Chính tay mình nuôi con thì thật an tâm, thật hạnh phúc. Nhưng cáng đáng hết mọi việc, vừa lo nội trợ vừa chăm con vừa đi làm thì quá sức mình. Kinh tế gia đình cũng thoải mái nên việc tìm thêm một người giúp việc là giải pháp được thông qua dễ dàng.
Chưa ai buộc chúng ta chọn người giúp việc phải được tốt nghiệp khoa dưỡng nhi hay sư phạm, nhưng lại cần người siêng năng, thành thật và sạch sẽ. Biết đọc, biết viết càng tốt, không cần thông thạo tứ thư ngũ kinh hay giải phương trình bậc hai, bậc ba làm gì. Chuyện gia đình suôn sẻ như trong mơ.
Con trẻ hay ăn chóng lớn. Mọi người trầm trồ. Đến một ngày khi để bé một mình, bé khóc thét lên, bé sợ! Sợ ma, sợ ông kẹ. Hóa ra để bé biết vâng lời khi ăn, khi ngủ, khi chơi đúng ý mình, chị giúp việc đã kêu gọi đến những nhân vật bí ẩn kia.
Có thể tập cho trẻ biết vâng lời bằng hình thức dọa dẫm như vậy không? Chúng ta trả lời là không, nhưng xưa nay ông bà ta vẫn làm thế và chị giúp việc cũng làm theo như vậy, có gì sai?
Kiểu đối xử như thế sẽ hình thành một thái độ tuân phục mà không cần hiểu, chỉ vì sợ hãi. Bé mất tính tự giác, tự chủ, bé rụt rè trong việc nêu sáng kiến và triệt tiêu ý chí sáng tạo ngay trong những nhiệm vụ của mình. Từ đó, bé cũng không có khái niệm “cần phải” làm gì, cho ai, mà đó là nền tảng cho ý thức trách nhiệm nảy nở sau này. Khi không có khả năng xác định được những tiêu chuẩn của tốt và xấu thì làm sao ý thức đạo đức phát triển.
Trong một tập thể ban đầu là gia đình, bé học những kinh nghiệm từ mối giao tiếp với vài người thân chung quanh. Nề nếp, tính tự lập, khả năng khéo léo, sáng tạo được tập từ những lao động giản đơn của bé có vẻ không hợp với nhiệm vụ ăn lương của người giúp việc. Chị có mặt để không cho bé té, dọn dẹp đồ chơi bé bày bừa, đút bé ăn, tắm rửa, mặc quần áo, mang giày dép… cho bé. Khổ nỗi, những điều đó dạy cho bé tính lệ thuộc, đãng trí hơn là tính độc lập, tập trung.
Thoạt đầu là như thế đó và chúng ta không thấy có gì quan trọng lắm. Bé đi mẫu giáo, về đến nhà là vứt tung giày dép, cặp sách, đã có người dọn. Lên mâm cơm, ăn ngay, tha hồ chọn lựa, vòi vĩnh, bé con đói bụng cần món ngon. Anh bận rộn, chị đi làm, anh chị hay ăn cơm khách nên mọi việc đã có người giúp việc lo chu đáo, nuông chiều cô, cậu chủ. Đến một ngày bé theo ba đến sở, có máy vi tính cho bé chơi game, các cô chú phụ lo cho bé lúc ba bận việc. Như ở nhà, bé tha hồ chơi và vòi vĩnh.
Ngày khác bé theo mẹ, mẹ bé chợt nhận ra rằng bé không biết chủ động chào cô chú, khi mẹ nhắc, bé lúng búng trong miệng. Mẹ cười vui thanh minh rằng bé mắc cỡ, chưa quen. Những chuyện ban đầu tưởng là nhỏ nhặt như thế, ta nghĩ rằng bé còn nhỏ dại, rồi bé sẽ lớn khôn. Lớn như thế nào đây, khi cái nền móng cho nhân cách được xây như thế. Đặt một yêu cầu có thiện ý cho trẻ chính là tập cho trẻ một ý thức trách nhiệm đầu tiên và không bao giờ là quá sớm.
Trẻ rất nhạy bén trong việc xác định tầm quan hệ của những người chung quanh và biết đối xử đúng cách. Khi thằng cháu của tôi muốn đòi mua một bộ đồ chơi mới nhưng chưa phải lúc, ba mẹ thì không chịu tất nhiên nó không quay sang chị giúp việc mà quay sang bà nó nằn nì, nhỏ to bất chấp cái nhìn nghiêm khắc của ba mẹ.
Tôi hỏi tại sao lại là bà, câu trả lời của cu cậu là vì bà chiều nó hơn, vì bà lớn hơn ba mẹ, nên ba mẹ phải nghe lời bà. Như vậy, nó đã biết lợi dụng địa vị của bà và nếu bà nhận lời, cũng có nghĩa là nó không phải chịu trách nhiệm về hành động không vâng lời cha mẹ.
Tương tự như vậy, địa vị, thái độ phục tùng chiều chuộng của người giúp việc làm cho bé biết rằng bé có thể lợi dụng, điều khiển chị trong việc phục vụ các thói hư của mình. Chị sợ ba mẹ bé và bé lợi dụng điều đó, chị là một đồng minh trong việc giấu ba mẹ về những thói hư của cậu. Trong bé đã hình thành một tính cách có hai mặt. Trường hợp này ta thường gặp nơi các cô cậu quý tử và các cuộc quậy phá với bạn bè. Hay trong những con người cơ hội, gió chiều nào che chiều đó. Các bậc cha mẹ chỉ thường thấy trước mắt bộ mặt đáng yêu ngoan ngoãn của con mình.
Đạo đức toàn diện ở trẻ chỉ được hình thành trong gia đình nề nếp thống nhất và phát triển trong một tập thể bạn bè cùng trang lứa. Những cái “tôi muốn” và cái “tôi cần phải” được rèn luyện, kiềm chế trong môi trường tập thể lành mạnh: trường học, mà thầy cô giáo phải là những hạt nhân của kiến thức và đạo đức.