Về mặt lý thuyết có vẻ đơn giản vì máy tính và internet sẽ giúp loại bỏ giấy tờ, còn thẻ tín dụng, thẻ trả tiền trước và thanh toán điện tử sẽ làm cho tiền mặt không còn cần thiết nữa.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Dự trữ liên bang tại San Francisco (Hoa Kỳ) thì tiền mặt không chỉ giữ được vị trí của nó trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh, mà còn tăng thêm tính phổ biến. Hiện nay, lượng USD tiền mặt trong lưu thông tăng 42% so với năm năm trước bởi nhiều lý do, trong đó có sự tiện lợi, chuẩn xác và không để lộ nguồn gốc. Lý do quan trọng khác là chính sách duy trì lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội giữ tiền mặt so với các tài sản sinh lợi khác như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu hay công phiếu.
Nhiều nhà kinh tế tin rằng sự gia tăng tiền mặt có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển kinh tế ngầm, chẳng hạn các hoạt động bất hợp pháp về ma túy hoặc những người đi làm nhận lương bằng tiền mặt để trốn thuế. Bằng chứng cụ thể liên quan đến quan điểm này là nếu xem xét loại mệnh giá tiền được lưu giữ thì có đến 84% lượng tiền mặt tăng lên từ năm 1990 là loại mệnh giá 100 USD, năm 2012 đã tăng lên 77% tính theo giá trị trong lưu thông (năm 1990 mới chỉ 52%).
Ông Bartlett ít khi dùng giấy bạc loại có mệnh giá 100 USD và cũng ít thấy khách hàng sử dụng đồng tiền này trong các siêu thị. Lý do là khi mua sắm hàng có giá trị cao, những người tôn trọng luật pháp đều sử dụng thẻ tín dụng hay chi phiếu ngân hàng. Theo các nghiên cứu ở Mỹ, những người sử dụng tiền mặt có mệnh giá cao thường có mục đích bất chính, chẳng hạn như mua bán ma túy. Người ta có thể dễ dàng xếp tròn 1 triệu USD vào chiếc cặp xách tay đầy những tờ bạc có mệnh giá 100 USD. Một yếu tố quan trọng khác là sự gia tăng xuất khẩu đồng USD.Hậu quả của việc xuất khẩu USD ra nước ngoài là làm đảo lộn sự phân tích mối quan hệ giữa lưu lượng tiền tệ và hoạt động kinh tế. Nhiều người tin rằng lạm phát là do tăng lượng tiền trong lưu thông, mà cơ bản bằng tiền mặt, phần còn lại là tiền gửi ngân hàng, chi phiếu du khách và các dạng tiền tệ khác. Nhưng nếu phần lớn lưu lượng tiền tệ lưu hành ở nước ngoài thì việc phân tích mối quan hệ giữa lưu lượng tiền tệ và hoạt động kinh tế sẽ dẫn đến kết luận sai lệch.
Xuất khẩu tiền mặt được ghi nhận trong dữ liệu thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ dưới dạng tăng tài sản sở hữu từ nước ngoài nhưng có thể được xem là một nguồn tài trợ lớn cho thâm hụt cán cân vãng lai của nước này mà không tốn chi phí nào, tương tự như chuyện vay tiền từ người nước ngoài có thể sẽ không bao giờ hoàn trả với lãi suất bằng 0%.
Người nước ngoài nắm giữ USD cũng có cùng mục đích như dân Mỹ, có khi còn có động lực tốt hơn, nhất là tại các nước đang đối đầu với khó khăn tài chính như Cyprus và Hy Lạp. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp diển tại châu Âu làm cho đồng euro mất đi sự hấp dẫn, cho dù có lợi thế là mệnh giá lớn (500 euro đổi được 645 USD theo tỷ giá hiện nay), khiến đồng USD càng hấp dẫn hơn khi người ta thực hiện các thương vụ lớn bằng tiền mặt nhờ sự tiện lợi, gọn gàng. Tuy nhiên, một số nước thành viên của Liên minh châu Âu đã thu hồi các loại tiền có mệnh giá lớn của Hoa Kỳ, xem đó như một biện pháp chống tội phạm, nhưng điều éo le là điều này càng làm tăng xu hướng tìm kiếm những tờ bạc 100 USD.
Theo nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, có đến 65% tiền mặt loại mệnh giá 100 USD đang trôi nổi ở ngoài nước này.
Thiên Bảo theo NYT, 9-4-2013