Châm cứu đã trở thành một phần quan trọng của y học hiện đại, không chỉ để chữa trị các bệnh thông thường như đau đầu, mất ngủ, đau lưng, mất tiếng, sốt…, mà cả những bệnh nan y như liệt do tai biến mạch máu não, bán thân bất toại do viêm màng não, tổn thương tủy sống.
Đặc biệt hơn, ngành châm cứu Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật châm tê để tiến hành hơn 100 ngàn ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp. Vì sao chỉ ứng dụng các nguyên lý về vật lý, hóa học và sinh lý học, không cần dùng thuốc mà châm cứu lại có hiệu quả như vậy trong tiêu trừ bệnh tật?
Liệu châm cứu có thể chữa những bệnh mà Tây y xem là không thể chữa khỏi? Buổi trò chuyện với GS-TSKH Nguyễn Tài Thu – Chủ tịch hội Châm cứu Việt Nam, Phó chủ tịch Liên hiệp Châm cứu thế giới sẽ phần nào giải đáp những thắc mắc này.
Thưa giáo sư, có phải châm cứu là sự kết hợp của hai hình thức chữa bệnh khác nhau?
Cũng có thể hiểu như vậy, vì châm là dùng kim châm vào các huyệt, còn cứu là dùng lá ngải cứu khô vê thành điếu ngải để đốt và hơ trên các huyệt vị ở các kinh lạc.
Theo y học cổ truyền phương Đông, con người có 12 tạng phủ (phế, đại trường, vị, tỳ, tâm, tiểu trường, bàng quang, thận, tâm bào, tam tiêu, đởm, can). Các cơ quan đó tạo thành một thể thống nhất và liên hệ với nhau qua hệ kinh lạc.
Kinh là đường khí chạy từ trên xuống dưới và ngược lại. Lạc là những nhánh phân ra từ đường kinh đề lưu thông máu khắp cơ thể. Kinh lạc là nơi khí huyết tuần hoàn để nuôi dưỡng các cơ quan, duy trì hoạt động của cơ thể. Khi công năng của hệ kinh lạc bị trở ngại, gây kinh khí không thông suốt thì dễ bị ngoại tà xâm nhập và gây bệnh.
Nếu biết kích thích hợp lý và chính xác vào các huyệt vị thích ứng trên các kinh lạc thì sẽ tiêu trừ các hiện tượng bệnh lý để chữa bệnh.
Hình như trong điều trị bệnh thì châm phổ biến hơn cứu?
Châm và cứu đều nhằm mục đích điều hòa khí huyết, thông kinh hoạt lạc để chữa bệnh. Tuy nhiên, châm thường sử dụng cho những bệnh nóng (nhiệt) còn cứu dùng chữa bệnh vì lạnh (hàn) hoặc quá yếu (hư). Ở những nơi có thời tiết lạnh như miền Bắc nước ta hoặc Trung Quốc, các thầy thuốc sử dụng châm là chủ yếu, còn ở phía Nam thì hầu như vận dụng cả châm lẫn cứu.
Việc chẩn đoán bệnh hẳn cũng phải dựa trên hệ kinh lạc?
Đúng vậy! Chẩn đoán dựa trên hệ kinh lạc gọi là kinh lạc chẩn. Đường kinh lạc nối liền với tạng phủ, nối với những vị trí nhất định của cơ thể. Căn cứ vào những thay đổi cảm giác (đau, tức, chướng) điện sinh vật trên đường đi của kinh mạch, thầy thuốc chẩn đoán bệnh thuộc tạng phủ nào, chẳng hạn như nhức đầu vùng đỉnh do can, đau nửa bên đầu do đởm…
Ngoài ra, người ta còn đo thông số điện sinh vật của các tỉnh huyệt (huyệt tận cùng đầu chi của các kinh) hay nguyên huyệt (huyệt chính của một đường kinh) bằng máy dò kinh lạc để chẩn đoán bệnh…
Được biết giáo sư và Hội Châm cứu Việt Nam đã phát triển tân châm trong chữa các bệnh hiếm khi chữa khỏi trong đó có câm điếc, di chứng bại liệt, liệt do tổn thương tủy sống… Vậy tân châm khác với phương pháp châm cổ truyền ở chỗ nào?
So với phương pháp châm cũ thì tân châm kích thích mạnh và liên tục hơn. Bệnh nhân được châm sâu vào các huyệt, xuyên từ huyệt này sang huyệt khác.
