Theo thống kê của Hiệp hội Rubik Quốc tế, hiện nay chỉ có chưa đến 5,8% dân số thế giới là có khả năng giải được khối lập phương rubik.
Còn số người tài giỏi giải rubik lại càng hiếm hơn. Sau đây là một số kỷ lục mới nhất và thú vị nhất liên quan đến khối rubik và tài năng chơi rubik.
Đầu tiên là kỷ lục “Thời gian nhanh nhất để giải một khối rubik” được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 5-2018. Kỷ lục do Feliks Zemdegs (22 tuổi, người Úc, là “cuber” – vận động viên (VĐV) chơi rubik chuyên nghiệp) phá đổ tại cuộc thi Vô địch rubik quốc tế mang tên “Cube for Cambodia 2018” diễn ra tại Melbourne (thủ phủ bang Victoria, Đông Nam Úc) vào ngày 6-5-2018. Feliks thoăn thoắt dùng tay xoay và giải một khối rubik tiêu chuẩn 3x3x3 (khối lập phương 6 mặt và 6 màu, mỗi mặt 1 màu có 3 hàng gồm 9 ô vuông) bị xáo trộn nhiều màu ở mỗi mặt thành khối rubik đồng 6 màu (mỗi mặt 1 màu) trong thời gian siêu nhanh, chỉ mất 4,22 giây!
Điều đáng nói là anh đã phá kỷ lục này chỉ trong vòng sơ loại đầu tiên của cuộc thi. Kỷ lục cũ là 4,59 giây do Seung Beom Cho (người Hàn Quốc) xác lập.
Feliks từng xác lập hạng mục kỷ lục này hai lần: 6,77 giây vào năm 2010 và 4,73 giây vào năm 2016.
Tính đến nay, anh cũng đã từng lập hơn 100 kỷ lục thế giới về giải rubik trong suốt sự nghiệp thi đấu rubik của mình, trong đó có các kỷ lục “Thời gian trung bình nhanh nhất để giải một khối rubik qua nhiều vòng thi trong một cuộc thi vô địch rubik thế giới” (5,80 giây đến 6,54 giây) và “Thời gian nhanh nhất để giải một khối rubik chỉ bằng một tay”…
Feliks sinh ngày 22-12-1995 tại Melbourne, là người Úc gốc Latvia, có năng khiếu toán học từ nhỏ và tố chất thiên bẩm của VĐV rubik.
Anh đã sắm chiếc rubik đầu tiên vào tháng 4-2008, chăm chỉ học cách chơi trên YouTube và nhanh chóng trở thành VĐV rubik xuất sắc của Úc.
Kỷ lục thế giới đầu tiên của anh (kỷ lục không chính thức vì lúc ấy anh chưa thi đấu chuyên nghiệp) về thời gian trung bình một lần giải rubik nhanh nhất là 3,946 giây (5 lần giải với thành tích tổng cộng 19,73 giây), xác lập vào ngày 14-6-2008, chỉ… hai tháng sau khi học chơi rubik!
Tháng 7-2009, anh chiến thắng lần đầu tiên tại cuộc thi Vô địch rubik New Zealand ở các hạng mục giải rubik nhanh nhất bằng một tay, hai tay và thời gian trung bình giải rubik nhanh nhất.
Tháng 1-2010 tại giải Melbourne Summer Open, anh lập kỷ lục thế giới chính thức đầu tiên ở hai hạng mục Thời gian nhanh nhất để giải rubik 3x3x3 và 4x4x4 (9,21 giây và 42,01 giây).
- Xem thêm: Những người có khả năng phi thường
Hiện nay, anh là đương kim vô địch thế giới về giải rubik “khối tiêu chuẩn” 3x3x3 (sử dụng phương pháp Fridrich – một công thức nổi tiếng để giải đấu ở hạng mục này) và “khối bỏ túi” 2x2x2 (khối lập phương 6 mặt và 6 màu, mỗi mặt 1 màu có 2 hàng gồm 4 ô vuông sử dụng phương pháp CLL để giải đấu).
Đồng thời, anh cũng từng vô địch thế giới về giải các khối rubik khó hơn như “khối báo thù” 4x4x4 (khối lập phương 6 mặt và 6 màu, mỗi mặt 1 màu có 4 hàng gồm 16 ô vuông, sử dụng phương pháp Yau để giải đấu), “khối giáo sư” 5x5x5 (khối lập phương 6 mặt và 6 màu, mỗi mặt 1 màu có 5 hàng gồm 25 ô vuông), “khối V-Cube 6” 6x6x6 và “khối V-Cube 7” 7x7x7. Anh được bình chọn là Cuber xuất sắc nhất thế giới vì thành tích liên tục phá hàng loạt kỷ lục thế giới.
