Bà Tùng Long là nữ tác giả nổi tiếng của văn học miền Nam trước 1975, đã để lại số lượng tác phẩm lớn với 68 tiểu thuyết và hơn 400 truyện ngắn. Sau 1975, các tác phẩm của bà vẫn được một số nhà xuất bản lần lượt phát hành.
Sáng ngày 31-7, NXB Trẻ đã giới thiệu đợt phát hành một loạt 10 cuốn tiểu thuyết nhân dịp sinh nhật (ngày 1-8) của nữ văn sĩ. 10 tác phẩm nói trên là những feuilletton (truyện nhiều kỳ) đã đăng trên các báo từ trước năm 1975, trong đó có ba tác phẩm chưa từng được in thành sách: Bên hồ Thanh Thủy, Một vụ án tình, Những ai gieo gió và bảy tác phẩm khác: Bóng người xưa, Người xưa đã về, Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Đời con gái, Đường tơ đứt nối, Con đường một chiều.
Một sức viết bền bỉ
Những ai là độc giả của Bà Tùng Long và nghe những câu chuyện về bà đều biết được sức viết khủng khiếp của nhà văn này. Viết văn và trả lời độc giả mục Gỡ gối tơ lòng, Tâm tình cởi mở là một công việc cố định phải làm mỗi ngày chứ không phải đơn thuần là chuyện của cảm hứng.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức (con trai Bà Tùng Long) thường nói về sức làm việc đáng nể của mẹ mình trong các cuộc giao lưu và trong hồi ký Đi qua nước mắt nụ cười của ông. Trong con mắt nhà văn Nguyễn Đông Thức: “Má tôi là người phụ nữ lúc nào cũng lo cho chồng con. Sáng ngủ dậy, việc đầu tiên trong ngày là ghi thực đơn để đưa người giúp việc đi chợ nấu ăn, sau đó là thời gian uống trà với ba tôi. Sau hai cữ trà sáng và trưa, bà bắt đầu viết. Bà thường viết vào chiều và tối, nhiều nhất là buổi tối.
- Xem thêm: Sách về vùng đất Nam bộ
Hồi đó nhà chật nên tôi trải chiếu ngủ dưới chân bà, thường nghe tiếng bà viết trên giấy, âm thanh đó rất đặc biệt, tiếng viết chạy rào rào trên giấy và có những lúc bà dừng lại để suy nghĩ. Đó là sự lao động thầm lặng, bền bỉ suốt mấy chục năm trời”.
Bản thân nhà văn cũng học mẹ mình mỗi ngày tự đặt ra chỉ tiêu viết ít nhất ba trang nhưng bao nhiêu đó “không thấm gì” so với mẹ ông bởi vì có lúc bà viết mỗi ngày 5 feuilleton (mỗi kỳ ba trang) cho năm tờ báo khác nhau. Mỗi truyện viết cho mỗi báo đều được lên kế hoạch từng kỳ rất rõ ràng.
Chính thói quen và kỹ năng lên kế hoạch đã giúp Bà Tùng Long đủ sức bền để “chạy đường dài” trên sự nghiệp viết văn. Nhà văn Bích Ngân thán phục: “Bà Tùng Long chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho công việc viết văn của mình bất kể là viết truyện dài kỳ, truyện ngắn hay dịch tác phẩm, chuẩn bị cả về sự hiểu biết, tài năng và nhân cách. Là thế hệ đi sau, tôi viết văn chương theo cảm tính là nhiều, chưa có sự chuẩn bị như bà”.
Về số lượng tác phẩm của Bà Tùng Long, ông Nguyễn Minh Nhựt – Giám đốc NXB Trẻ, trong buổi ra mắt sách đã nói: “Đây là sự sáng tạo khủng khiếp của Bà Tùng Long để lại cho đời 68 tiểu thuyết và hơn 400 truyện ngắn. Tôi nghĩ đây là điều mà không phải nhà văn nào cũng làm được”.
“Tôi viết để nuôi con”
Sáng tác của Bà Tùng Long là những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống hằng ngày về quan hệ gia đình, thân phận người phụ nữ, trách nhiệm của đàn ông và đàn bà trong đời sống… được chuyển tải bằng văn phong giản dị, dễ hiểu.
Thông điệp chung trong hầu hết tác phẩm của bà là con người phải cố gắng sống tốt, đàn ông nên đối xử tốt với phụ nữ. Chính vì vậy, tiểu thuyết của Bà Tùng Long đi vào lòng độc giả một cách tự nhiên, đặc biệt là độc giả nữ và người bình dân.
Một chi tiết vui được nhà văn Nguyễn Đông Thức kể lại, khi ông về các vùng quê miền Tây được giới thiệu nhà văn Nguyễn Đông Thức người ta chẳng cần biết ông là ai nhưng khi được giới thiệu là “con trai Bà Tùng Long” thì ngay lập tức họ… đổi thái độ. Điều đó cho thấy, ấn tượng của độc giả một thời về các trang văn của Bà Tùng Long không phải nhỏ.
Có mặt tại buổi giới thiệu sách, nhà văn Lê Văn Nghĩa chia sẻ kỷ niệm của ông với Bà Tùng Long. Đó là những buổi chiều, ông được mẹ sai đi mua tờ nhật báo Sài Gòn Mới để đọc truyện của Bà Tùng Long. Đọc xong, mẹ của nhà văn Lê Văn Nghĩa còn bàn bạc sôi nổi với các cô hàng xóm.
“Má tôi và Bà Tùng Long như “hai phương trời cách biệt”, một người thì văn chương chữ nghĩa một người thì a, b, c trường làng mà gặp nhau như vậy. Mới thấy, một người có tri thức và giỏi ngôn ngữ mà viết cho những người bình dân hiểu, điều đó chứng tỏ cây bút ấy có giá trị phổ quát, đã đem văn chương đến nhiều tầng lớp khác nhau”, nhà văn này nhận xét.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum, người có ý tưởng sẽ làm phim từ các cuốn tiểu thuyết của Bà Tùng Long, nhận định: “Những câu chuyện Bà Tùng Long đã đề cập sẽ còn mãi. Bởi vì, khi xã hội loài người còn tồn tại thì những câu chuyện của Bà Tùng Long còn được nhắc đến vì đó là những chuyện thời nào cũng xảy ra”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng có chung suy nghĩ ấy: “Khi con người còn tồn tại thì những câu chuyện mà Bà Tùng Long đề cập về quan hệ gia đình, hôn nhân, cha mẹ con cái sẽ còn tồn tại, có chăng chỉ khác nhau về hình thức chuyển tải mỗi thời mỗi khác”. Nhà thơ còn bổ sung: “Bà Tùng Long viết văn có chồng con và học trò đọc vì vậy thường giải quyết các tình huống theo đúng đạo lý được dung hòa giữa Tây học và Khổng giáo”.
Với nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Bà Tùng Long viết văn có ảnh hưởng tư tưởng Khổng giáo nên thường theo trình tự Tu thân – Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ, không như bậy giờ chúng ta thường “bình thiên hạ” trước mà ít chịu tu thân. Vì vậy, những trang sách của Bà Tùng Long được in lại sẽ giúp chúng ta nhìn lại mình để tu thân”.
Công việc đứng các trang Gỡ rối tơ lòng, Tâm tình cởi mở giúp Bà Tùng Long nhận được số lượng thư rất lớn của bạn đọc gửi về tòa soạn kể những câu chuyện rắc rối học đang gặp phải, đó chính là chất liệu quý báu, thiết thực, gần gũi với đời sống… để bà sáng tác.
Với sức làm việc đáng nể và được cả đồng nghiệp lẫn độc giả công nhận giá trị của các tác phẩm nhưng bản thân Bà Tùng Long chưa bao giờ nhận mình là nhà văn hay nữ sĩ. Sinh thời, bà đã nói giản dị: “Tôi viết để nuôi con”. Tuy nhiên, trong công việc kiếm sống bằng những trang viết còn có cả niềm vui, nếu không muốn nói chính niềm vui mới khiến cho bà có một sức lực bền bỉ như vậy.
“Viết văn là niềm vui lớn nhất đời tôi”, Bà Tùng Long đã nói như vậy trong cuốn hồi ký của mình.
Bà Tùng Long (1915-2006) là bút hiệu của nhà văn Lê Thị Bạch Vân, sinh quán tại Đà Nẵng. Bà là tác giả nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 với dòng tiểu thuyết tâm lý xã hội được viết bằng văn phong giản dị, mộc mạc.
Năm 1932, bà theo thân phụ vào Sài Gòn, học trường Colellège des Jeunes Indigènes (sau đổi tên thành Trường Gia Long và là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay).
Năm 1935, bà kết hôn với nhà báo Nguyễn Đức Huy (bút danh Hồng Tiêu) chủ bút nhật báo Sài Thành lúc bấy giờ.
Bà bắt đầu viết văn vào năm 1953 với truyện dài đầu tiên có tựa Đứa con hoang (khi in sách đổi tựa: Ái tình và danh dự). Từ đó đến năm 1972, bà miệt mài với công việc viết văn và trả lời độc giả các mục Gỡ rối tơ lòng (báo Sài Gòn Mới), Tâm tình cởi mở (báo Tiếng Vang) bên cạnh việc dạy Pháp văn cho các trường trung học. Đặc biệt, bà có rất nhiều độc giả ái mộ ở vai trò “chuyên gia gỡ rối tơ lòng”.
Các tác phẩm nổi bật của Bà Tùng Long: Hồi ký Bà Tùng Long, Đời con gái, Gian san nhà chồng, Bóng người xưa, Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Đường tơ đứt nối…
Về bút danh Bà Tùng Long, trong một cuộc phỏng vấn lúc sinh thời, bà tiết lộ được đặt theo câu: “Vân tùng long, phong tùng hổ” (bà tên Vân). Sở dĩ bà thêm chữ “Bà” ở trước vì tên Tùng Long khá giống tên đàn ông, ngoài ra thời ấy có một số tác giả nữ bên Pháp ký tên “Madame” (Bà) trước bút hiệu nên bắt chước. Bà không dám tự hào mình là nữ sĩ nên không ký như vậy.