Trong cuộc triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1 – từ 23-4 đến 6-5), những vùng biển ở thềm lục địa Việt Nam, những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài khơi xa và Phú Quốc, Côn Đảo gần gũi, thân quen; những cửa biển Lộc An, Sông Đốc, Cà Mau…
Cùng những sinh hoạt thường ngày ở các vùng biển Việt Nam được đưa vào tranh ở nhiều góc nhìn khác nhau. Đó là những giàn khoan dầu sừng sững trước sóng to gió cả biển Đông (Biển- Nguyễn Trí Minh Tuyết); là những chiếc thuyền đánh cá đã về bến sau chuyến đánh bắt xa bờ và gia đình người ngư dân đang trải qua một ngày bình yên (Biển rộng- Trần Quốc Tuấn); là một phiên chợ sáng tấp nập người mua kẻ bán ngay trên bãi biển khi thuyền về tôm cá đầy khoang (Một ngày mới- Trần Văn Hải); là những con tàu đang hướng đến những ngư trường giàu hải sản (Chuẩn bị ra khơi- Dương Sen)… Hay đơn giản hơn chỉ là những chú chim hải âu tìm mồi lăng xăng trên bờ cát (Yên bình- Nguyễn Dũng An Hòa), một vùng rừng hoang sơở hòn Bảy Cạnh của Vườn quốc gia Côn Đảo (Rừng ngập mặn hòn Bảy Cạnh- Đặng Thị Dương), một vùng biển lúc hoàng hôn với ráng chiều trên mặt nước (Biển chiều- Phan Thái Hoàng) hay những chùm ký họa Trường Sa của Phan Oánh, ký họa Côn Đảo của Thái Tuấn Hoàng, Huỳnh Thị Kim Tiến…
Nhưng làm nên “hồn vía” của cuộc trưng bày là những tác phẩm được kể bằng giọng điệu mới, cách nhìn mới về biển đảo, ở đó không thể vắng hình ảnh người lính bám biển, gìn giữ từng tấc đất của đảo quê hương. Dù chủ đề của đợt vận động sáng tác dễ khiến người vẽ bị công thức hóa, nhưng các tác giả còn trẻ như Mai Anh Dũng, Siu Quý, Trần Minh Tâm, Phan Đình Phúc, Trần Vinh, Trần Quốc Tuấn… đã cho thấy năng lực tạo hình, kỹ thuật thể hiện và sự sáng tạo của họ. Ở bức Đảo xa của Trần Minh Tâm, hòn đảo ngoài khơi Tổ quốc đã trở thành một khối đá linh thiêng, vĩnh cửu với chân dung người lính biển được tạc vào. Còn trong Cây bàng vuông của Siu Quý thì người chiến sĩ Hải quân đã hóa thân thành cây bàng vuông kiên cường trên đảo Phong Ba, sẵn sàng đối đầu với sóng gió và cả những thế lực xâm lược. Trong tranh Siu Quý còn có những hàng bàng cổ thụở Côn Đảo đang xòe tán trong một Vũ điệu bất khuất. Phan Đình Phúc thì trừu tượng hóa những tọa độ biển đảo quê nhà trong bộ đôi tranh Hoàng Sa không xa, Trường Sa không xa… Nói cách khác, tranh của họ dù diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng tất cả là một thông điệp chung về tình yêu đất nước. Theo đánh giá của họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh: “Đây là kết quả của cuộc vận động sáng tác về đề tài biên giới, biển đảo đối với các họa sĩ trẻ. Có thể thấy đa số các tác phẩm đạt chất lượng tốt, cách nhìn về đề tài biển đảo mang tính sáng tạo, phong phú”.Chính vì thế mà Hội đồng nghệ thuật của Hội đã chọn tám tác phẩm của các tác giả trẻ nêu trên để đưa vào danh sách đầu tư sáng tác.Còn họa sĩ Siu Quý, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh thổ lộ: “Chúng tôi đã vẽ được nhiều ký họa cũng như tác phẩm hội họa sau nhiều đợt đi thực tế sáng tác ở Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo… Vẽ về đề tài biển đảo quê hương cũng là cách các họa sĩ trẻ thể hiện trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ đất nước hiện nay”.
Trong tập trường ca nổi tiếng Những người đi tới biển của nhà thơ Thanh Thảo có những câu “Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển/ Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến/ Mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay…”. Bằng những bức tranh biển đảo, các họa sĩ đang “nhoài ra phía biển” để “ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến”.
- Như Hoa