Cũng thú vị không kém là kỷ lục “Thời gian nhanh nhất để giải ba khối rubik trong khi tung hứng” được Tổ chức Guinness Thế giới giới thiệu vào ngày 22-5-2018. Que Jianyu, nam sinh 13 tuổi sống tại tỉnh Phúc Kiến (ven biển Đông Nam Trung Quốc) phá đổ trong chương trình tài năng thực tế của Trung Quốc “iDream of China” do Đài truyền hình tỉnh Chiết Giang (ven biển Đông Trung Quốc) tổ chức và phát sóng tại Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang) vào ngày 23-12-2017. Que được quan sát ba khối rubik 3x3x3 (đã xáo trộn màu ở các mặt) trong 15 giây, tiếp đó em vừa tung hứng ba khối rubik này, vừa nhanh như chớp dùng tay xoay các mặt của các khối rubik khi chúng rơi xuống tay em. Sau đó em lặp lại chu kỳ tung hứng và xoay chúng liên tục nhiều lần cho đến khi ba khối rubik trở nên đồng 6 màu ở 6 mặt, mà chỉ mất thời gian vẻn vẹn… 5 phút 6,61 giây!
Đây là kỷ lục đầy khó khăn (vì đòi hỏi tay phải làm cùng lúc hai việc khác nhau, mắt phải tinh tường và phản xạ phải nhanh như chớp) mà nhiều người lớn không thể thực hiện hoặc thực hiện không nhanh được như em.
Que đã mất hai năm kiên trì luyện tập thuần thục màn trình diễn này (dù em bị cận thị) và đã thành công.
Trong 5 phút 6,61 giây, em đã dành 2 phút đầu tiên để xoay đồng màu khối rubik đầu tiên, 1 phút 44 giây tiếp theo để xoay đồng màu khối rubik thứ hai và thời gian còn lại để giải quyết khối rubik thứ ba.
“Cháu giải rubik bằng cách nhớ vị trí từng ô vuông và màu của nó trên khối rubik, rồi sử dụng công thức thích hợp để xoay nhanh nhất.
Đồng thời rèn phản xạ tay kết hợp kỹ năng tung hứng thật nhuần nhuyễn”, Que “bật mí” phương pháp phá kỷ lục siêu phàm này. Cho đến nay, Que đã sở hữu bộ sưu tập 500 khối rubik đủ loại tại nhà.
Cũng trong chương trình “iDream of China”, Que và Ye Jiaxi, thầy của em cùng nhau phá tiếp một kỷ lục khác “Thời gian nhanh nhất để giải một khối rubik (3x3x3) bởi một đội hai người”, với thành tích 25,63 giây, nhanh hơn kỷ lục cũ gần 3 giây.
Ye là Chủ tịch Hiệp hội Ảo thuật gia thành phố Hạ Môn (Đông Nam tỉnh Phúc Kiến) và huấn luyện môn rubik cho Que từ khi em mới lên 6 tuổi.
“Que có năng khiếu bẩm sinh và chăm chỉ luyện tập, là thần đồng môn rubik nên nhanh chóng thành thạo các kỹ năng khó nhất trong môn rubik như giải rubik bằng một tay, bằng hai chân hoặc kết hợp giải cùng lúc ba khối rubik bằng hai tay và hai chân. Em đã từng biểu diễn tài năng của mình tại nhiều nước như Đức, Ý, Mỹ, Úc, Nhật”, Ye cho biết.
Năm lên 7 tuổi, em đã lập kỷ lục Guinness thế giới đầu tiên “Người trẻ nhất giải được khối rubik 3x3x3 trong khi bị bịt mắt” với thành tích 4 phút 49 giây, đồng thời được công nhận là thành viên nhỏ tuổi nhất của Hiệp hội VĐV rubik chuyên nghiệp Quốc tế.
Sau đó, phấn đấu không ngừng, ở tuổi 12, em đã phá kỷ lục “Bịt mắt giải rubik nhanh nhất thế giới” (nhanh dưới 12 giây) trong chương trình tài năng trẻ em “Little Big Shot” của Đài truyền hình Úc (VTV3 đã mua bản quyền chương trình này và phát sóng dưới tên gọi “Mặt trời bé con” trong năm 2017.
