Nhằm góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống, hướng theo mục tiêu phát triển bền vững, từ năm 2010, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện chiến dịch “Tiêu dùng sản phẩm xanh”. Hướng người tiêu dùng đến với thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp xanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường. Sau ba năm thực hiện, từ một hoạt động còn mới mẻ, đến nay chiến dịch đã lan tỏa, thu hút được sự quan tâm chú ý của cộng đồng. Tuy nhiên, để phong trào phát triển sâu rộng, gắn bó với đời sống của người dân, cần nhiều hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và các hoạt động cũng phải thật sự thiết thực.
Chiến dịch “Tiêu dùng sản phẩm xanh” lần thứ 4: Nhiều dự án mới
Từ khi chiến dịch “Tiêu dùng sản phẩm xanh” ra đời, những người thực hiện đã xác định đây là chuỗi hoạt động lâu dài, cần kiên trì thực hiện. Các dự án của chương trình như khu phố xanh, đạp xe tuyên truyền, kết nối xanh giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng tương lai, kích cầu tiêu dùng xanh… đã thu hút hơn 9.000 học sinh, sinh viên và hơn hai triệu người dân tham gia hưởng ứng. Đáng chú ý hơn, sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp xanh tại siêu thị Co.op Mart trong tháng diễn ra chiến dịch tiêu dùng xanh đã tăng từ 40 đến 60%. Đây là hệ thống siêu thị có nhiều hoạt động hưởng ứng vì môi trường rất tích cực trong thời gian qua. Điểm sáng này rất cần mở rộng nhiều hơn nữa để người dân dễ dàng tiếp cận với thông điệp của chương trình ở mọi lúc, mọi nơi.
Những sản phẩm tái chế không khó thực hiện như thùng rác được làm từ vỏ xe phế liệu
Để nâng cao hiệu quả kích cầu, trong chiến dịch “Tiêu dùng sản phẩm xanh” lần thứ 4 (tháng 6-2013) được chia thành nhiều dự án với các hoạt động khá đa dạng. Những điểm mới đáng chú ý là vận động cộng đồng bình chọn những doanh nghiệp xanh tiêu biểu được yêu thích nhất, tổ chức giao lưu giữa doanh nghiệp xanh với học sinh, sinh viên về đề tài “Doanh nghiệp đã và đang làm gì để bảo vệ môi trường”. Các hoạt động đó giúp cho mọi người nâng cao hơn nữa nhận thức bảo vệ môi trường và cùng nhau hành động vì môi trường, đơn giản từ những hành động như thay đổi hành vi, thói quen chưa thân thiện với môi trường, lựa chọn sử dụng sản phẩm xanh… Công Thành, cựu sinh viên Đại học Kinh tế đã tham gia làm tình nguyện viên đã hai năm nay cho biết rằng dù đang bận rộn với công việc tại công sở nhưng anh vẫn cố gắng bố trí thời gian để tiếp tục tham gia chiến dịch. Anh nói: “Thay đổi thói quen là việc không dễ thực hiện, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều người đặt yếu tố giá cả lên hàng đầu trong việc mua sắm. Qua hai mùa tham gia vận động, tuyên truyền, chúng tôi rất vui khi thấy nhiều người đã bắt đầu thay đổi thói quen, tỏ ra có ý thức hơn khi chủ động lựa chọn sản phẩm xanh”.
Riêng giải pháp kích cầu tiêu dùng xanh sẽ được cải tiến dưới hình thức tiếp sức cùng người tiêu dùng thông qua việc ban tổ chức chương trình sẽ phát tặng mười ngàn coupon tiêu dùng xanh có giá trị mua hàng tại hệ thống siêu thị Co.op Mart cho khách hàng. Sử dụng phiếu này là cách khách hàng tiếp cận, tìm hiểu, nhận diện và ưu tiên lựa chọn tiêu dùng sản phẩm xanh. Bản thân các doanh nghiệp xanh cũng có chính sách khuyến mãi, giảm giá sản phẩm để định hướng tiêu dùng cho khách hàng.
Cụ thể, với dự án “Người tiêu dùng tương lai”, tình nguyện viên đạp xe đến từng khu vực dân cưở các quận, huyện để phát “Cẩm nang sống xanh” cho người dân. Bên cạnh đó là cuộc thi ảnh “Mỗi người một hành động xanh” để thể hiện sự hưởng ứng tiêu dùng sản phẩm xanh.
Dự án “Ngày cộng đồng sống xanh” lại thu hút các tình nguyện viên và người dân cùng tham gia vào hoạt động vẽ tranh tập thể với chủ đề kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường. Đây là hoạt động lần đầu tiên diễn ra tại TP.HCM, địa điểm được chọn thể hiện là bức tường dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh. Dự án “Kết nối xanh giữa doanh nghiệp và thế hệ xanh” mở ra các hoạt động giao lưu giữa doanh nghiệp xanh với học sinh, sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm nay đã là năm thứ tư liên tiếp dự án “Khu phố thân thiện môi trường” được thực hiện với mục đích từng bước xây dựng những khu phố xanh, cam kết ưu tiên dùng sản phẩm xanh để từ đó nhân rộng mô hình trong TP.HCM, rộng hơn là đến các tỉnh thành trong cả nước.
Cần thiết thực hơn nữa
Theo kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong năm 2012, trong số gần 200 doanh nghiệp được kiểm tra trên địa bàn, có 67 trường hợp vi phạm về môi trường nghiêm trọng, bị phạt tiền gần 3 tỉ đồng. Đồng thời, Sở cũng đề xuất cưỡng chế, buộc tạm ngưng hoạt động đối với tám doanh nghiệp có hành vi tái phạm nghiêm trọng. Có thể nói, nếu không kiên quyết xử lý tận gốc, bài toán ô nhiễm môi trường ở TP.HCM vẫn mãi là nan giải.
