Xung đột bùng phát sau khi nhóm du kích Jaish-e-Mohammed (Đạo quân của Mohammed) có căn cứ tại Pakistan tuyên bố chịu trách nhiệm vụ đánh bom tự sát ngày 14-2, sát hại 40 binh sĩ trong khu vực do Ấn Độ kiểm soát tại Kashmir.
12 ngày sau, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ra lệnh không kích trên đất Pakistan lần đầu tiên kể từ năm 1971. Cuộc xung đột diễn ra khi nền kinh tế hai nước đã có những khác biệt sâu sắc. Kinh tế Ấn Độ tiến nhanh về phía trước, còn nền kinh tế Pakistan thì chững lại, chính quyền Islamabad là khách hàng thường xuyên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đang thương thảo lần trợ cấp thứ 13 kể từ thập niên 1980.
- Xem thêm: Ấn Độ: Thế lực mới trong thị trường AI
Trong cuộc xung đột đang diễn ra, Ấn Độ chiếm thế thượng phong với sự ủng hộ của nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi ích quan trọng khi ủng hộ Pakistan. Việc Ấn Độ không kích Kashmir là thời khắc bất lợi cho Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thất vọng khi rút quân ra khỏi Afghanistan và Pakistan giữ vai trò quan trọng trong việc đưa những lãnh tụ Taliban ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.
Với Trung Quốc, Pakistan là điểm tựa lớn nhất của sáng kiến “Nhất đới nhất lộ” (Một vành đai, một con đường) mà chính quyền Bắc Kinh dự định thực hiện với kinh phí 60 tỉ USD. Ấn Độ tỏ ra giận dữ khi một số dự án thuộc sáng kiến này được tiến hành trong vùng Kashmir dưới quyền kiểm soát của Pakistan, trong khi nhiều nước phương Tây quan tâm đến sự lệ thuộc quá đáng của Pakistan vào Trung Quốc.
Đối với Ấn Độ và Pakistan, một phần quan trọng trong cuộc xung đột quân sự là vấn đề kinh tế. Thông thường ở những quốc gia thường xảy ra xung đột, ngân sách quốc phòng và công nợ chiếm đến 60% chi tiêu của chính phủ.
Có một sự thiếu cân sức về mặt kinh tế giữa một Ấn Độ phát triển nhiều mặt và một Pakistan sống dựa vào nhiều nguồn tài trợ quốc tế. Điều này chi phối không ít những cuộc xung đột vẫn thường xuyên xảy ra ở hai nước, tạo điều kiện cho các cường quốc kinh tế vào cuộc và chi phối các kết quả xung đột.
Trong tình hình hiện nay, dù Pakistan đã bày tỏ thiện chí bằng cách trao trả viên phi công Ấn Độ bị họ bắn hạ, song như thế không có nghĩa là sự mâu thuẫn và xung đột giữa hai phía sẽ chấm dứt.
Pakistan tiếp tục cáo buộc Ấn Độ hủy hoại môi trường khi hình ảnh do vệ tinh chụp được cho thấy những rừng thông bị hủy hoại trong những cuộc oanh tạc của Ấn Độ vào các căn cứ quân khủng bố tại miền Bắc Pakistan. Về phần mình, Ấn Độ vẫn cáo giác Pakistan là nơi chứa chấp khủng bố, gây nên sự bất ổn cho toàn khu vực. Những điều này cho thấy Nam Á sẽ còn là một trong những điểm nóng của thế giới.