Với nhiều người trẻ khát vọng khởi nghiệp, không gì lý tưởng hơn một mô hình kinh doanh vừa tạo lợi nhuận, vừa tác động tích cực đến cộng đồng. Sau nỗ lực của một số ít chương trình phi lợi nhuận, làn sóng khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội đã bắt đầu lan đến Việt Nam.
Tạo dấu ấn đáng kể nhất trong các chương trình phải kể đến Hult Prize – cuộc thi thường niên dành cho sinh viên toàn thế giới. Hult Prize do Liên Hiệp Quốc và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton bảo trợ cùng với Học viện Kinh doanh Quốc tế Hult.
Đến Việt Nam vào năm 2013, mục đích chính của giải thưởng Hult Prize là khuyến khích những ý tưởng kinh doanh của các doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp trong lĩnh vực xã hội. Được đồng hành bởi nhiều trường đại học lớn và uy tín, các đề tài tập trung vào giáo dục, nước sạch, thiếu hụt năng lượng, khủng hoảng lương thực toàn cầu hay chăm sóc sức khỏe cho người nghèo…
Nhân dịp vòng chung kết Hult Prize toàn cầu chuẩn bị diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Hồ Quang Hưng – Giám đốc Hult Prize Việt Nam, người đưa giải thưởng này về Việt Nam đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn.
_______
Gắn liền với lý tưởng phụng sự của tuổi trẻ, Hult Prize đã nhanh chóng lớn mạnh tại Mỹ, Nhật, Trung Đông… – những quốc gia có mức độ ủng hộ lớn nhất đối với các dự án khởi nghiệp xã hội. Tại Việt Nam, từ 10 đội thi vào năm 2013, sau năm năm, Hult Prize có 44 đội trong vòng thi 2018. Ngoài những con số, ông có thế chia sẻ điều ông cảm thấy hài lòng và chưa hài lòng về chương trình tại Việt Nam cho đến nay?
Thực sự thì tôi chưa thể hài lòng với những kết quả vừa qua. Đứng từ góc độ doanh nghiệp nhìn vào sinh viên các trường đại học Việt Nam, chúng tôi đều phải chấp nhận một sự thực là sinh viên trong nước vẫn còn cách sinh viên quốc tế một khoảng khá xa về kiến thức, kỹ năng, tư duy và cả ý thức trách nhiệm.
Đa số sinh viên mới tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp, chứ chưa nói đến việc tự khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều khiến các bạn trẻ mất cơ hội nhiều nhất và khiến cộng đồng bị thiệt hại lớn nhất là ý thức trách nhiệm kém, kiến thức xã hội yếu. Nhiều vấn đề của Việt Nam hiện nay như an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ tội phạm cao… đều bắt nguồn từ các lỗ hổng trong trang bị kiến thức xã hội và ý thức trách nhiệm cho học sinh – sinh viên.
Chương trình Hult Prize được đưa về Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy các dự án khởi nghiệp xã hội. Sâu xa hơn là xây dựng tính nhân văn và ý thức trách nhiệm với xã hội cho thế hệ trẻ. Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy tầng lớp doanh nhân trẻ có vai trò rất quan trọng đến tương lai của đất nước. Nếu thế hệ này có ý thức trách nhiệm với cộng đồng cao sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề của xã hội. Từ đó mới mong nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, bảo vệ được chủ quyền dân tộc!
So với các nước, việc giáo dục kỹ năng lẫn ý thức của học sinh sinh viên Việt Nam đang quá thiếu. Vì thế làm bao nhiêu cũng không đủ, nhưng sức tới đâu thì Hult Prize Việt Nam làm tới đó. May mắn là chương trình nhận được sự ủng hộ không nhỏ từ các cấp chính quyền.
Nhớ lại, năm 2013 Hult Prize “ra mắt” sinh viên Việt Nam lần đầu tiên tại một quán cà phê cạnh Trường Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh. Ba năm sau, Hult Prize trở thành cuộc thi cấp quốc gia và đến năm ngoái, chương trình họp công bố Hult Prize 2018 vinh dự trở thành Hult Prize Đông Nam Á đã được tổ chức tại hội trường Thành ủy thành phố với sự ủng hộ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, Hult Prize cũng nhận được sự ủng hộ tương tự.
Còn một điều khiến chúng tôi trăn trở nữa là hiện nay ngân sách chương trình chưa đủ để đưa các đội Việt Nam ra thế giới thi đấu. Hult Prize hằng năm được tổ chức ở 30 khu vực trên toàn cầu, nếu được tham gia thêm một khu vực ngoài Việt Nam là đội chúng ta có thêm một cơ hội vào chung kết.
