Tại Nam Á, ngoại trừ Ấn Độ, các nhà lãnh đạo khu vực này cũng đưa ra những tuyên bố mạnh về mối liên hệ giữa thay đổi khí hậu và an ninh quốc phòng. Riêng các nước nhỏ trong khu vực Thái Bình Dương, vùng biển Caribbean và Trung Mỹ đã lên tiếng báo động về những tai họa mà sự thay đổi khí hậu có thể mang lại cho đất nước họ.
Gần đây, một báo cáo hỗn hợp của Trung tâm Vì sự tiến bộ của nước Mỹ, Trung tâm Stimson và Trung tâm nghiên cứu vấn đề khí hậu và an ninh, cho thấy hiện tượng mùa màng thất bát do cả nạn hạn hán lẫn lụt lội ở nhiều nơi trên thế giới đã gây ra tình trạng thiếu thốn thực phẩm, dẫn đến nguy cơ bất ổn ở nhiều nước Ả Rập, mở đường cho những cuộc nổi dậy được mệnh danh là “Mùa xuân Ả Rập”. Trong báo cáo thường niên công bố vào trung tuần tháng 3-2013, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) cảnh báo rằng “những biến động cùng cực về thời tiết (lũ lụt, hạn hán, nóng nực) sẽ làm đổ vỡ thị trường thực phẩm và năng lượng, làm trầm trọng thêm sự suy yếu của nhiều nước, thúc đẩy sự di cư của nhiều người và làm phát sinh những cuộc bạo loạn, sự bất tuân trong cộng đồng dân cư và sự phá hoại”. Điều đáng tiếc là nhận thức về nguy cơ của sự thay đổi khí hậu đối với nền an ninh quốc gia và các biện pháp áp dụng có sự khác biệt ở mỗi nước. Trong số 32 nước chống lại quan điểm cho rằng sự thay đổi khí hậu tạo ra nguy cơ về an ninh, Ấn Độ và Brazil là hai nước đi đầu. Cả hai vừa phản kháng lại chủ trương của Pakistan và Anh muốn đưa sự thay đổi khí hậu vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nga và Trung Quốc cũng chống lại việc “an ninh hóa” vấn đề bằng cách đặt nó dưới sự phán xét của Hội đồng Bảo an, cho dù lãnh đạo hai nước này đồng tình với quan điểm cho rằng sự thay đổi khí hậu là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu.
Riêng các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và vùng biển Caribbean, luôn bị vây quanh bởi biển cả ngày càng dâng cao cùng với số lượng bão tố cũng xuất hiện thường xuyên hơn so với vùng đại lục, họ đã nhiều lần gióng lên hồi chuông báo động và được sự hỗ trợ của nhiều nước trong đó có Úc. Tình trạng nước biển dâng cao có thể sẽ buộc khoảng 10 triệu người dân Bangladesh di tản khỏi nơi cư trú của họ. Vấn đề là các cường quốc kinh tế và quân sự như Mỹ, Nga, Trung Quốc… cần có tiếng nói chung trong nhận định về mối nguy của thay đổi khí hậu toàn cầu và đưa ra những biện pháp đồng bộ, nhằm giúp cho những nước bị đe dọa nhiều nhất có cách phòng chống và hạn chế những tổn hại do thiên nhiên (và con người) gây ra.
Lê Cẩn tổng hợp