dòng thời gian mà về quá khứ. Hình ảnh một nhà máy dệt từ thời Trung cổ hiển hiện.
Dưới sàn, khoảng 3.500 mẫu thiết kế và bản phác thảo tích trữ từ thời Trung đại đến thập niên 1920 chất cao chạm trần nhà. Khung cửi cổ từ thế kỷ 18 vẫn còn được sử dụng.
“Không có nhiều thay đổi trong này dù rất nhiều thời gian đã trôi qua”, Alberto, Giám đốc của Luigi Bevilacqua hiện thời, chia sẻ.
“Dù thủy triều mỗi ngày một cao, khiến cho nhà xưởng hay bị ngập, nhưng chúng tôi vẫn dệt vải nhung theo đúng như cách mà tổ tiên đã dệt cách đây 500 năm”.
Xưởng dệt vải cổ nhất
Vào năm 1875, Luigi, ông cố của Alberto, đã mở xưởng dệt nhung Luigi Bevilacqua trên kênh đào Chính của Venezia.
Còn các thế hệ sau của Luigi thì thay phiên nhau thừa kế, giữ gìn nó cho đến ngày hôm nay, biến xưởng dệt này thành xưởng dệt nhung lâu đời nhất tại Ý.
Và mặc dù lịch sử của xưởng dệt mới là 143 năm, song truyền thống dệt vải của gia tộc Bevilacqua thì đã ngoài 500 tuổi.
Nó được chứng minh bởi bức tranh vẽ từ năm 1499 có ghi dòng chữ “Giacomo Bevilacqua, thợ dệt”. Trong suốt lịch sử, gia tộc Bevilacqua cũng luôn giữ kín kỹ nghệ, chỉ đặc biệt tiết lộ cho các thợ dệt trong nhà.
- Xem thêm: Đồ thêu đang lên ngôi
Phần lớn khách của Luigi Bevilacqua trước giờ đều là thành phần vua chúa, quý tộc. Ngày nay, bạn có thể thấy sợi nhung vàng của họ treo trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, mảnh nhung đỏ bọc ghế của Điện Kremlin. Thêm vào đó, xưởng dệt này còn là nhà cung cấp vải chính cho Vatican trong suốt nhiều thập niên.
Chỉ sử dụng khung cửi cổ
Rất nhiều khách hàng hoàng tộc đã đến và đi, nhưng những chiếc khung cửi để dệt vải của Luigi Bevilacqua thì vẫn chưa đổi khác.
Nó vẫn là những khung gỗ mà Luigi đã nhặt nhạnh lại sau khi các xưởng dệt của Venice bị đóng cửa bởi cả thành phố đã bị giẫm đạp dưới chân Napoléon Bonaparte vào năm 1797.
“Có một số chi tiết mà bạn không thể nào tạo được nếu dùng máy móc”, các thợ dệt của Bevilacqua cho biết. Dệt nhung thủ công là một công việc cầu kỳ, tỉ mẩn.
Mỗi thợ dệt cũng chỉ có thể làm được 25cm vải một ngày. Cả Silvia Longo, một thợ dệt 19 năm kinh nghiệm của Bevilacqua, và hai người nữa đã phải làm việc suốt ba năm không nghỉ mà cũng mới chỉ dệt được tổng cộng 740m vải.
“Bí mật của nhung Venice nằm ở sự phức tạp vô giới hạn”, Doretta Davanzo Poli, một giáo sư dệt may ở Đại học Ca ‘Foscari của Venice nhận xét. “Cũng chính vì quá khó để làm ra nên nó mới cực kỳ quý giá”.
Về thực chất, vải nhung không phải là phát minh của người Venezia. Trước năm 1300, Venice thường nhập khẩu lụa từ Đế quốc Đông bộ La Mã. Tuy nhiên sau đó, có khoảng 300 thợ dệt từ Lucca chạy đến Veice tị nạn. Chính họ đã dạy cho dân thành Venice cách se sợi và dệt vải.
“Dệt may nhanh chóng trở thành nguồn tài sản quý giá nhất của đất nước thời ấy”, Luca Molà, một nhà sử học của Ý, giải thích. “Vì nhung cần nhiều vật liệu và thời gian để dệt hơn các loại vải khác nên nó cũng đắt hơn”.
