Chỉ trong hai giây – khi bạn đọc tới đây thì – chiếc siêu xe thể thao SLS AMG – với vận tốc tối đa 315km/g – đã vượt qua quãng đường dài 175 mét, gấp rưỡi chiều dài của sân bóng đá. Và một chiếc xe hơi thông thường, vận hành ở tốc độ 100km/g cũng kịp băng qua 55,5 mét đường.
Nói vậy để thấy khi tham gia giao thông, chúng ta luôn đối mặt với nhiều mối hiểm nguy. Đó cũng chính là lý do tại sao hãng xe có bề dày truyền thống như Mercedes-Benz đã tập trung vào nghiên cứu và phát triển các hệ thống an toàn trên xe hơi từ những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước.
An toàn trên xe hơi được chia làm hai phần: an toàn chủ động và an toàn bị động. Chức năng của các thiết bị an toàn chủ động là phát hiện và tránh tai nạn, còn của các thiết bị an toàn bị động là hạn chế tác hại do tai nạn gây ra. Tại Mercedes-Benz, công thức an toàn nói trên được tiếp tục chia nhỏ thành bốn phần: ngăn chặn, phản ứng, bảo vệ và giải cứu.
Năm 1951, kỹ sư của hãng Mercedes-Benz, Béla Barenyi đã đăng ký bản quyền về “thân xe có khả năng hấp thụ xung lực”. Theo đó, thân xe được thiết kế bao gồm ca-bin vững chắc để bảo vệ hành khách và các phần nối dài làm từ những vật liệu mềm hơn để hấp thụ xung lực trong trường hợp xảy ra tai nạn. Từ đó đến nay, tất cả các loại xe hơi trên thế giới đều được thiết kế theo quy cách này. Ông Béla Barenyi và nhóm nghiên cứu của Mercedes-Benz còn đưa ra nhiều phát minh trong gói an toàn bị động như trụ lái tự gãy rời khi va chạm để tránh không đâm vào người lái hay bảng đồng hồ làm từ vật liệu có độ đàn hồi để giảm thương tích…
Mercedes-Benz đã phát minh ra khung xe hấp thụ xung lực nhằm hạn chế tác động lên hành khách khi tai nạn xảy ra
Trong lĩnh vực an toàn chủ động, Mercedes-Benz cũng giữ vị trí tiên phong. Năm 1978, hãng bắt đầu lắp đặt phanh ABS chống bó cứng trên chiếc S-Class (W116). Năm 1995, Mercedes-Benz lại có một phát minh lớn, đó là hệ thống cân bằng điện tử ESP. Dựa trên vận tốc xoay của từng bánh xe, hệ thống sẽ phát hiện chiếc xe đang bị mất kiểm soát – ví dụ do tài xế vào cua quá nhanh – hệ thống sẽ tự động giảm lực kéo hoặc thậm chí phanh từng bánh xe để đưa xe trở lại cung đường an toàn. ESP được coi là cải tiến quan trọng nhất trong lĩnh vực an toàn giao thông trong hai mươi năm trở lại đây.
Nếu nhận biết chiếc xe bị mất kiểm soát, hệ thống PRE-SAFE® sẽ tự động kích hoạt. Đai an toàn được kéo căng, cửa sổ và cửa sổ trời được đóng lại, nệm ghế tự điều chỉnh để tạo điểm tựa vững và ghế khách ngồi phía trước cũng được đưa về vị trí an toàn nhất. Tất cả nhằm mục đích giữ chặt người lái và khách trên xe an toàn trong trường hợp tai nạn xảy ra, bởi không gì nguy hại bằng việc văng ra khỏi ca-bin do quán tính khi đâm xe.
Mercedes-Benz đi tiên phong trong việc phát triển các loại túi khí an toàn khác nhau.
Được ứng dụng trên xe hơi Mercedes-Benz từ năm 1981, túi khí cũng trở thành một phần quan trọng của gói bảo vệ an toàn. Những dòng Mercedes-Benz thế hệ mới đều được trang bị nhiều loại túi khí như túi khí phía trước kích nổ theo hai giai đoạn, túi khí bên hông lắp ngay ở lưng ghế, túi khí ở đầu gối và túi khí rèm cửa bảo vệ hành khách trong các vụ đâm ngang hoặc lật xe.
Một trong những chấn thương nguy hiểm nhất khi gặp tai nạn là hiệu ứng “quất roi” của cột sống do đầu người chúi về phía trước rồi lại lật ngược ra phía sau quá nhanh. Do đó, Mercedes-Benz đã giới thiệu công nghệ NECK-PRO, đẩy gối tựa đầu ra phía trước 56mm và lên cao 23mm để ngăn cản không cho đầu người chuyển động ngược lại.
Xe hơi ra đời đem lại tự do cho con người, giúp chúng ta di chuyển từ điểm A tới điểm B. Như người Việt Nam thường nói “đi đến nơi về đến chốn”, tiêu chí an toàn của các chuyến đi bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Trong ca-bin một chiếc Mercedes-Benz bạn luôn được bao bọc bởi những công nghệ an toàn mà nhà sản xuất đã tốn hơn 127 năm nghiên cứu phát triển. Thế mạnh này được thể hiện trong một khoảnh khắc – có khi chỉ kéo dài hai giây nhưng vẫn đủ bảo vệ mạng sống của bạn và mọi khách đi cùng.
(DNSGCT)