Công tác tuyên truyền về những vấn đề của y học đã có sự tiến bộ lớn, vì công chúng bây giờ đã biết khá rõ, từ bệnh HIV/AIDS cho tới huyết áp, tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh khác.
Người thường đọc và “ăn phải” các bài viết về thuốc men, bệnh tật… nhiều nhất là các bà vợ. Đến nỗi có bà nói: “Bây giờ đọc báo, tạp chí, xem truyền hình, cứ như mình bị bao vây liên tục trước những sự cảnh báo, khuyến cáo và… dụ dỗ”.
Không ai thống kê xem bây giờ có bao nhiêu loại thuốc dùng để điều trị một loại bệnh. Thế mà bệnh viện cứ ngày một đông.
Một bà vợ than thở: “Nấu nướng bây giờ khó quá. Không chỉ vì khẩu vị hằng ngày càng tinh tế, đòi hỏi phải thay đổi cách chế biến luôn luôn, mà còn vì cả nhà gần như có tới mấy chế độ ăn uống!”.
Ông bố thích bia, con dùng nước trái cây, có con gái ăn rau, ăn kiêng giảm béo, bà vợ hầu như không dám ăn gì ngoài chút rau, quả.
Trong nhà có người bị tim mạch, tiểu đường hay đau dạ dày nữa thì coi như bữa cơm nhà ấy bị xé nát ra từng mảnh.
- Xem thêm: Bình… loạn thời sự
Tìm cách xoay xở, bà vợ nói: “Mình phải bằng mọi cách hạ cái chỉ số đường của ông ấy xuống. Không ăn gì nữa, chỉ toàn thực phẩm chức năng thôi. Vừa tiểu đường vừa huyết áp, không ăn béo, ăn mặn, ăn ngọt, ăn chất bột.
Nhưng hạ được đường xuống thì ông ấy… suy dinh dưỡng. Nhà nào có tiền thì nói chuyện ăn yến, ăn sâm, nhưng cũng sợ đồ giả.
“Sâm gì mà giống y chang… củ cải muối! Nguyên đai nguyên kiện cả cái rễ, trông ngoạn mục lắm, nhưng vừa ăn vừa nghi ngờ”.
Các bà thi nhau đọc báo, đọc các tài liệu của các ông thầy Tây, Tàu, đúc kết thành những bảng tổng kết hay ho kiểu “ba cái nửa phút, ba cái nửa giờ”.
Bây giờ lại có cái bài của ông cựu thủ tướng nói về tâm sự tuổi già, nào là nhà của cha mẹ là nhà của con cái, nhà của con cái không là nhà của cha mẹ.
Con ốm cha mẹ lo, cha mẹ ốm con hỏi một câu là đủ lắm rồi. Đau bệnh kinh niên, ốm lâu ngày đừng mong có đứa con hiếu đễ bên cạnh…
Có bà nói: “In ra cho tôi một bản, để về đưa cho lũ con tôi nó đọc, để “giáo dục”! Nhưng bà bạn đã đáp: “Đưa đọc làm gì. Con bà sẽ nói: “Đến lượt đời chúng con khi về già cũng như thế này thôi. Đó là “quy luật của muôn đời” rồi”. Thế là huề chứ gì?”.
Bà xã tôi còn “phát hiện” nhiều ý hay. Bà ấy cầm một tờ tạp chí lên chỉ cho tôi: “Anh xem, bây giờ quảng cáo không nhảy ra bìa thì cũng nhảy vào ngay trang đầu bên trong, trước khi có ai thấy được bài đầu tiên. Nào là “Xi măng diện mạo mới – sức mạnh mới”. Nào là “Ý tưởng độc đáo, cơ hội thị trường – bí quyết thành đạt”.
Dân trong nghề cầm tờ báo lên, xem tập quảng cáo để nhận xét tờ nào biết làm ăn. Đây rồi, lại có tới chục trang quảng cáo cho thuốc men, “giảm đau, giảm sưng nhiều khớp”, cả một trang hoành tráng cùng các tít nhỏ phân biệt viêm khớp dạng thấp với thoái hóa khớp.
Rồi có cả cái tít đe dọa “dạng thường gặp và có khả năng gây tàn phế nhiều nhất”. Rồi bao giờ mới hết hôi chân, đôi điều về viêm đại tràng mãn tính…”.
Bà xã còn lật sang mấy trang sau: “Đấy là chưa kể đến trang trí tường nhà, xong rồi đến các mẫu tóc và chọn son môi nữa, thế là hết gần nửa cuốn tạp chí”.
- Xem thêm: Trả lời trong… khủng hoảng truyền thông
Tôi nói: “Thì thời của tiêu dùng và thị trường mà em. Thị trường thì chỉ làm mỗi một việc là dán giá cả lên mọi vật và nó nhìn chúng ta như những kẻ để sắp bán cho ta một vật gì đó”. Cô ấy cãi: “Thế còn đời sống văn hóa, tinh thần, kiến thức, tư duy…?”. Ôi trời, tôi trả lời: “Em không thấy sao, tất cả bây giờ là giải trí”.
“Ừ, giải cái trí đi. Cái trí bị căng thẳng, điên rồ quá. Phải giải cái trí đi!”. Bà xã tôi giải thích vì sao mấy tờ báo cứ hô hào cải tiến, cuối cùng chỉ là trình bày xanh đỏ thêm một chút, giật cái tít cho nó xệch xoạc đi, khó hiểu hơn, thế là được. “Mà cả cái tạp chí giới nữ của em nữa, bây giờ cũng giống các tờ… công an”.
Tôi lạ quá, thì cô ấy giải thích: “Giống ở chỗ không cải tiến gì nữa, tờ công an nói vụ án thì tờ đàn bà cứ nói yêu đương, đánh ghen. Đúng chức năng mà, vẫn bán được, quảng cáo nhiều, không ai cạnh tranh. Sống khỏe. Chỉ có bạn đọc kêu chán, không bổ ích gì, cầm tờ báo liếc năm phút là hết. Không có gì đọc. Trí tuệ… lùn!”.
“Thì họ cũng… kiêng mà! Kiêng nói các vấn đề sâu sắc, đụng chạm. Kiêng các nhiệm vụ đấu tranh cho tiến bộ, cho dân chủ xã hội, vốn là chức năng báo chí. Bây giờ họ cũng sợ, cũng kiêng”.
Họ phải tồn tại mà. Giống các ông các bà sợ chất béo, kiêng ăn mặn, ăn ngọt và mỗi ngày chỉ có một việc là nhớ uống cho đủ thuốc và cho đủ nước, với trăm lời dạy bảo của các ông thầy…