Ngoài tác động vào những huyệt cổ điển, tân châm còn tác động đến cả các huyệt ngoài đường kinh mà chúng tôi mới phát hiện sau này. Tân châm không chỉ sử dụng những cây kim nhỏ (hào châm), mà kết hợp sử dụng với các kim dài nhỏ (trường châm) và kim dài to (cự châm). Có khi phải kết hợp cả tiêm thêm thuốc phục hồi kinh – cơ (thủy châm).
Trong tân châm, thầy thuốc không kích thích vào các huyệt bằng tay, mà dùng các xung điện đều và chuẩn phát ra từ máy điện châm.
Xin giáo sư giải thích rõ hơn về nguyên lý chữa bệnh bằng thủy châm?
Thủy châm là vừa kết hợp châm kim vừa tiêm thuốc vào kinh huyệt, giúp cơ thể hấp thụ thuốc nhanh, nhờ đó bộ phận bị bệnh được tác động mạnh.
Thủy châm dựa trên nguyên lý là cùng một loại thuốc, nếu tiêm vào huyệt vị thì tác dụng mạnh hơn tiêm dưới da hoặc tiêm vào cơ bắp. Khi tiêm vào huyệt vị có thể tạo nhiều tác dụng dược lý khác nhau.
Chẳng hạn bệnh nhân bị đau bụng có thể bị hạ huyết áp. Khi dùng Adrenalin thủy châm vào huyệt đạo phù hợp thì vừa chữa khỏi đau bụng đồng thời phòng ngừa nguy cơ hạ huyết áp. Dùng vitamin B1 thủy châm vào các huyệt phù hợp có thể giúp bệnh nhân hết đau đầu, điều trị chứng mất ngủ, lại còn giúp điều hòa và hồi phục chức năng của hệ thần kinh.
Ngoài đau đầu, mất ngủ, đau bụng thì hẳn thủy châm còn có những tác dụng điều trị khác?
Các bệnh thường gặp mà thủy châm chữa rất tốt là rối loạn tiền đình, khó thở, rối loạn nhịp tim, nôn ói, táo bón, sốt cao, co giật – động kinh, đau đầu mất ngủ, đau thần kinh tọa, liệt dương, rối loạn thần kinh thực vật, huyết áp cao, hen suyễn, đau dạ dày – tá tràng, viêm tử cung…
Có một bệnh mà y học hiện đại cho rằng không thể chữa khỏi là bệnh tự kỵ ở trẻ em, vì chỉ có thể chữa các triệu chứng động kinh, mất ngủ đi kèm mà thôi. Nhưng nhiều cơ sở y học cổ truyền khẳng định có thể chữa khỏi bệnh này bằng tân châm, vậy giáo sư nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trong Đông y, hội chứng tự kỷ được gọi là nuy chứng và có thể chữa khỏi bằng tân châm. Bản thân tôi đã từng chữa trị cho nhiều trẻ bị nuy chứng và thu được kết quả khả quan.
Trong 12 tạng phủ, thì đởm (thần kinh) là cơ quan trung tâm, giữ vai trò chính trong điều khiển năng lượng và hỏa khí của các tạng phủ khác. Nguyên nhân của nuy chứng là do đởm bị tác động bởi nhiệt, khí lạnh, trúng gió… gây rối loạn khí huyết, làm tổn thương chức năng của não tủy, khiến cho bệnh nhi bị mất đi sự nhận thức, ý chí và cả tình cảm (nói không được, nghe không hiểu, không tiếp xúc được với cuộc sống…), nhiều trường hợp còn bị thêm chứng liệt chân tay, liệt cơ…
Nếu điều trị trẻ bị nuy chứng bằng tân châm sau khoảng thời gian từ sáu tháng đến không quá một năm thì sự thuyên giảm độ nặng của các dấu hiệu lâm sàng chính về kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng ngôn ngữ và các hành vi bất thường sẽ rất rõ ràng so với trước khi điều trị.
Được biết trong các phương pháp tân châm, châm tê đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong hơn 60 loại phẫu thuật và chưa xảy ra tai biến nào. Xin giáo sư đề cập sâu hơn một chút về phương pháp này?
