Lặng lẽ và nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Phạm Đăng Trí sống trong ký ức của học trò Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế với hình ảnh mực thước, nghiêm cẩn.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc chân dung một họa sĩ, một nhà giáo chuẩn mực, hiền hậu và hai tác phẩm nổi tiếng của ông là: Người suối bạc và Trận sông Hát.
Một nhân cách lớn
Họa sĩ Phạm Đăng Trí sinh năm 1921 tại Huế, nguyên quán Gò Công. Theo gia phả, ông sinh ngày 24-8-1920, nhưng trong giấy tờ thì ghi ngày 16-9-1921.
Ông từng là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội (1937-1942). Từ năm 1945 đến khi qua đời (1983), ông lần lượt là giáo viên, giảng viên hội họa của các trường trung học, rồi Cao đẳng Mỹ thuật Huế.
Suốt cuộc đời gần như ông sống và làm việc tại Thừa Thiên – Huế với nhân cách của một thầy giáo chuẩn mực, hiền hậu.
Ông có ba người con, con trai đầu là Phạm Đăng Phổ đã mất; kế đến là bác sĩ Phạm Đăng Nhật và con trai út là bác sĩ Phạm Đăng Diệu, hiện đang dạy tại Đại học Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), là tác giả của nhiều cuốn sách về giải phẫu học. Vợ ông là bà Huỳnh Thị Sanh (sinh 1928), hiện sống với con trai Phạm Đăng Nhật tại Huế.
Trong ký ức của thế hệ sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế trước năm 1975, họa sĩ Phạm Đăng Trí là một thầy giáo tinh tế, sâu sắc và rất mực thương yêu học trò.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật nhớ lại: “Ngày còn là sinh viên, tôi rất nghèo. Có ngày chỉ ăn độc một ổ mì.
Trong khi đó, một tuýp dầu để vẽ giá khá đắt, bằng hàng chục ổ mì. Tôi sống rất khó khăn nếu không có sự giúp đỡ của thầy Phạm Đăng Trí.
Thầy cho tôi từng thước lụa để vẽ. Không chỉ học được ở thầy kiến thức, chúng tôi còn học được ở thầy cách đối nhân xử thế, lòng nhân hậu và lối sống mực thước, tinh thần sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc”.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn cũng có rất nhiều kỷ niệm về nhà giáo – họa sĩ Phạm Đăng Trí, anh kể: “Lúc nào thầy cũng xem chúng tôi như con. Thầy gọi chúng tôi bằng con xưng thầy rất tình cảm.
Trong dạy học, thầy nghiêm túc và tận tình. Thầy luôn gặp từng sinh viên để trao đổi phác thảo. Hồi đó, chúng tôi nghèo lắm, sơn dầu để vẽ chỉ có vài màu cơ bản.
Chính thầy đã cho chúng tôi sơn dầu để làm bài tốt nghiệp. Thế hệ sinh viên chúng tôi vô cùng kính trọng và quý mến thầy, xem thầy như là một người cha”.
- Xem thêm: “Hoài niệm” của Nguyễn Viết Thanh
Trong trí nhớ của bác sĩ Phạm Đăng Nhật, ba anh vẽ tranh thường xuyên nhưng rất kỹ lưỡng, bức nào vẽ không vừa ý, ông hủy ngay chứ không cốt giữ lại để kể số lượng.
Thường với một bức tranh lụa hay giấy dó khổ trên 1 mét, ông mất khoảng 3-6 tháng cho việc xử lý chất liệu và vẽ. Suốt cuộc đời ông vẽ khoảng 100 bức tranh, hủy bỏ khoảng 20 bức, giữ lại khoảng 80 bức.
Năm 1968, khi đang triển lãm tại tư gia, thì bị ném bom, sập 1/2 nhà phía trước và phòng khách, mất đi mấy chục bức tranh.
Hiện tại tư gia chỉ còn lại khoảng 40 bức, 8 sơn dầu, còn lại là lụa và giấy dó, khổ lớn trên 1m2 chiếm khoảng 1/2, phần còn lại khổ nhỏ hơn.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu kể lại rằng, họa sĩ Phạm Đăng Trí luôn quan niệm vẽ là để cho mình chứ không phải vẽ vì danh, vì lợi.
Là người tinh tế, ông luôn hướng tới cái tinh túy trong mỗi bức tranh, chính vì thế tranh của ông tỉ mỉ trong từng chi tiết. Ông tuyệt đối không bán tranh dù có lúc cuộc sống của ông có lúc cũng gặp khó khăn.
