Tel Aviv cũng lên tiếng kêu gọi Washington đừng do dự trong việc can thiệp vào cuộc nội chiến Syria. Các tuyên bố của Israel có hàm ý nhắc lại lập trường của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào mùa hè năm trước rằng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ” mà Syria không thể vượt qua.
Lời tuyên bố của Israel ngay lập tức nhận được phản hồi từ phía Washington. Một giới chức của Nhà Trắng khẳng định là các cơ quan tình báo Mỹ chưa phát hiện những bằng chứng có sức thuyết phục về cuộc tấn công ngày 19-3 và nhiều cuộc tấn công lẻ tẻ khác, trong đó chính phủ Syria bị tố cáo sử dụng khí sarin, một loại khí gây chết người mà phương Tây tin là Syria đang tồn trữ rất nhiều. Sự dè dặt của Washington không phải là không có lý do. Bằng chứng mà Tel Aviv trưng ra chỉ là một sốảnh chụp những người Syria bị “sùi bọt mép”, đồng tử co lại, dấu hiệu của việc nhiễm sarin, loại khí độc đã được dùng tấn công vào hệ thống xe điện ngầm Tokyo năm 1995 làm chết 13 người. Về phần mình, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) yêu cầu phải khảo sát về sự hiện diện của chất độc hóa học trong các mẫu đất, nước tiểu và tóc lấy tại nhiều nơi quanh Damascus mới có thể kết luận về việc Syria có sử dụng vũ khí hóa học hay không. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là Mỹ bỏ ngoài tai lời cảnh báo nghiêm túc của người đồng minh thân thiết tại Trung Đông.
Cuộc nội chiến tại Syria diễn ra trên từng góc phố
Cũng trong ngày 23-4, tại hội nghị các ngoại trưởng Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc giục NATO xét lại vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng Syria, trong đó có việc chuẩn bị thế nào để đối phó với nguy cơ tiềm tàng của vũ khí hóa học. Đáp lời ông Kerry, Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen, cho rằng tổ chức này “quan tâm triệt để vấn đề sử dụng tên lửa đạn đạo tại Syria và khả năng sử dụng vũ khí hóa học” của nước này. Ông cho biết thêm là NATO cũng quan tâm đến nguy cơ các cuộc xung đột về vấn đề biên giới của Syria và đảm bảo rằng “chúng tôi sẵn sàng bảo vệ các đồng minh, trong trường hợp này là Thổ Nhĩ Kỳ, một láng giềng của Syria. Chúng tôi sẵn sàng mọi kế hoạch đảm bảo sự bảo vệ hữu hiệu đối với Thổ Nhĩ Kỳ”. Trước đó, NATO cũng đã gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ các tên lửa Patriot có tác dụng bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo phóng đi từ Syria. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, hầu như phản ứng của NATO cũng chỉ mới đến mức đó. Họ cho rằng chưa tới lúc phải can thiệp vào cuộc nội chiến Syria.
Từ thời điểm xảy ra xung đột (tháng 3-2011) đến nay, đã có trên 70 ngàn người thiệt mạng và hơn một triệu người Syria phải ra nước ngoài tị nạn, tạo thêm gánh nặng cho các nước Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Cũng tại hội nghị, nước Nga – một đối tác quan trọng của NATO cũng khẳng định lập trường của mình. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov xác định là các cuộc điều tra về việc vũ khí hóa học có được sử dụng ở Syria hay không cần có sự tham gia của các chuyên gia. Ông cũng cho biết thêm là vào tháng 3-2013, sau khi hai bên xung đột cùng tố cáo nhau đã sử dụng vũ khí hóa học, cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc đã bị chính trị hóa khi thay vì cử chuyên viên đến khảo sát tại các địa điểm liên hệ, các nhà điều tra đòi phải được tiếp cận mọi cơ sở trong nước và phỏng vấn mọi công dân Syria.
Lê Nguyễn tổng hợp