Trong các quốc gia tham gia CPTPP, Canada là một trong những nước có mức cam kết mở cửa thị trường cao nhất, với hàng nghìn dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trở về 0%.
“Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam-Canada” là nội dung hội thảo do Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 25/4 tại Hà Nội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm được các thông tin về cam kết cũng như khả năng tận dụng Hiệp định CPTPP đối với doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Canada.
Ông Tạ Hoàng Linh-Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ cho biết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 1 năm 2019, là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các FTA đã có, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng.
Trong số các quốc gia tham gia CPTPP, Canada là một trong những nước có mức cam kết mở cửa thị trường cao nhất, với hàng nghìn dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trở về 0%, với mức cắt giảm thuế lên tới 95% số dòng thuế, bao trùm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada.
Bên cạnh đó, Canada là 1 trong 3 nước thành viên mà Việt Nam chưa có thỏa thuận thương mại song phương. Cơ cấu sản phẩm của Việt Nam và Canada ít cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau.
Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội, CPTPP sẽ mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản.
Theo ông Jared Brading, Tham tán phụ trách phát triển-Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, Hiệp định CPTPP là một công cụ thay đổi cuộc chơi khi CPTPP tập hợp 11 quốc gia và kết hợp với nhau, chiếm 13,5% GDP và 495 triệu người tiêu dùng thế giới.
Việc triển khai CPTPP sẽ mang nhiều cơ hội thương mại và đầu tư hơn nữa giúp tăng cường quan hệ đối tác thương mại trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm công nghiệp.
Quan trọng hơn, CPTPP hứa hẹn sẽ cung cấp một môi trường giao thương dựa trên quy tắc thế hệ mới và sẽ giúp tạo ra các chuỗi giá trị mới trên toàn khu vực.
Ông Jared Brading nhấn mạnh thêm đối với Canada, thỏa thuận này giúp củng cố mối quan hệ với các đối tác FTA mới như Việt Nam và tăng thêm nhận thức của tiêu dùng Việt Nam với hàng hóa Canada tại Việt Nam. Qua đó, hi vọng hàng hóa Việt Nam sẽ gia tăng tại thị trường Canada.Hơn nữa, CPTPP sẽ cho phép các công ty Canada đầu tư cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong khuôn khổ viện trợ phát triển chính thức (ODA) để giúp các doanh nghiệp địa phương, nhất là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được hưởng lợi từ quá trình tự do hóa thương mại và thực thi CPTPP.
Đáng lưu ý, Trung tâm thương mại đầu tư và phát tiển Canada (CTIF) thuộc Chương trình tăng trưởng và thương mại Canada-châu Á sẽ phối hợp với Bộ Công Thương cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam về các quy định CPTPP và cơ hội tiếp cận thị trường Canada và các thành viên CPTPP khác.
Chia sẻ cam kết về thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam-Canada, bà Nguyễn Sơn Trà Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam hiện đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương với Canada. Hiệp định CPTPP có hiệu lực được coi là đòn bảy thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa hai nước.
Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực; trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thị trường Canada mang lại rất nhiều cơ hội để ta đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Cụ thể, một số ngành hàng được giảm thuế sâu, như 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản được hưởng thuế xuất 0% từ ngày 14/01/2019. Canada đang tiêu thụ 240 triệu USD hàng thủy sản từ Việt Nam. Thủy sản; trong đó chủ yếu là tôm, cá basa, cá ngừ đông lạnh … hiện đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn của Canada.
Thuế với đồ gỗ nội thất giảm ngay từ 9,5% xuống 0%, trừ ghế gỗ dùng trong nhà thuế giảm dần về 0% sau 6 năm; dệt may xóa bỏ 100% thuế vào năm thứ 4; chè, hạt tiêu, hạt điều đều hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Trong nhóm này, điều là mặt hàng chiếm giá trị lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu khoảng 108 triệu USD. Hạt tiêu chỉ đạt khoảng 10 triệu USD…
Cùng với đó, giày dép cũng là mặt hàng xuất khẩu có lộ trình giảm thuế sâu khi 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức hiện tại.
Theo thống kê, trong năm 2018, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Canada đạt kim ngạch trên 3,01 tỷ USD. Riêng tháng 1/2019, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 quốc gia đạt 379 triệu USD; trong đó xuất khẩu đạt 317 triệu USD./.