Sau những năm dài giữ nhiều vị trí quan trọng: Phó tổng giám đốc Công ty TIE, Phó tổng giám đốc thứ nhất của Samsung Vietnam, Chủ tịch HĐQT Công ty Sametel, Chủ tịch liên doanh SCS, Tổng giám đốc Công ty Bưu chính Viễn thông Sài Gòn… ông Phạm Ngọc Tuấn tiếp tục không cho mình nghỉ ngơi với IMT – Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ (Institute of Management and Technology).
Trong quá trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, năng lực quản trị vẫn luôn là thử thách lớn của không ít doanh nghiệp Việt.
Chính vì thế, một tiến sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh với 45 năm kinh nghiệm quản lý thực tế như Viện trưởng của IMT chưa thể cho phép mình thảnh thơi, khi có quá nhiều việc cần làm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn cần đến ông.
Buổi trò chuyện của ông với doanhnhanplus.vn diễn ra giữa lịch làm việc dày đặc. Viện trưởng của IMT luôn nhắc đến việc tối ưu hóa vận hành trong việc quản trị công ty và đối với ông, yếu tố con người luôn là điều quan tâm và suy nghĩ nhiều nhất.
Ông cho rằng trong mọi nỗ lực hướng đến sự chuyên nghiệp, hành xử tử tế giữa người với người luôn phải được coi là yếu tố nền tảng.
Theo đó, “Omotenashi” – một khái niệm, một tính cách đặc trưng của người Nhật được ông nhắc đến như nét đẹp trong văn hóa kinh doanh mà người Việt nên học hỏi.
____
Cứ mỗi khi vào mùa mưa, chuyện nhân viên các tòa nhà hoặc khách sạn ở thành phố không cho khách đứng trú mưa lại dấy lên sự tranh cãi. Ông nghĩ thế nào về hành động nhằm giữ “hình ảnh” cho nơi mình làm việc của nhân viên này và theo ông, đó có phải là sự chuyên nghiệp hay không?
Chắc mọi người vẫn nhớ vào đợt nắng nóng cao điểm ở miền Bắc, một siêu thị của người Nhật ở Hà Nội đã dành riêng không gian máy lạnh rộng rãi, có ghế ngồi đàng hoàng dành cho người dân vào tránh nóng – không nề hà chuyện người dân mặc đồ bộ, quần short làm mất hình ảnh của trung tâm mua sắm lớn.
Cũng tại một siêu thị cùng chủ đầu tư trên nhưng ở TP. Hồ Chí Minh, trong một lần mưa quá to khiến đường ngập nặng vào buổi tối, quản lý siêu thị đã dành một phòng rộng cho những ai mắc kẹt không về nhà được ngủ lại; chưa hết, họ còn lấy mền gối trên các quầy kệ để bán mang ra phục vụ miễn phí những người ngủ lại đó.
Nếu nói về sự chuyên nghiệp và tính nguyên tắc thì châu Á không ai bằng người Nhật, nhưng tại sao họ làm như vậy? Bởi vì với họ, sự tử tế giữa người với người mới là điều quan trọng nhất. Sự chuyên nghiệp là điều kiện cần, nhưng chưa phải là điều kiện đủ.
Tại Việt Nam, khá đáng buồn là lúc này nói chuyện làm ăn tử tế, phục vụ tử tế nghe như có vẻ “phù phiếm”, dù rằng tất cả chúng ta ai cũng mong nhận được sự tử tế từ sản phẩm và dịch vụ mà mình phải bỏ tiền ra để mua.
Người Nhật có khái niệm Omotenashi là đỉnh cao của sự phục vụ khách hàng, những ai đã từng đến Nhật chắc cũng cảm nhận và thụ hưởng được những gì mà Omotenashi mang lại.
Đó là sự quan tâm và những hành động giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, vui vẻ nhất có thể. Chẳng hạn như xe taxi tự động mở và đóng cửa cho hành khách; hay những chiếc dù hoặc áo mưa miễn phí được đặt sẵn trong các nhà hàng…
____
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng gốc rễ của Omotenashi chính là từ lễ trà truyền thống của Nhật Bản. Chủ tiệc trà chuẩn bị rất tỉ mỉ để tạo không khí giúp khách thư giãn mà không mong mỏi được đáp lại. Các khách mời cảm nhận rõ sự hiếu khách của chủ nhà và đáp lại bằng thái độ tôn trọng…
Đúng vậy! Một điều nữa là thái độ tiếp khách nồng hậu như vậy cần đến từ tấm lòng chân thành chứ không phải miễn cưỡng.