Vinh quang và sụp đổ
Từ Venice, Ý xuất khẩu vải nhung trên khắp thế giới. Ngoài nhung, họ cũng nổi tiếng với lụa và gấm hoa nữa. Để độc quyền, các chuyên gia của Venice nỗ lực đầu tư công sức vào kỹ thuật dệt bí mật, không thể bắt chước. Họ còn khắc nghiệt đến nỗi cấm mọi thợ dệt giỏi bước ra khỏi biên giới.
Năm 1474, Venice đề ra cái gọi là luật sáng chế. “Không có thành phố nào khác từng thiết lập luật pháp để bảo vệ tài sản trí tuệ như thế trước đây”, Molà khẳng định. Với nó, họ chính thức độc quyền vải nhung.
Cũng bằng vải nhung, Venice đánh đổ cách nghĩ “quần áo chỉ là thứ để mặc”, biến nó thành thước đo quyền lực cũng như sự phú quý.
Từ vương miện của các vị vua cho đến tấm áo choàng của đức Hồng y, tất cả đều lấy nhung đỏ của Venice. Nam giới quý tộc thời Trung cổ nghênh ngang khoe áo choàng, thắt lưng bằng nhung thành Venice. Phụ nữ quý tộc thì kiêu sa trong giày cao gót bọc nhung lộng lẫy.
- Xem thêm: Vẻ đẹp lãng mạn của vải nhún
“Ở Venice, người ta đánh giá một người qua vải vóc may nên quần áo. Và không có thứ gì là giá trị hơn vải nhung”, Poli nhận định.
Nhưng vào năm 1797, khi Napoleon Bonaparte kéo quân đến xâm lược Venice, thời đại huy hoàng của vải nhung cũng chấm hết.
Những khung cửi bị vứt ngổn ngang, nằm trơ vơ, bất động. Phải sau nhiều thập niên nữa, chúng mới được Luigi Bevilacqua thu nhặt, sửa sang và lần nữa tiếp xúc với bàn tay điêu luyện của các thợ dệt tài tình.
Chỉ còn đúng bảy thợ dệt
Đầu những năm 1900, Luigi Bevilacqua có cả gần 100 thợ dệt, nhưng hôm nay, họ chỉ còn lại đúng bảy người. Vì rất khó để một người học cách thành thạo khung cửi cổ nên cũng khó trách. “Bạn phải học cách cảm nhận khung cửi”, Longo giải thích.
“Mỗi khung cửi đều có một âm thanh riêng. Trong số hàng ngàn tiếng ồn, bạn phải lọc ra và nắm bắt được đúng âm thanh của nó”.
Tùy thuộc vào kích thước và độ phức tạp của hoa văn mà một thợ dệt phải mất đến 6 tháng để thắt nút khoảng 16.000 sợi chỉ.
Ngoài sự tỉ mỉ, họ cũng cần hết sức cẩn trọng để không bị thương. Nói là dệt vải, nhưng thực sự chẳng khác gì dệt một tạo tác nghệ thuật đỉnh cao. Đổi lại, sản phẩm được tạo ra sẽ luôn khiến các thợ dệt hài lòng.
“Vì nó cần phải được bạn đặt cả trái tim vào, nên nó cũng là một công việc hết sức tuyệt vời”, Longo tự hào cho biết.
Hiện tại, Luigi Bevilacqua còn tồn khoảng 3.500 mẫu thiết kế. Giữa nhịp sống công nghệ hối hả và sự tiện dụng của máy móc, xưởng dệt cổ xưa này đang mỗi lúc một ế ẩm. Nhiều khách quen lâu năm cũng không còn đủ khả năng để chi trả công thợ nữa.
- Xem thêm: Chất vải tweed kinh điển của nhà Chanel
Trong khi máy móc có thể dệt cả 6m vải nhung một ngày thì các thợ dệt của Bevilacqua lại cần đến cả một tháng, mà chi phí cũng đắt gấp hẳn 4 lần.
Nhưng dẫu công việc kinh doanh ảm đạm, nhà Bevilacqua vẫn muốn gìn giữ truyền thống và kiên quyết bảo vệ bí quyết tư.
“Mỗi thiết kế đều là một câu chuyện của cha ông chúng tôi”, Alberto nói. “Chúng như vẫn âm thầm nhắc nhở, Venice đã từng tặng cho thế giới một thứ thật đẹp đẽ”.