Khi ông mất đi, những người con của ông cũng giữ vững “nếp nhà”, kiên quyết không bán tranh, xem đó là những kỷ vật quý báu của ba mình để lại.
Theo bác sĩ Phạm Đăng Nhật, hiện tại có khoảng 2-3 bức tranh của cha anh đang lưu hành ở thị trường châu Âu, một bức do một bảo tàng mượn đi triển lãm bên Bungary thời bao cấp, sau đó bán luôn. Còn 1-2 bức kia là do khi còn sống, họa sĩ Phạm Đăng Trí tặng bạn bè.
Những bức tranh “vàng”
Trong số những bức tranh mà họa sĩ Phạm Đăng Trí để lại có hai tác phẩm rất nổi tiếng là: Người suối bạc và Trận sông Hát.
Tác phẩm Người suối bạc (54 x 100cm, giấy dó, 1945), vẽ một thiếu nữ đẹp đang bị bệnh sắp chết, nhưng người xem có cảm giác như thiếu nữ đang nằm ngủ, một giấc ngủ bình yên và thiên thu.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu kể lại: “Tôi may mắn được theo học tranh lụa với thầy Phạm Đăng Trí và thưởng thức nhiều tác phẩm của thầy.
Bức Người suối bạc là một bức tranh vô cùng độc đáo. Thầy đã sử dụng chất liệu dân tộc để vẽ nên một bức tranh sâu sắc, đầy tình cảm.
Thầy sử dụng ngọc bích thật để lấy màu xanh, lấy màu vàng từ cây quỳ; lấy màu trắng từ vỏ con điệp và lấy màu đỏ từ châu sa mể…
Ngay cả chiếc kiềng đeo trên cổ người thiếu nữ cũng được vẽ bằng những lá vàng thật. Tác phẩm Người suối bạc đã đạt huy chương bạc ở Hội đấu xảo quốc tế tại Paris vào đầu thập niên 30”.
Tác phẩm Trận sông Hát (79x64cm, lụa, 1975) vẽ cảnh Hai Bà Trưng cỡi voi giết giặc theo bố cục tranh dân gian, nhân vật chính lớn hơn nhân vật phụ để diễn đạt trận chiến.
Chữ Hai Bà Trưng trên lá cờ được viết bằng chữ Quốc ngữ. Đây là một cách hiện đại hóa tác phẩm và khẳng định chữ viết của người Việt Nam.
- Xem thêm: “Nắng thu” ở Hải Phòng
Theo trí nhớ của nhiều thế hệ học sinh sau 1975, Trận sông Hát được in vào SGK lịch sử cấp 1. Sau 1975, một nhà sưu tập người Nhật đã năm bảy lần tìm đến nhà bác sĩ Phạm Đăng Nhật đề nghị mua với giá cao nhất là 70 cây vàng, nhưng anh Nhật nhất quyết không bán. Anh chỉ đồng ý cho nhà sưu tập này chụp hình anh với bức tranh, rồi thu âm cả cuộc trò chuyện, phỏng vấn giữa hai người.
Từ hồi họa sĩ Phạm Đăng Trí mất, gia đình đã hai lần làm triển lãm kỷ niệm. Một lần tại tư gia và một lần tại Bảo tàng Hồ Chí Minh vào dịp Festival Huế 2008.
Bác sĩ Phạm Đăng Nhật cho biết, sở dĩ gia đình anh hạn chế việc phổ biến tranh, ngay cả ảnh chụp là vì ngại chuyện tranh giả.
Có một lần, anh em văn nghệ sĩ ở Huế thấy hình tác phẩm của họa sĩ Phạm Đăng Trí đăng trên một tờ báo nhưng lại đề tên một họa sĩ khác. Sau đó, đã có một cuộc “bút chiến” của văn nghệ sĩ xứ Huế xung quanh chuyện này.
Anh Nhật nói rằng, cha tôi vẽ tranh là vì hội họa, chứ không phải vì danh vọng hay tiền bạc nên chúng tôi cũng không xem đó là một gia tài quý giá hay một kho báu. Đơn giản, chúng tôi trân trọng các tác phẩm đó như là kỷ vật mà ba tôi để lại.
Hiện nay, anh Phạm Đăng Nhật vẫn mở rộng cửa với những người khách vãng lai muốn xem tranh của cố họa sĩ Phạm Đăng Trí tại số nhà 53 Phan Đăng Lưu, thành phố Huế.