Que Jianyu cũng từng biểu diễn tài năng giải rubik trong khi bị bịt mắt và dùng hai tay, hai chân giải cùng lúc ba khối rubik trong chương trình Mặt trời bé con tập 2, phát sóng ngày 16-9-2017 trên VTV3). Thần tượng truyền cảm hứng cho Que chính là Cuber xuất sắc nhất thế giới Feliks Zemdegs!
Cuối cùng là kỷ lục “Khối rubik (thương mại) lớn nhất thế giới” được Tổ chức Guinness Thế giới giới thiệu vào ngày 25-5-2018. Grégoire Pfennig phá đổ tại Belfort (thủ phủ tỉnh Territoire de Belfort, Đông Bắc Pháp) vào ngày 2-12-2017. GrégoireGrégoire trình làng một khối rubik thương mại (do anh chế tạo và bán trên thị trường) theo quy cách 33x33x33 (khối lập phương 6 mặt và 6 màu, mỗi mặt 1 màu có 33 hàng gồm 1.089 ô vuông), với 6.153 bộ phận có thể xoay chuyển được, mỗi cạnh dài 20,5cm, nặng sơ sơ 3,15kg, nặng gấp 22 lần so với khối rubik tiêu chuẩn 3x3x3!
Anh cũng dùng 20g keo thượng thặng (superglue) để dán nhiều miếng màu vào 6 mặt rubik để tạo thành 6 màu truyền thống của khối rubik. Kỷ lục cũ là khối rubik thương mại có quy cách 17x17x17 (khối lập phương 6 mặt và 6 màu, mỗi mặt 1 màu có 17 hàng gồm 289 ô vuông) với 1.539 phần có thể xoay chuyển được, do nhà sáng chế Oskar van Deventer (Hà Lan) xác lập tại Lễ hội Đồ chơi New York ở thành phố New York (Mỹ) vào ngày 12-2-2011. Pfennig đã làm việc ròng rã suốt 205 giờ mới hoàn thành khối rubik bự tổ chảng này. Anh sinh trưởng ở Belfort, tốt nghiệp ngành Cơ khí – Điện tử thuộc Đại học Công nghệ Belfort-Montbéliard tại Belford và đam mê trò chơi rubik từ năm 15 tuổi.
Anh là nhà thiết kế đồ chơi vặn quay (twisty puzzle designer) danh tiếng của Pháp, đã thiết kế hơn 130 mẫu rubik đủ loại suốt tám năm nay phục vụ người chơi rubik trên toàn cầu, nhưng đây là lần đầu tiên anh chế tạo một khối rubik thương mại khổng lồ.
“Tôi muốn đối mặt với thách thức sáng tạo, cũng như muốn tạo ra một món đồ chơi độc lạ và gây ngạc nhiên cho người hâm mộ tôi trên kênh YouTube của tôi, Greg’s Puzzles, đồng thời cũng mơ ước lập kỷ lục Guinness từ thuở nhỏ.
Đó là lý do khiến tôi cho ra lò khối rubik thương mại lớn nhất thế giới. Bạn phải cần 1.331 khối rubik tiêu chuẩn 3x3x3 hợp lại mới làm nên một cấu trúc rubik 33x33x33 cực kỳ lớn.
Tôi tự thiết kế mẫu cho khối rubik này, các bộ phận của nó làm bằng nhựa dẻo được in 3D bằng máy SLS của Công ty 3DprintFabriek – nhà tài trợ cho dự án rubik khổng lồ của tôi.
Sau đó, tôi nhuộm đen các bộ phận này bằng cách dùng RIT Dye, rồi lắp ráp chúng lại thành khối rubik.
Ngoài tính năng vặn xoay thông thường, khối rubik to đùng này còn có thể vặn xoắn được từ trung tâm khối ra bề mặt khối tạo nên các hình dị dạng”, anh cho biết.
Điều lý thú và chính là một thách thức lớn: Với 1.089 ô vuông trên mỗi mặt rubik, người chơi phải mất hàng chục đến hàng trăm giờ vặn xoay mới giải được khối rubik khổng lồ này thành đồng màu mỗi mặt!
Giá mỗi khối rubik độc lạ này không hề rẻ, 18.000 USD và người mua phải đặt hàng trước ba tháng qua shop Olivier’s Sticker mới mong sở hữu được hàng.