Sự mất lòng tin của doanh nghiệp, đầu tư giảm, lạm phát cao và nhu cầu nhập khẩu yếu của các nước phương Tây được xem là nguyên nhân của con số kém cỏi này (các năm trước thường ở mức 10%), trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào năm tới.
Theo dữ liệu của Bộ Thống kê, tính đến ngày 31-3, GDP nước này chỉ tăng 4,8%, cao hơn chút ít so với quý trước (tăng 4,5%). Mặc dù chính phủ đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế với nhiều cải cách nghiêng về thị trường vào cuối năm rồi, hầu hết các nhà phân tích độc lập đều cho rằng tình trạng trì trệ về cầu vẫn tiếp tục và cũng chẳng có giải pháp nhanh chóng nào. Công ty đánh giá toàn cầu Standard & Poor’s cảnh báo là “Ấn Độ đang đối mặt với sự mất đi tình trạng đánh giá cao chính phủ do những đe dọa về tăng trưởng kinh tế và cải cách”. Mức đánh giá đầu tư BBB – đã là mức thấp nhất so với các nước trong nhóm BRICS (với Brazil, Nga, Trung Quốc và Nam Phi) và nếu đưa xuống mức thấp hơn sẽ tăng phí vay của Ấn Độ lên rất cao.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tuần này cũng giảm dự báo tăng trưởng của Ấn Độ còn 5,3% trong năm 2013 so với 5,8% trước đây.
Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh và Đảng Quốc đại mang nhiều tai tiếng về tham nhũng trong nhiệm kỳ thứ hai này và cũng đang cố gắng thông qua nhiều quy định có lợi cho doanh nghiệp như đã hứa. Trong một giai đoạn cải cách ngắn ngủi trong năm rồi, chính phủ đã mở cửa ngành bán lẻ và hàng không cho đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng thả nổi một phần giá xăng dầu để cắt giảm khoản trợ cấp.
Chính phủ cũng gây áp lực cho Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất cho vay sau khi lãi suất tăng mạnh trong hai năm 2010 và 2011 nhằm chống lạm phát ở mức hai chữ số trong năm rồi. Ngân hàng này đã chấp hành giảm lãi suất ba lần trong năm 2013 nhưng Thống đốc Ngân hàng cho biết là không có “khoảng trống” để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa do rủi ro lạm phát có thể bùng phát trở lại.
Thiên Bảo theo Bangkok Post 31-5-2013