Theo công ty nghiên cứu thị trường Phocuswright, thị trường lưu trú giá rẻ của Đông Nam Á hiện trị giá 17 tỉ USD – mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng.
Lĩnh vực này ước tính sẽ đạt giá trị 20 tỉ USD vào năm 2023 và các startup chuỗi khách sạn được hỗ trợ bởi công nghệ tiếp tục được rót vốn để giành lấy “miếng bánh” của thị trường béo bở này.
Startup chuỗi khách sạn có trụ sở tại Singapore – RedDoorz – chủ yếu tập trung vào hoạt động tại Đông Nam Á, đã huy động được 45 triệu đôla Mỹ trong vòng gọi vốn Series B do công ty đầu tư mạo hiểm Trung Quốc Qiming Venture Partners dẫn đầu với sự tham gia của Jungle Ventures . Theo Crunchbase, cho đến nay công ty khởi nghiệp này đã huy động được gần 65 triệu USD.
“Tăng trưởng của chúng tôi trong năm 2018 đến 2019 đã diễn ra theo cấp số nhân. Đó là một giai đoạn quan trọng khi chúng tôi có thể thiết lập tốc độ và tạo lập các tiêu chuẩn mới trong phân khúc khách sạn giá cả phải chăng ở thị trường Đông Nam Á”, Amit Saberwal, đồng sáng lập và CEO của RedDoorz, nói.
Ra mắt vào năm 2015 bởi hai doanh nhân khởi nghiệp gốc Ấn Độ – Amit Saberwal và Asheesh Saxena, RedDoorz khởi đầu hoạt động tại Indonesia, và sau đó chuyển trụ sở sang Singapore vào năm 2017.
“Chúng tôi chuyển trụ sở chính đến Singapore vì sự thuận tiện mà thành phố này mang lại từ quan điểm hậu cần. Nó cũng được kết nối rất tốt với các thành phố khác,” Mitch Saberwal nói với Entrepreneur Asia Pacific trong cuộc gặp gỡ tại Techsauce Global Summit được tổ chức gần đây tại Thái Lan.
RedDoorz hoạt động theo mô hình kinh doanh nhượng quyền với đối tác là các khách sạn giá rẻ của hơn 80 thành phố tại các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Công ty tuyên bố hiện đang vận hành hơn 25.000 phòng trải rộng trên 1.200 khách sạn giá rẻ và bất động sản ở khu vực Đông Nam Á.
Trong cuộc trò chuyện trước đây với Entrepreneur, nhà sáng lập Saberwal đã khẳng định rằng thị trường khách sạn Đông Nam Á chưa được khai thác đúng mức tại thời điểm mà công ty này ra mắt.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, làm việc với các công ty du lịch trực tuyến (OTA) như MakeMyTrip của Ấn Độ, những người đồng sáng lập đã khởi đầu RedDoorz như một công cụ tổng hợp thông tin khách sạn cho các khách sạn giá rẻ, tận dụng các công nghệ như học máy nhằm tạo điều kiện cho việc đặt phòng trực tuyến và quản lý khách sạn.
Đầu tiên, họ ký một thỏa thuận nhượng quyền thương mại với các khách sạn giá rẻ, đào tạo họ về công nghệ và sau đó gọi nó là Khách sạn RedDoorz.
Hoặc, như cách Saberwal thích gọi mô hình của họ: đó là sự gặp nhau, lai ghép giữa Uber và Marriott. Công ty có kế hoạch bán được 1 triệu phòng mỗi tháng vào cuối năm nay.
Nền kinh tế trực tuyến sôi động đã giúp ngành khách sạn Đông Nam Á đón nhận nhiều công ty startup cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Ví dụ, chuỗi khách sạn có trụ sở tại Ấn Độ, OYO Hotels and Homes, hoạt động tại các quốc gia bao gồm Trung Quốc, Malaysia, Nepal, Indonesia, Philippines và gần đây là thị trường Việt Nam. Oyo công bố đầu tư 50 triệu USD vào thị trường Việt Nam và đặt mục tiêu tăng trưởng đến 20.000 phòng vào cuối năm 2020.
Tương tự, một startup giai đoạn đầu khác đến từ Singapore là Zuzu Hospitality Solutions kết hợp cung cấp dịch vụ phần mềm (SaaS) đã hợp tác với hơn 1.000 khách sạn độc lập từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Úc và Đài Loan . Cho đến nay, công ty này đã huy động được gần 6 triệu USD để thúc đẩy kế hoạch mở rộng của họ tại sáu thị trường này.
Trong một lĩnh vực đang có nhiều công ty hoạt động tốt như thế, việc RedDoorz sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào trên thị trường là điều đáng xem trong năm 2019.