_______
Năm qua Hult Prize Việt Nam đã mở rộng thành Hult Prize khu vực Đông Nam Á. Theo ông việc này có mang lại lợi ích, hay thách thức gì cho các đội Việt Nam hay không?
Tất nhiên là mức độ cạnh tranh tăng lên. Nhưng cái được lớn nhất là rất nhiều sinh viên Việt Nam sẽ nhận ra mình đang ở đâu trong thế giới phẳng này, rồi từ đó cố gắng hơn nữa. Nhiều bạn trong nước “choáng” khi thấy các đội đến từ những trường hàng đầu Đông Nam Á đã có doanh nghiệp riêng, làm ra được sản phẩm và có cả lượng khách hàng ổn định.
Từ việc có ý tưởng cho đến hoàn thiện ý tưởng là một chặng đường dài. Tiếp xúc với sinh viên trong khu vực sẽ giúp nhiều sinh viên Việt chuyên nghiệp hơn và nỗ lực hơn trong việc hoàn thiện ý tưởng. Ngoài ra với một sân chơi lớn hơn, các bạn trẻ sẽ có cơ hội tiếp cận đối tượng chuyên gia, mentor (người hướng dẫn) đa dạng hơn, tầm vóc lớn hơn.
Về mặt thời gian chuẩn bị đề án, việc trở thành Hult Prize khu vực Đông Nam Á sẽ cho sinh viên có 6 đến 7 tháng để chuẩn bị cho vòng thi. Thay vì chỉ có 3 đến 4 tháng như trước đây.
_______
Cuộc thi này chỉ có một giải thưởng toàn cầu hằng năm (1 triệu USD) dành cho một mô hình doanh nghiệp xã hội xuất sắc nhất. Số lượng giải thưởng ít như vậy có làm cuộc thi giảm đi sức hấp dẫn?
Theo tôi, đội đoạt giải là đội đáp ứng được nhiều tiêu chí nhất của ban giám khảo, chứ chưa chắc là đội xuất sắc nhất. Không có tiêu chí nào là hoàn hảo và giúp đánh giá hoàn toàn chính xác năng lực các đội. Cái được lớn nhất khi các bạn sinh viên tham gia Hult Prize là kiến thức, kỹ năng, cộng đồng, mối quan hệ với những người thành công trong xã hội… từ khi thi cấp địa phương vòng loại cho đến cấp toàn cầu vòng chung kết. Các bạn càng vượt qua được nhiều vòng thì càng nhận được nhiều những giá trị đó.
- Xem thêm: Những gương mặt khởi nghiệp ấn tượng
Cũng như sinh viên thế giới, hầu hết sinh viên Việt Nam đều hiểu rằng hệ sinh thái đào tạo mà Hult Prize tạo ra hấp dẫn hơn giải thưởng 1 triệu USD rất nhiều. Ước tính cho đến nay đã có hơn 50 triệu USD cũng đã được đầu tư để lan tỏa tác động xã hội của các dự án thông qua Hult Prize trên toàn cầu. Ngoài ra, cơ hội được thi tài cùng những đội thi tốt nhất được chọn lọc từ 120 quốc gia ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York do một ban giám khảo hàng đầu thế giới cũng tạo sự thu hút đáng kể.
_______
Ông có thể chia sẻ một chút về việc thành lập Social Impact Foundation (SIF)? SIF sẽ giúp việc vận động các nguồn tài trợ trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn như thế nào?
Ở các nước, Hult Prize có ngân sách nhờ sự ủng hộ của doanh nghiệp. Chẳng hạn như Hult Prize tại Nhật được sự ủng hộ rất lớn từ Samsung. Tại Việt Nam, Social Impact Foundation chính là nguồn ngân sách xã hội hóa, nhằm tập trung tất cả quyên góp về một tài khoản.
Với SIF, mọi thu chi đều được công bố rõ ràng, minh bạch. Lập ra được SIF, trong trường hợp Hult Prize toàn cầu nếu có chấm dứt thì chúng tôi vẫn có thể xây dựng một chương trình tương tự tại Việt Nam. Như đã nói, khởi nghiệp xã hội rất quan trọng đối với tương lai của đất nước nên chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chương trình lan tỏa và tồn tại lâu dài.
_______
Những người lãnh đạo Hult Prize sẽ xây dựng cộng đồng có liên quan đến giải thưởng này như thế nào? Làm thế nào để cộng đồng đó tác động đến xã hội một cách tích cực nhất?