Và người Nhật quan niệm rằng để có thể quan tâm, tử tế đúng cách với người khác ngoài việc được đào tạo và giáo dục kỹ lưỡng thì bản thân mình cũng cần có tâm hồn cao đẹp và là người tử tế. Khi sự tử tế này lan tỏa rộng khắp ra ngoài xã hội thì mọi người sẽ thụ hưởng được một không gian sống bình an và hạnh phúc.
Trở lại với câu chuyện bảo vệ không cho người qua đường trú mưa, nên nhớ một công ty phục vụ chuyên nghiệp chưa chắc là công ty “tử tế”. Tôi cho rằng một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải là một “doanh nghiệp tử tế” trước đã.
Theo quan sát của IMT, các doanh nghiệp tử tế với khách hàng, với nhân viên, với đối tác của mình sẽ phát triển bền vững và dễ dàng vượt qua khó khăn, sóng gió. Câu chuyện ra đời của thương hiệu bánh ABC chính là một ví dụ.
Giá trị văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng đến các chuẩn mực ứng xử trong doanh nghiệp. Ứng xử của một bảo vệ với người qua đường thể hiện phần nào giá trị văn hóa chung của doanh nghiệp.
Tại sao người đứng đầu một siêu thị dám cho người dân vào tránh nóng, qua đêm trú mưa để rồi có một lượng mền gối đã sử dụng không bán được mà đem đi làm từ thiện?
Các quản lý này không sợ bị khiển trách bởi vì họ hiểu các giá trị văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp mình đang làm và họ cũng có chung các giá trị đó.
____
Ngoài Omotenashi, Nhật Bản còn có Monodzukuri – khái niệm về việc cung cấp ý tưởng về quá trình xây dựng tinh thần sản xuất, hệ thống cùng các quy trình tiêu chuẩn để tạo ra một sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng từ niềm tự hào và sự trân trọng. Là người được trao chứng nhận “Đại sứ phát triển nhân lực Monodzukuri” vào năm 2017 với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản, hẳn ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các phương pháp và phong cách quản trị – vận hành doanh nghiệp của Nhật Bản?
Thực chất, hầu hết các lý thuyết quản trị căn bản ở Nhật đều được du nhập và học tập từ Mỹ. Tuy nhiên, người Nhật đã rất thận trọng và chọn lọc những thứ phù hợp với họ để áp dụng.
Một đặc điểm nổi bật là họ đã cải tiến các thứ học được và biến nó trở thành phương pháp quản lý phù hợp với phong cách của người Nhật, đặc biệt là phương pháp quản lý trong sản xuất và từ “Monodzukuri” chính là từ ngữ để khái quát phương pháp quản lý theo phong cách Nhật Bản. Thành quả của họ rất đáng để chúng ta học hỏi.
Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp Nhật vẫn quản trị vận hành dựa vào các phương pháp của Nhật Bản, kết hợp với những phương pháp quản trị mới được chọn lọc từ nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Tuy nhiên, họ vẫn không ngừng phổ biến rộng rãi các tư duy quản trị mới, phương pháp vận hành mới đã được chứng nghiệm thành công sau rất nhiều năm như phương pháp quản trị Amoeba của ông Kazuo Inamori, “tư duy đột phá” của tiến sĩ Shozo Hibino…
Đối với các công ty Nhật họ rất quan tâm và rất nghiêm túc trong việc tuân thủ “Triết lý kinh doanh” và “Giá trị cốt lõi” của người sáng lập và xem đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Nói thêm một chút, theo tôi một đất nước mạnh không phải nước xuất khẩu nhiều hàng hóa dịch vụ, mà là xuất khẩu được các phương pháp quản trị để hàng trăm nước khác học theo.
____
Những năm gần đây, không ít doanh nghiệp Việt Nam thấy “hoa mắt” trước hàng trăm phương pháp quản trị mới được du nhập. Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp này không?
Theo sự nghiên cứu và hiểu biết của chúng tôi, các phương pháp quản trị mới đều có giá trị. Tuy nhiên, tất cả đều cần phải điều chỉnh cho phù hợp khi áp dụng. Ngoài ra, khi có quá nhiều lựa chọn thì chúng ta nên xem xét cẩn trọng và dành đủ thời gian tìm hiểu trước khi quyết định lựa chọn.
