Các phân tích của EIA cho thấy đa số các mỏ mà trữ lượng đã được chứng thực đều tập trung ở những khu vực không tranh chấp ở Biển Đông, tức gần bờ biển của các quốc gia duyên hải và không gần các hòn đảo đang tranh chấp.
Một cách cụ thể, EIA trích dẫn các nguồn tin công nghiệp cho biết là tại các mỏ gần quần đảo Trường Sa, phía tây của miền Nam Philippines, trữ lượng được chứng thực hay được coi là có thể có, hầu như là không có đối với dầu mỏ, còn khí đốt thì chỉ bằng không đầy 100 tỉ feet khối mà thôi.
Lắp chân đế giàn khoan mỏ Đại Hùng 2 trên Biển Đông của Việt Nam
Tại vùng quần đảo Hoàng Sa, gần bờ biển phía Đông Việt Nam, tình hình còn tệ hại hơn: dầu mỏ hoàn toàn không thấy, trong lúc khí đốt lại ít hơn rất nhiều.
Trường Sa là khu vực dù ít tiềm năng dầu mỏ nhưng lại dồi dào khí đốt tự nhiên (khoảng 100 tỉ feet khối, tương đương 2,8 tỉ m³). Tuy nhiên, khu vực ven các đảo Trường Sa (đặc biệt là Bãi Cỏ Rong hiện Trung Quốc đang lăm le muốn chiếm trọn) lại tiềm ẩn các túi khí hydrocarbon vẫn chưa được khám phá. Việt Nam là nước đầu tiên thăm dò vào năm 1970 và phát hiện ra khí đốt vào năm 1976. Mặc dù các tập đoàn năng lượng của Mỹ và Anh đã có ý tham gia vào năm 2002 và 2005 nhưng kế hoạch đã bị đình trệ do phía Trung Quốc quấy phá bằng nhiều cách khác nhau.
Tính chung, theo EIA, cả vùng Biển Đông có khoảng 11 tỉ thùng dầu và 190 ngàn tỉ feet khối khí đốt (tương đương với 33 tỉ thùng dầu) nằm trong diện đã được chứng thực hay được xem là có thể có. Mức này tương tự với trữ lượng dầu mỏ đã được chứng thực của Mexico và bằng khoảng hai phần ba trữ lượng khí đốt đã được xác minh ở châu Âu (không tính đến Nga).
Ước lượng trên đây của cơ quan EIA thấp hơn rất nhiều so với tính toán lạc quan của Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố vào tháng 11-2012, theo đó trữ lượng dầu của toàn vùng Biển Đông nằm bên trong đường lưỡi bò, mà họ tự vạch ra để đòi chủ quyền, lên đến 125 tỉ thùng. Về khí đốt thì khối lượng quy thành thùng dầu cũng lên đến 93 tỉ thùng.
Đường lưỡi bò phi lý đó cũng liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước láng giềng, cụ thể là ăn vào bồn trũng Phú Khánh, Bãi Cỏ Rong của Việt Nam, hay khu mỏ khí đốt Natuna của Indonesia.
Bản báo cáo của EIA cho hay, đây chỉ là những con số của Trung tâm Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cung cấp, ước tính dựa trên các khảo sát gần bờ của những quốc gia Đông Nam Á ven biển, còn trong các vùng biển tranh chấp thì hầu như chưa thể thăm dò được. Theo con số riêng của Công ty tư vấn Wood Mackenzie, trữ lượng tương đương cho cả dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông chỉ vào khoảng 2,5 tỉ thùng, chưa kể trữ lượng hydrocarbon có thể có chưa được thăm dò tại Biển Đông.
Có thể thấy, phần lớn trữ lượng dầu khí hiện nay đang tập trung tại lưu vực nước nông, ven thềm lục địa của Việt Nam, Brunei, Malaysia và tại khu vực nước sâu đang nằm ngoài khả năng khai thác của những nước này.
Nam Đình