Bên cạnh tận dụng các công cụ để tạo cộng đồng online, chúng tôi cũng đều đặn có các hoạt động offline như giao lưu, đào tạo, triển khai các workshop cho các startup.
Cộng đồng Hult Prize đang lớn nhanh về số lượng lẫn chất lượng. Nếu năm ngoái cả nước có 14 hội đồng thi rải khắp các vùng miền thì năm nay con số đó sẽ là 30 hội đồng, số lượng sinh viên Hult Prize tiếp cận được dự kiến cũng sẽ tăng từ 360.000 (2018) lên 1 triệu sinh viên trong 2019, con số này chiếm gần 50% số lượng sinh viên cả nước, đủ để thấy cộng đồng Hult Prize đang lớn mạnh như thế nào.
Ngoài ra, chất lượng hệ sinh thái Hult Prize cũng được nâng lên với lực lượng mentor (người hướng dẫn) ngày một đông. So với làm mentor cho các dự án khởi nghiệp bình thường, làm mentor cho các dự án khởi nghiệp xã hội mang lại nhiều ý nghĩa hơn nên nhiều người thành công trong xã hội đã chọn Hult Prize để cống hiến. Chúng tôi bắt đầu có những mentor từng trưởng thành từ các vòng thi Hult Prize Việt Nam đầu tiên.
Điều Hult Prize mang đến cho xã hội không chỉ là những dự án, mà còn là một lực lượng lao động được rèn luyện các kỹ năng mềm, được trau dồi ý thức đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, có lý tưởng cống hiến. Ở góc độ cá nhân, một sinh viên mới ra trường từng tham gia Hult Prize sẽ có lợi thế khi đi xin việc làm. Trên quy mô toàn cầu, Hult Prize là diễn đàn tương tác cộng đồng lớn nhất thế giới, có hơn 50 triệu giờ công giải quyết những vấn đề xã hội mỗi năm.
_______
Ông có nhận xét gì về ý tưởng và năng lực của sinh viên Việt Nam trong các cuộc thi khởi nghiệp quốc tế?
Xét về tố chất thì sinh viên Việt Nam không thua kém sinh viên quốc tế. Tháng 5 vừa qua, Abivin – startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải – đại diện của Việt Nam đã vượt qua hơn 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân của Startup World Cup với giải thưởng 1 triệu USD là một ví dụ. Nhưng phải thấy rằng trước đó, Abivin được đào tạo và trưởng thành bởi Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, Giai đoạn 2 (IPP2) vận hành bởi Bộ Khoa học và Công nghệ.
Có thể nói, nếu không có sự hỗ trợ thiết thực, chặt chẽ từ chính quyền và các doanh nghiệp lớn, ý tưởng và năng lực của các bạn trẻ sẽ rất khó trở thành sản phẩm hoàn thiện và giải quyết được một vấn đề nào đó của xã hội. Tại Hult Prize Việt Nam, chúng tôi đã gặp nhiều ý tưởng hay và khả thi. Chẳng hạn như dự án Gap Link tối ưu hóa thời gian Gap time bằng hệ thống giáo dục có mục đích hỗ trợ sinh viên, học sinh muốn tận dụng kỳ nghỉ để đi thực tập hay làm thiện nguyện; Careerable Friend dự án đào tạo nghề cho 7,8 triệu người khuyết tật Việt Nam…
Một đất nước đang phát triển luôn có không ít vấn đề xã hội cần giải quyết, vì thế ý tưởng khởi nghiệp xã hội từ các bạn trẻ cũng không bao giờ thiếu. Cái chúng ta thiếu là sự quan tâm, ủng hộ thực chất với các lý tưởng nhân văn trong khởi nghiệp xã hội.
Doanh nghiệp phụng sự xã hội ít khi nào mang lại nhiều lợi nhuận trước mắt. Nhưng về lâu dài, không ít doanh nghiệp vẫn tạo được giá trị lớn khi giải quyết được một vấn đề thiết thực nào đó.
- Xem thêm: Chuyện “cầm tay” khởi nghiệp ở Việt Nam
Aspide Food Group – doanh nghiệp vừa được định giá 600 triệu USD chính là đội đã chiến thắng Hult Prize toàn cầu 2013. Ý tưởng của họ là nuôi côn trùng để lấy nguồn đạm chế biến thực phẩm chức năng. Các dòng thực phẩm bổ sung protein giá rẻ, an toàn của tập đoàn này đã trở thành lựa chọn của hàng triệu người có thu nhập trung bình thấp, mang lại lợi nhuận khả quan và bền vững cho tập đoàn.
_______
Xin cảm ơn ông.