Tôi thường nói vui rằng doanh nghiệp chọn phương pháp quản trị cũng như người ta chọn vợ chọn chồng (cười). Đã chọn rồi thì phải ráng theo tới cùng.
Nghĩa là bản thân mình cũng phải liên tục điều chỉnh, tập thích nghi, học hỏi thì mới mong có kết quả tốt. Giống như hôn nhân, rất hiếm có phương pháp quản trị mới nào hoàn toàn phù hợp ngay từ ban đầu, và mọi sự nóng vội đều gây hậu quả khó lường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thận trọng cân nhắc kỹ phương pháp quản trị – vận hành mới trước khi áp dụng. Khi đã chọn thì phải kiên trì theo đuổi và cải tiến liên tục để nâng cao hiệu quả áp dụng chứ không nên thay đổi (đổi mới) liên tục.
Các doanh nghiệp nên cần có sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn để triển khai áp dụng những phương pháp quản trị – vận hành mới, không nên tự mình triển khai nếu chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm vì sẽ gây lãng phí và ảnh hưởng không tốt đến tinh thần của nhân viên công ty.
____
Với kinh nghiệm tư vấn cho khá nhiều doanh nghiệp trong nước, ông cho rằng vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gì?
Một trong các vấn đề khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là sự bền vững của các công ty gia đình. Hiện nay công ty gia đình chiếm đến hơn 90% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Rất nhiều trong số đó đang gặp khó khăn trong việc chuyển giao quyền lực – sự nghiệp cho thế hệ kế tiếp, việc hạn chế thấp nhất xung đột nội bộ gia đình, giữ gìn triết lý kinh doanh và giá trị cốt lõi của người sáng lập, chống được sự thâu tóm… và đặc biệt là công ty phát triển bền vững từ đời này này qua đời khác.
So với các nước, Việt Nam chúng ta hầu như chưa có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để quản trị công ty gia đình phát triển bền vững lâu dài.
Trong nhiều khách hàng của IMT, cha mẹ chủ doanh nghiệp ít cho con nhỏ tiếp xúc với môi trường làm việc của công ty gia đình, sau đó thì cho con đi du học, thường là học đến hết Master.
Như vậy đứa con sẽ ít có tình cảm gắn bó với doanh nghiệp ở quê nhà, hiểu biết lệch lạc với nhân viên lâu năm của công ty; mặt khác khi các bạn trẻ này sống quá lâu ở phương Tây sẽ có tính muốn tự khẳng định mình rất lớn – tức là muốn tự mình khởi nghiệp chứ không muốn kế thừa sự nghiệp của cha mẹ và tệ hơn là không thích ngành nghề mà cha mẹ mình đã gầy dựng.
Tại Nhật, việc chuẩn bị cho người kế thừa doanh nghiệp được tiến hành rất sớm. Các lãnh đạo doanh nghiệp tương lai này sẽ được thường xuyên tiếp xúc với môi trường kinh doanh sản xuất của gia đình hoặc dòng họ từ khi còn nhỏ. Việc học hành và ứng xử của người kế thừa cũng nằm trong sự quan sát chặt chẽ của hội đồng gia tộc để đảm bảo việc tuân thủ gia phong, gia quy. Chuyện du học nước ngoài và học MBA không được khuyến khích…
Ở Nhật có doanh nghiệp đã tồn tại đến 1.700 năm và vẫn đang hoạt động tốt. Theo khảo sát, khoảng 97% số doanh nghiệp tại Nhật là doanh nghiệp gia đình trong khi số này tại các nước tiên tiến là 75%.
Sự hiện diện và tồn tại lâu dài của các doanh nghiệp (khoảng 3.113 công ty tồn tại trên 200 năm) đã và đang ảnh hướng rất lớn tới nền kinh tế Nhật Bản.
Là quốc gia có tỷ lệ công ty gia đình nhiều nhất và lâu đời nhất trên thế giới, nước Nhật có khá nhiều kinh nghiệm để chúng ta nghiên cứu học tập.
Chúng tôi dự định sẽ tổ chức một hội thảo về vấn đề này với các diễn giả Nhật Bản là nhà nghiên cứu chuyên sâu về quản trị công ty gia đình, cùng với CEO của các công ty gia đình có bề dày tồn tại không dưới 300 năm.
____
Xin cảm ơn ông!