Sản phẩm tái chế cũng đa dạng, từ bàn ghế cho đến những vật dụng văn phòng
Vì vậy, chiến dịch “Tiêu dùng sản phẩm xanh” từ khi ra đời đã nhận được sự quan tâm ủng hộ rất lớn của cộng đồng. Điều rất đáng mừng là giới trẻ nói chung đã và đang nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ môi trường sống. Sự phát triển của chương trình sẽ hình thành nên thói quen tiêu dùng mới trong xã hội là dùng sản phẩm có lợi cho môi trường và cho sức khỏe của người dân. Thói quen tiêu dùng này khi được thiết lập và nhân rộng sẽ tạo nên áp lực mới cho các doanh nghiệp để họ ngày càng tự giác hơn trong việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Dù khác nhau về hình thức, nhưng các dự án trên đều có chung mục đích là tác động đến ý thức của cả cộng đồng, tới nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội nhằm hướng đến tiêu dùng xanh, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, chiến dịch tiêu dùng xanh những năm qua vẫn còn hơi nặng về tuyên truyền, thiếu những hoạt động thiết thực. Chị Kim Phương, khách hàng của Co.op Mart nói: “Do thường đi siêu thị nên tôi có biết về chương trình này. Tuy nhiên, các sản phẩm xanh chưa thật phong phú để khách hàng lựa chọn”. Chị còn bày tỏ thắc mắc là sản phẩm xanh chỉ được phân phối ở siêu thị, khi cần mua tại các cửa hàng tạp hóa thì hầu như không có. Đó cũng là ý kiến mà các doanh nghiệp xanh nên quan tâm để mở rộng mạng lưới tiếp thị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sản phẩm xanh của người tiêu dùng.
Thay mái tôn bằng sản phẩm tấm lợp tái chế thân thiện với môi trường cho trường học
Các tình nguyện viên sau những lần tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của người dân cũng đã tiếp thu, đề xuất sáng kiến và những dự án mới gần gũi, thiết thực hơn với đời sống người dân, chẳng hạn các dự án “Ngày cộng đồng sống xanh”, “Vũ điệu hành động xanh”, “Tôi yêu rác”, “Mái trường sinh thái”… kêu gọi giới trẻ chung tay hành động vì môi trường. Đó là những việc thay mới mái nhà cho trường học nghèo ở các quận huyện ngoại thành bằng tấm lợp được tái chế từ vỏ hộp sữa, lắp đặt thùng rác được sản xuất từ vỏ hộp sữa tái chế cho các công viên kết hợp vận động người dân xả rác đúng nơi quy định, vận động cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh đã được cấp chứng nhận để tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp xanh…
Với những dự án có tính thực tiễn cao trên, hy vọng chiến dịch “Tiêu dùng sản phẩm xanh” ngày càng đi vào chiều sâu, được người người, nhà nhà quan tâm thực hiện và tiêu dùng sản phẩm xanh, tiêu dùng vì một tương lai phát triển bền vững sẽ trở thành nếp sống văn minh quen thuộc không chỉ của người Sài Gòn, mà của người dân khắp mọi miền.
[note color=”#b9b7af”]Cuộc thi tuyên truyền vận động giảm sử dụng túi nylon
Hưởng ứng chương trình giảm sử dụng túi nylon và nâng cao ý thức của các em học sinh nói riêng, của cộng đồng nói chung về tác hại của việc sử dụng và thải bỏ túi nylon, đồng thời vận động mọi người thay đổi thói quen sử dụng túi nylon trong đời sống hằng ngày bằng các sản phẩm có tính thân thiện với môi trường, Quỹ Tái chế chất thải thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hai cuộc thi sau:
Cuộc thi “Sáng tác kịch bản truyện tranh thiếu nhi có nội dung giảm sử dụng túi nylon” và cuộc thi “Video clip tuyên truyền giảm sử dụng túi nylon”. Mọi công dân Việt Nam đều có thể tham gia các cuộc thi trên, mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi. Yêu cầu với kịch bản truyện tranh được trình bày trên giấy A4, viết tay hay đánh máy và có thể kèm hình ảnh minh họa. Với video clip phải có thuyết minh hoặc lời bình kèm theo với độ dài tối đa là ba phút. Nội dung và hình thức thể hiện phù hợp với văn hóa của người Việt Nam.
Tác phẩm dự thi kèm đầy đủ thông tin của tác giả và thông tin liên hệ (tên, địa chỉ, số điện thoại, email) gửi về ban tổ chức đến hết ngày 24-6-2013 theo cách:
- Nộp tác phẩm dự thi trực tiếp hoặc gửi bằng đường bưu điện về:
- Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM – Sở Tài nguyên và Môi trường
- 63 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
- Gửi bằng địa chỉ email: giamsudungtuinilong@gmail.com
Các giải thưởng bao gồm:
- – Một giải nhất: cờ lưu niệm và giải thưởng tương đương 3.000.000đ
- – Hai giải nhì: cờ lưu niệm và giải thưởng tương đương 1.500.000đ
- – Ba giải ba: cờ lưu niệm và giải thưởng tương đương 1.000.000đ
- – Năm giải khuyến khích: cờ lưu niệm và giải thưởng tương đương 500.000đ.
Bài Ngân An
Ảnh Lê Vân