Cuộc gặp được tổ chức trong bối cảnh cả hai nước đang đương đầu với nhiều khó khăn trong quan hệ quốc tế, chủ yếu với Trung Quốc về vấn đề biển đảo và biên giới. Trong dịp này, Thủ tướng Abe công bố hai điểm chính trong thỏa thuận song phương Nhật Bản – Ấn Độ, đó là đẩy mạnh hợp tác an ninh biển và hợp tác hạt nhân dân sự. Hai bên sẽ từng bước cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác, trước mắt là việc tổ chức đều đặn các cuộc tập trận chung trên biển, sau lần tập đầu tiên vào tháng 6-2012. Trước sự đe dọa mở rộng hoạt động trên biển của Trung Quốc, cả hai vị thủ tướng cam kết tôn trọng tự do hàng hải và không cản trở các hoạt động thương mại trên biển.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hội kiến tại Tokyo
Trong lĩnh vực hợp tác hạt nhân, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Ấn Độ các lò phản ứng hạt nhân, giúp đất nước Nam Á này tăng cường nguồn năng lượng phục vụ dân sinh. Theo Tập đoàn Năng lượng Nguyên tửẤn Độ, hiện New Delhi đang vận hành 20 lò phản ứng hạt nhân nhỏ tại sáu địa điểm với công suất 4.780MW, chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn 2% tổng công suất điện hằng năm của cả nước. Chính phủẤn Độ dự tính trang bị bổ sung gần 30 lò phản ứng lớn để đạt được công suất 63 ngàn MW vào năm 2032. Năng lượng đang là một trong những vấn đề lớn của Ấn Độ. Họ không thể dựa mãi vào nguồn than đá ngày một cạn kiệt, hàng trăm triệu người còn chịu cảnh thiếu điện và nhiều nhà máy thường xuyên bị mất điện. Một hợp đồng về năng lượng hạt nhân dân sự cũng sẽ tạo điều kiện cho các công ty công nghệ hạt nhân Nhật Bản tiếp cận thị trường Ấn Độ giàu tiềm năng.
Ngoài lĩnh vực hạt nhân, Nhật Bản và Ấn Độ cũng sẽ hợp tác nghiên cứu khả thi tuyến tàu lửa cao tốc đầu tiên của Ấn Độ, theo mô hình công nghệ đường sắt của Nhật Bản được nhiều nơi ưa chuộng. Tuyến đường này dài 500km, nối liền hai thủ phủ Mumbai và Ahmedabad, chi phí nghiên cứu được cả hai bên chia sẻ với nhau. Kinh phí xây dựng ước tính 1.000 tỉ yen, tương đương gần 10 tỉ USD, việc duyệt xét về mặt công nghệ và tài chính sẽ kết thúc vào tháng 3-2014. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Ấn Độ một khoản vay 101,7 tỉ yen, tương đương 1 tỉ USD, bao gồm 71 tỉ yen cho việc xây dựng tuyến metro Mumbai và gần 31 tỉ yen cho hai dự án khác. Sự xích lại gần nhau giữa hai nước ở hai khu vực Đông và Nam Á được giải thích từ những động thái mới nhất của Trung Quốc đã không làm cho New Delhi yên tâm, nhất là việc Trung Quốc thắt chặt quan hệ với Pakistan – nước vốn có những bất đồng sâu sắc với Ấn Độ, rồi lui tới căn cứ hải quân của Myanmar và xây dựng một cảng nước sâu ở Sri Lanka. Các nhà bình luận tin rằng trong một tương lai xa, mối quan hệ Nhật Bản – Ấn Độ sẽ còn có những bước tiến hơn nữa và điều này sẽ giúp Thủ tướng Shinzo Abe sớm giải “lời nguyền” thực hiện việc cung ứng ra bên ngoài các dự án hạ tầng cơ sở có giá trị, mang về 30 ngàn tỉ yen mỗi năm.
Lê Nguyễn tổng hợp