Nửa đêm, Gấm giật mình tỉnh giấc bởi tiếng cửa sổ bị gió đập. Sau giây phút mơ màng, Gấm như bị thôi miên vào vầng trăng cao tít đang tỏa ánh sáng bàng bạc bên ngoài cửa sổ. Nhà Gấm ở Hà Nội, chỉ quen với ánh đèn tuýp, đèn cao áp; đây lần đầu tiên cô được về quê và cũng là lần đầu tiên cô được ngắm thứ đèn điện huyền ảo của thiên nhiên.
Gấm ngồi dậy, mắt không rời vầng trăng, cả hồn cô cũng đang bị vầng trăng thu phục. Vầng trăng tròn, luôn tỏa sáng, thi thoảng một đám mây bay ngang qua che lấp vầng trăng nhưng chỉ chốc lát trăng lại hiện ra. Có lúc Gấm lại như thấy trăng trôi theo những đám mây, mải miết mải miết như một gã say tình bám theo chiếc váy trắng bồng bềnh của người yêu.
Chợt Gấm run bắn người khi nhìn xuống sân của ngôi nhà tranh bên cạnh. Ma! Gấm run rẩy thốt lên rồi đưa tay bịt chặt mắt. Ngay từ hồi nhỏ, Gấm đã sợ ma, mặc dù cô chưa từng nhìn thấy ma bao giờ. Hễ nghe thấy ai nói chuyện ma hoặc mỗi lần đi qua chỗ tối là người cô lại nổi da gà. Cũng vì sợ ma mà mãi đến năm mười tám tuổi, khi đã trở thành sinh viên, Gấm mới dám ngủ một mình, nhưng phải bật đèn điện sáng cả đêm.
Gấm he hé tay, con “ma” đang động đậy, cô dướn người nhìn và đoán con ma là bà Lanh mà có lần Lan đã kể cho Gấm nghe. Đúng là bà Lanh độc thân đang ngồi trên chiếc chõng tre, mái tóc bạc trắng xõa ra phủ đầy lưng. Lạ quá, bà Lanh cũng thích ngắm trăng? Chắc bà không ngủ được nên ra sân ngồi chứ già rồi, lãng mạn cái nỗi gì? Gấm nghĩ thế và đóng cửa sổ định ngủ tiếp nhưng không tài nào ngủ được.
- Xem thêm: Cai tình
Mối tình đầu vừa tan vỡ lại hiển hiện về làm cho trái tim Gấm nhói đau. Gấm không thể ngờ khi đã dâng hiến cái quý giá của đời con gái, và sáu năm chờ đợi Hoàn du học ở nước ngoài về lại là cuộc chia tay. Hoàn nói: “Em thông cảm, đàn ông cần phải có sự nghiệp, em đẹp nên sẽ chẳng thiếu gì người giàu có, có địa vị theo đuổi”. Và sự nghiệp của Hoàn bắt đầu từ việc cưới một cô vợ hơn năm tuổi, răng sít, mũi tẹt nhưng lại là con gái của ông quan chức quyền thế.
Sau ba tuần trăng mật ở Pháp, Thụy Điển và Ý, vợ chồng Hoàn được bố mẹ vợ tặng cho ngôi biệt thự, một chiếc xe hơi, riêng Hoàn kèm theo chiếc ghế Phó viện trưởng Viện nghiên cứu. Nếu như không có bản lĩnh, Gấm đã phát điên hoặc sẽ nghĩ cách trả thù Hoàn bằng một ca axít tạt vào mặt hoặc bằng một trận đánh ghen chí tử. Nhưng không, Gấm chỉ im lặng, ghê tởm Hoàn và ghê tởm cả đàn ông.
Trằn trọc mãi không ngủ được, Gấm mở cửa sổ, tò mò xem bà Lanh còn ngồi ngoài sân không. Kìa, bà Lanh vẫn đang ngồi trên chõng tre, dáng ngồi ấy như thể bà vừa ngắm trăng vừa chờ đợi một cái gì đó thiêng liêng lắm. Gấm khoác thêm chiếc áo ngoài, mở cửa đi xuống tầng dưới, vợ chồng Lan và đứa con gái ngủ trong phòng, Gấm khẽ mở chốt cửa, lách mình đi ra ngoài.
Đêm quê yên ắng quá, văng vẳng đâu đó tiếng chó sủa. Gấm hít thật mạnh hơi thở của đồng quê, cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Bây giờ thì Gấm mới hiểu được sự toan tính của Lan là có lý, học xong Đại học Sư phạm, Lan không thích ở lại thành phố ồn ào và bụi bặm; đi dạy hợp đồng, nay chuyển trường này mai đổi trường khác; nhà không có phải đi thuê, trong khi đó ở quê có nhà, có vườn rộng, có ao nuôi cá, có một chân biên chế ở trường huyện đang chờ đợi.
Hơn nữa Lan còn có người yêu, một kỹ sư nông nghiệp đang công tác ở Phòng Nông nghiệp huyện. Giờ đây Lan đã có một tổ ấm mãn nguyện trong khi Gấm lại đang cô đơn gặm nhấm nỗi đau thất tình. Biết được chuyện đổ vỡ của Gấm, Lan gọi điện lên Hà Nội, mời Gấm về quê chơi dăm bữa cho khuây khỏa, thế là nghỉ hè, Gấm về quê Lan.
- Xem thêm: Cho lại từ đầu…
Nhà bà Lanh không có tường xây cao, cổng sắt đóng kín im ỉm như ở thành phố, chỉ có chiếc cổng tre khép hờ, Gấm nhấc lên, đặt sang một bên là bước vào được ngõ nhà bà Lanh, bà đang ngồi quay mặt về phía trăng nên không nhìn thấy Gấm.
Gấm đi vào sân, khẽ hắng giọng rồi cất tiếng chào, bấy giờ bà Lanh mới quay mặt ra, thấy Gấm, bà có vẻ ngạc nhiên, hỏi cô tìm ai? Gấm giới thiệu là bạn học thời sinh viên của Lan về quê chơi, thấy bà ngồi thức cả đêm nên tò mò muốn biết bà ngồi ngoài sân vì không ngủ được hay ngồi ngắm trăng. Bà Lanh bảo, bà ngồi ngắm trăng và đợi chờ!
– Bà ngắm trăng và chờ ai? – Gấm thốt lên đầy ngạc nhiên.
Vốn là người thật thà và chất phác, nên khi thấy Gấm muốn được biết bí mật về câu chuyện ngắm trăng và chờ đợi của mình, bà Lanh nói “được”. Bà Lanh nhè miếng bã trầu đang nhai, vứt xuống đất, Gấm nhìn thấy hàm răng bà đen nhánh như hạt na thì nghĩ chắc bà bị sâu răng nên phải nhuộm. Nghĩ thế nhưng Gấm vẫn tò mò hỏi:
– Bà nhuộm răng đen hả?
– Không, bà ăn trầu nên răng đen thế, trước đây răng bà cũng trắng lắm.
– Cháu đọc sách, được biết phụ nữ Việt Nam xưa kia đều nhuộm răng đen, chẳng lẽ bây giờ bà cũng thích răng đen?
– Mỗi thời mỗi khác cháu ạ! Trước kia, đàn bà con gái răng đen mới đẹp, nay phải là răng trắng. Bà cũng thích răng trắng nhưng ngồi một mình trong đêm, buồn nên lấy miếng trầu làm bạn.
Gấm nói “thế ạ”, rồi giục bà Lanh kể chuyện ngồi ngắm trăng và đợi chờ của bà. Bà Lanh kể về cô Lanh của ngày hôm qua, chính là bà Lanh của ngày hôm nay mà sau này khi trở thành nữ nhà văn trẻ, Gấm đã viết một truyện ngắn về bà Lanh với đoạn mở đầu: “Cái đêm xa xăm ấy, trăng sáng lắm, Nhành đang tuổi trăng tròn nhưng đã ra dáng của một thiếu nữ thôn quê xinh xắn.
Một đêm, Nhành tỉnh giấc, nhìn ra cửa sổ thấy anh bộ đội trẻ mới đến hồi chiều đang ngồi trên chiếc chõng tre ngắm trăng; đơn vị của anh hành quân ra trận, họ được phép nghỉ qua đêm ở làng. Nhành nghĩ, sớm mai anh ra trận nên nhớ nhà chăng? Tuy mới được gặp anh mấy tiếng đồng hồ nhưng cái dáng thư sinh, đẹp trai của anh đã làm cô xao xuyến. Còn cái vẻ đẹp thôn nữ của Nhành dường như cũng đã hớp mất hồn của người lính trẻ.
Nhành rón rén đi ra ngoài sân, đứng cách người lính mấy bước chân, chợt anh đứng dậy quay lại, Nhành run cầm cập. Người lính trẻ vuốt tóc Nhành, bảo cô vào nhà đi kẻo bị cảm lạnh. Đúng lúc ấy, tiếng kẻng tập hợp quân vang lên. Vô thức, Nhành úp mặt vào ngực anh. Người lính trẻ nâng mặt Nhành lên, đặt vào môi cô nụ hôn cháy bỏng rồi chạy vào nhà xách balô ra trận. Cô thôn nữ Nhành, chị Nhành, bác Nhành và bây giờ là bà Nhành đã đợi chờ hết cả tuổi thanh xuân, hết cả chiến tranh nhưng người lính ấy vẫn chưa trở về…”.
– Người lính ấy không nói với bà một lời nào, vậy mà bà vẫn đợi chờ?
Gấm hỏi bà Lanh, bà bảo giống như bà, lúc ấy người lính cũng bị tình yêu sét đánh làm cho mê muội, hơn nữa vì quá vội vã nên người lính ấy chẳng kịp nói một lời, cũng chẳng để lại địa chỉ quê quán nhưng nụ hôn đã nói lên tất cả và bà đã chờ đợi.
