Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên là tâm điểm của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và thị trường AI được dự đoán sẽ là cuộc đua gay cấn trong thời gian tới. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang đầu tư lớn cho cuộc đua phát triển AI.
Cho tới mùa hè 2018, Ấn Độ mới bắt đầu công bố chiến lược AI nhưng đặt ra ý tưởng đột phá – đó là biến Ấn Độ trở thành “công xưởng” phát triển AI. Ở quốc gia Nam Á này, bước chuyển chính sang AI đến từ các doanh nghiệp tạo nên ngành gia công trị giá 143 tỉ USD và tuyển dụng 4 triệu lao động. Các công ty hàng đầu như Infosys, Tata Consultancy Services và Wipro – những cái tên chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ cho Deutsche Bank, Lockheed Martin, IBM, Microsoft và quân đội Mỹ – đang ngày càng dựa vào tự động hóa.
Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) dự báo thị trường AI toàn cầu sẽ đạt giá trị gần 58 tỉ USD sau ba năm nữa, với tốc độ tăng trưởng mỗi năm hơn 50%. Hàng tỉ USD đang được các chính phủ đầu tư cho AI: Mỹ là 2 tỉ USD, còn Liên minh châu Âu cũng không kém với 1,8 tỉ USD. Ông Malcolm Frank – chuyên gia chiến lược của hãng gia công hàng đầu Cognizant có nhiều nghiên cứu về cuộc đua giữa Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ trong lĩnh vực AI – cho rằng: “Tôi nghĩ rằng có một cuộc đua tam mã, song có lẽ đây là ẩn dụ sai vì tất cả họ đều sẽ thắng. Họ chỉ chiến thắng với cách khác nhau”.
Doanh thu của lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ đã vượt mức 10.000 tỉ rupee (155 tỉ USD) và xuất khẩu của lĩnh vực này đã vượt 7.500 tỉ rupee (116,25 tỉ USD). Theo số liệu của The New York Times, các dịch vụ IT và các hoạt động liên quan của Ấn Độ sử dụng khoảng 4 triệu lao động, đưa quốc gia này trở thành trung tâm outsourcing(*) (thuê ngoài) lớn nhất thế giới. Với nền tảng là quốc gia có đội ngũ IT hàng đầu thế giới, Ấn Độ dễ dàng chuyển thế mạnh sang các lĩnh vực mới như AI.
Chiến lược phát triển #AIforAll của Ấn Độ sẽ tập trung vào các dự án về chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, giáo dục, cơ sở hạ tầng và giao thông cho các thành phố thông minh. Các cơ quan chính phủ, các tập đoàn lớn và các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ đang áp dụng AI vào các chức năng và quy trình khác nhau. Một sự hợp tác ba chiều giữa chính phủ, ngành công nghiệp và các cơ sở nghiên cứu đại học là cần thiết cho những thách thức cụ thể trong chiến lược AI của nước này.
Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR) là một trung tâm toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xây dựng nhằm cải thiện việc áp dụng các công nghệ mới theo cách bền vững, có trách nhiệm và hợp tác, để giảm thiểu các tác động tiêu cực trong xã hội. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dự lễ ra mắt C4IR vào tháng 10-2018. Trung tâm C4IR sẽ hỗ trợ tạo ra thị trường dữ liệu quốc gia cho Ấn Độ, qua đó dữ liệu có sẵn trên các lĩnh vực khác nhau có thể được thu thập và tích hợp để đưa ra quyết định và phân tích mục tiêu bằng AI.
(*) Outsourcing (hay Outsource) là hình thức một công ty chuyển giao việc thực hiện một phần hoạt động sản xuất kinh doanh hay dịch vụ cho một nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài, bao gồm cả tài sản vật chất và nhân lực. Khi đó, công ty sẽ tập trung nguồn lực để làm những công việc mà họ biết chắc làm tốt hơn người khác và chuyển giao cho bên thứ ba làm phần việc mà họ sẽ làm tốt hơn.