Cha mẹ nào cũng mong muốn rất nhiều điều cho con mình: muốn con hạnh phúc, thành công, học tốt ở trường và chuẩn bị tốt hơn để bước vào đời, thậm chí làm được nhiều điều to tát, trở thành nhân vật tiếng tăm trong xã hội. Nhưng không có gì quan trọng cho bằng những đứa trẻ khi lớn lên sẽ thành người tử tế.
Sự tử tế có tầm ảnh hưởng rất lớn và là “thuốc giải độc” cho nhiều điều sai trái trong thế giới ngày nay. Nhiều nghiên cứu cho thấy chính sự tử tế và cảm thông là cách giúp mọi người thành công trong lãnh đạo. Thế nhưng, phụ huynh có thể không đặt nặng hoặc thậm chí bỏ quên, không củng cố đặc điểm tính cách này ở con trẻ.
Nhà tâm lý học chuyên về gia đình và trẻ em Richard Weissbourd (khoa Giáo dục Đại học Harvard) từng thực hiện dự án Making Caring Common nhằm lan truyền sự tử tế. Theo ông, có đến 80% trẻ cho biết cha mẹ thường quan tâm đến thành tích hoặc hạnh phúc của con hơn là chuyện con có biết quan tâm đến người khác hay không: “Cha mẹ tôi sẽ tự hào nếu tôi được điểm tốt ở trường hơn là khi tôi biết quan tâm đến người khác”.
Các phụ huynh đồng thời cũng là “người lãnh đạo” của con mình và họ nên làm gì để cải thiện điều này? Diễn giả, tác giả đồng thời là doanh nhân Scott Mautz đã kết hợp những nghiên cứu và trải nghiệm riêng của ông với lời khuyên của nhà tâm lý học Richard Weissbourd để đưa ra năm biện pháp sau đây.
Sự tử tế nên là một lẽ sống
Những ấn tượng nhỏ hằng ngày sẽ để lại một ấn tượng lâu dài, to lớn. Nếu như cần phải viết ra những giá trị sống cốt lõi trong một mảnh giấy, liệu bạn có thể làm được không? Câu hỏi lớn hơn là: Bạn có thể đưa sự tử tế vào bộ giá trị này và sống với nó mỗi ngày?
Cho con biết điều quan trọng nhất là con lớn lên thành người tử tế
Theo Richard Weissbourd, cha mẹ đừng quên khẳng định bằng lời nói với con trẻ: Điều quan trọng nhất là con lớn lên thành người tử tế. Quan điểm này cũng giúp trẻ cân bằng giữa nhu cầu cá nhân với nhu cầu của người khác và đòi hỏi cha mẹ giữ cho trẻ tuân theo những tiêu chuẩn đạo đức cao. Chẳng hạn, Weissbourd cho biết ông và vợ yêu cầu con gái của họ phải cân nhắc những nghĩa vụ với người khác trước khi quyết định ngừng bất cứ hoạt động nào mà cô bé đã đăng ký. Nhà tâm lý học này cũng gợi ý các phụ huynh phải chắc chắn rằng con của họ luôn nhìn người khác với thái độ tôn trọng, cho dù bản thân có đang mệt mỏi hoặc giận dữ.
- Xem thêm: Người giúp việc và nhân cách trẻ con
Mở rộng phạm vi quan tâm của trẻ
Mọi đứa trẻ đều bắt đầu với một vũ trụ nhỏ bé. Công việc của cha mẹ là giúp trẻ mở rộng phạm vi để đón nhận một người bạn mới đến từ nơi khác, người hàng xóm lớn tuổi hoặc những người kém may mắn hơn. “Trẻ cần nhìn sâu vào và nhìn rộng ra”, Weissbourd giải thích. Nghĩa là trẻ cũng phải cân nhắc những gì người xung quanh nói và cần – đặc biệt là những người dễ tổn thương hoặc không giống mình (về sắc tộc, xuất thân, văn hóa…). Học cách cân nhắc xem quyết định của mình ảnh hưởng thế nào đến người khác là chuyện quan trọng.
Giúp trẻ kiểm soát các cảm xúc độc hại và tránh những hành vi ích kỷ
Phụ huynh cũng cần thực hành điều này. Giận dữ, ganh tỵ và những cảm xúc tiêu cực tương tự có thể đẩy bất cứ ai vào lối cư xử không như mong muốn. Trẻ cần biết rằng mọi cảm xúc là tự nhiên nhưng không phải cách kiểm soát cảm xúc nào cũng ổn. Một phương pháp lâu đời giúp xoa dịu cơn giận: dừng lại, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng, đếm từ 1 đến 5. Đây là bài tập đơn giản mà phụ huynh có thể cùng tập với con.
- Xem thêm: Thất bại lớn nhất của cha mẹ: Chu cấp đầy đủ cho con cái nhưng lại không dạy chúng lòng biết ơn
Liên tục thực hành
Giống như việc hình thành bất cứ thói quen nào, việc lặp lại hằng ngày là rất quan trọng. Đặc biệt là khi trẻ thực hành tri ân. Theo Weissbourd, nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn cũng thường rộng lượng, dễ tha thứ, hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.