Châm tê là phương pháp dùng kim châm vào một huyệt để nâng cao ngưỡng đau, giúp người bệnh có thể chịu đựng được cuộc mổ trong trạng thái tỉnh. Châm tê là sự kích thích cơ học, hoàn toàn không sử dụng thuốc mê nên bệnh nhân gần như hoàn toàn tỉnh táo, có thể trò chuyện với mọi người xung quanh trong quá trình phẫu thuật. Hơn nữa, những biến đổi về sinh lý của người bệnh không đáng kể nên sức khỏe sẽ phục hồi nhanh chóng sau phẫu thuật.
Châm tê đã được các bác sĩ ứng dụng trong các loại phẫu thuật nào?
Châm tê phẫu thuật ứng dụng từ chuyên khoa về năm giác quan (ngũ quan) như: cắt amidal, nhổ răng hàm mọc lệch, mổ mắt, mổ tai, nạo xoang… đến ngoại khoa như mổ ruột thừa, thoát vị bẹn, mổ lấy sỏi thận, sỏi bàng quang, cắt thận, mổ bướu…
Ngoài ra, châm tê sử dụng trong phẫu thuật điều trị các vết thương chiến tranh như đa chấn thương phần mềm (da, dưới da, thần kinh, mạch ngoại vi tay chân), chấn thương xương khớp (nạo dò viêm xương tay chân, ghép xương, đóng đinh nội tủy, tái tạo khớp háng, mổ sọ não).
Trong lần nói chuyện mới đây ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP. Hồ Chí Minh), giáo sư đã giới thiệu về phương pháp mãng châm với cây kim dài đến 90cm, có tác dụng chữa được nhiều bệnh nan y hơn. Đây có phải là một phương pháp châm mới được phát hiện trong ngành châm cứu?
Phương pháp mãng châm đã có từ rất lâu đời nhưng mãi đến thế kỷ XX mới được sử dụng trở lại. Ngành châm cứu Việt Nam đã nghiên cứu và phát triển cây kim có độ dài từ 70 đến 90cm như ngày nay.
Mãng châm là kỹ thuật dùng cây kim to và dài để châm kim theo huyệt đạo, rồi đẩy kim qua nhiều huyệt trên cùng một hoặc trên hai đường kinh để giúp thông kinh (thông các huyệt đạo trên một đường kinh), liên kinh (thông huyệt đạo ở hai đường kinh) và thấu kinh (thông các huyệt đạo giữa các khe xương của tứ chi).
Với kỹ thuật tinh vi như vậy, mãng châm hẳn là được sử dụng để chữa trị đa dạng các chứng bệnh?
Từ năm 1958, chúng tôi đã vận dụng mãng châm để điều trị cho bệnh nhân liệt tứ chi do tổn thương cột sống, chấn thương sọ não, viêm não, viêm tủy, tai biến mạch máu não ở người cao tuổi.
Hiện nay, mãng châm được sử dụng trong điều trị các bệnh như sau:
- Trúng phong với các chứng trạng như hôn mê, tay chân tê liệt, bán thân bất toại, liệt mặt (méo miệng, mắt không khép kín), lưỡi cứng, mất tiếng…
- Chứng tý (khí huyết không thông) vốn gây đau nhức tê ở các khớp, đau cơ, đau đốt sống cổ, đau ngang lưng, đau thần kinh tọa, đau viêm khớp.
- Chứng nuy với các chứng trạng như teo cơ, bại liệt, liệt do viêm não, teo não.
- Các chứng bệnh tinh thần như: chứng tâm thần phân liệt, suy nhược thần kinh…
- Một số bệnh khác, ví dụ não chậm phát triển ở trẻ em, hen suyễn, liệt dương, béo phì, bướu lành, mất ngủ, viêm loét dạ dày – tá tràng, giảm hoặc mất thị lực…
Nếu không thể ra Hà Nội để được châm cứu ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bệnh nhân nên đến đâu để được điều trị về châm cứu?
Ngành châm cứu nước ta đã phát triển nên tôi tin các bác sĩ ở các bệnh viện, khoa y học cổ truyền đều thực hành châm cứu rất tốt, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh. Bản thân tôi đã và đang thực hiện ba, bốn lớp truyền nghề châm cứu mỗi năm cho các bác sĩ trên khắp cả nước. Tôi tin là các thầy thuốc tại các địa phương sẽ giúp giữ gìn và phát triển ngành chữa bệnh này.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện!