Triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Viết Thanh đã cách đây mười hai năm, lần trở lại với phòng tranh “Hoài niệm” tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (218A Pasteur, Q.3, từ 30-11 đến 9-12-2017) cho thấy một bước chuyển rõ nét về mặt tạo hình cũng như những tìm kiếm đáng chú ý của tác giả.
Không xuất hiện nhiều trong một thời gian khá dài, Nguyễn Viết Thanh lặng lẽ làm việc và kết quả là triển lãm cá nhân thứ hai của anh với 40 tác phẩm, được khá nhiều đồng nghiệp cùng giới chuyên môn đánh giá cao. Chẳng hạn, họa sĩ Uyên Huy – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhiều lần đưa tranh Nguyễn Viết Thanh lên Facebook của ông thay cho lời khen ngợi. Còn họa sĩ Ngô Đồng nhận định: “Phòng tranh với những bức tranh đẹp và sang đến giật mình… Một phòng tranh có thể làm hài lòng những người khó tính nhất. Rất đáng để anh chị em trong giới và bạn bè quan tâm mỹ thuật đến xem”.
Quả là vậy. “Hoài niệm” cho thấy những nỗ lực để tìm kiếm cách tạo hình mới với một bảng màu tạo được hiệu quả thị giác rất cuốn hút. Chỉ có vài bức trong phòng tranh được vẽ hiện thực như Đường làng và Bãi bồi, bức trước là cảnh con đường quê thôn lấm, cảnh vật chung quanh được xóa nhòa như muốn nhấn mạnh hình ảnh người đàn bà gánh hàng giữa trưa nắng, giản dị mà đầy tình cảm; bức sau chỉ một sắc xanh pha xám, đậm nhạt nhiều sắc độ cho thấy cái bãi bồi ven biển với vài con thuyền lặng yên, khơi gợi cảm xúc mênh mang về những chuyến ra khơi. Phần lớn tranh được vẽ với ngôn ngữ trừu tượng và nửa trừu tượng, với cách tạo hình thành những mảng khối uốn lượn, vân vi như mặt cắt của những tảng đá quý, những thân cây đã sống nhiều thế kỷ. Để có được những hình ảnh như thế, không thể dùng cọ mà phải có kỹ thuật “rót” màu thật công phu lên mặt tranh, biết khi nào thì phải dừng và từ đó loại đi những mảng, những vết màu không cần thiết, thêm vào những chi tiết quan trọng trên cái nền sống động của tác phẩm. Ngoài chất liệu sơn dầu, họa sĩ còn dùng màu tổng hợp để vẽ trên vóc nên nhiều bức tranh có bề mặt rất gần với tranh sơn mài, “đẹp và sang”.
Có thể nói “Hoài niệm” là một phòng tranh rất đáng chú ý trong sinh hoạt mỹ thuật những tháng cuối cùng của năm 2017 sắp qua đi. Hơn mười năm không làm triển lãm cá nhân nhưng Nguyễn Viết Thanh cho rằng lần trở lại này của anh chỉ là cách “để nhớ về những ký ức của khoảng thời gian 20 năm cầm cọ đầy những kỷ niệm vui buồn”.