Gấm thở dài, nói với bà Lanh, cô đã nghe biết bao lời đường mật, lời thề thốt, cô đã dâng hiến, cô đã chờ đợi với bao niềm tin và hy vọng về người yêu thế mà tan vỡ, cớ chi chỉ một nụ hôn mà bà phải hủy hoại cả cuộc đời mình? Người ấy hoặc đã có vợ con và lãng quên bà hoặc đã hy sinh.
Bà Lanh bảo, những người lính ra trận vì dân vì nước thì sao những người yêu, người vợ của họ không thể hy sinh vì chồng con. Bà không tin người lính ấy lừa dối bà; bà cũng không tin người lính ấy đã hy sinh, bởi nếu hy sinh thì đã báo mộng cho bà biết. Nghe nói đến hồn báo mộng, người Gấm nổi hết da gà, cô hỏi bà Lanh:
– Thời con gái, chắc bà rất xinh, hẳn sẽ có nhiều chàng trai theo đuổi?
– Đúng thế, nhưng không hiểu sao trái tim bà không rung động.
– Nếu rung động thì bà có lấy chồng và quên người lính kia đi không?
– Có thể bà sẽ lấy chồng nhưng quên người lính ấy thì bà không quên.
Gấm lắc đầu nói với bà Lanh, cô không tin trên đời này có tình yêu đích thực, cái gọi là tình yêu chỉ là sự bồng bột và lợi dụng lẫn nhau mà thôi. Bây giờ giới trẻ yêu hiện đại lắm, yêu nhanh, sống thử đang là mốt. Những giá trị trinh tiết, thủy chung chỉ còn trong dĩ vãng. Bà là người của hôm qua mất rồi!
Nghe Gấm nói, bà Lanh bảo rằng, bà chỉ sinh ra ở ngày hôm qua nhưng vẫn sống đến hôm nay thì bà cũng là người của hôm nay. Hơn nữa người của hôm qua hay người của hôm nay không quan trọng, điều quan trọng là họ sống thế nào. Thủy chung trong tình yêu, trong tình nghĩa vợ chồng là đức tính cao quý mà thời hôm qua hay hôm nay đều cần có. Gấm rất ngạc nhiên khi thấy bà Lanh, chỉ học hành hết cấp hai thôi, lại suốt đời sống ở làng quê mà trả lời một cách đầy lý lẽ.
- Xem thêm: Có lẽ anh chẳng yêu em
Lần đầu tiên gặp bà Lanh, Gấm sao có thể hiểu được rằng, bà Lanh là một người thông minh nhưng kín kẽ, bà không học lên cao được chỉ vì hoàn cảnh gia đình, chiến tranh nhưng bà đọc rất nhiều sách, riêng Truyện Kiều của Nguyễn Du, bà Lanh thuộc lòng không sai một chữ và bình phẩm còn hay hơn cả giáo viên dạy văn cấp ba ở trường huyện.
Gấm lại hỏi bà Lanh:
– Vậy là bà sẽ đợi chờ suốt đời? – Bà Lanh không nói, chỉ gật gật đầu.
– Thế, cháu… cháu hỏi bà… – Gấm ngập ngừng, bà Lanh bảo:
– Cháu định hỏi bà cái gì?
– Dạ thôi, cháu sợ xúc phạm đến bà.
– Ồ, chuyện gì mà nghiêm trọng thế, cứ nói đi, bà sẽ trả lời, không sợ, không sợ.
– Nhưng bà phải nói thật lòng đấy nhé!
– Ừ!
– Nếu cái đêm xa xưa đó còn thời gian, người lính ấy muốn bà dâng hiến, bà có cho không?
– Lần đầu tiên được hôn, bà mê muội cả người và nếu người ấy đòi hỏi, chắc bà sẽ cho!
– Bà không sợ có thai, bị gia đình, làng xóm khinh rẻ sao?
– Lúc ấy bà không nghĩ đến chuyện có thai, nhưng nếu có bà sẽ giữ lại đứa con bằng mọi giá, kể cả phải chết. Nhiều đêm ngồi ngắm trăng một mình, bà ước ao giá như hồi đó kịp có một đứa con với người lính ấy thì hạnh phúc biết bao.
– Thế thì bà yêu hiện đại hơn cả chúng cháu bây giờ.
– Sao khi nãy cháu bảo bà là người của hôm qua mất rồi?
Bà Lanh mỉm cười. Gấm thẹn thùng ngồi thêm một lúc nữa rồi xin phép bà Lanh đi về nhà Lan. Sáng hôm sau, Gấm kể lại với Lan về cuộc gặp gỡ hồi đêm, Lan bảo câu chuyện bà Lanh ngồi ngắm trăng và chờ người yêu mấy chục năm qua là có thật.
Dân làng, người thì cho rằng bà Lanh bị mắc chứng bệnh thần kinh nên mới nghĩ ra cái trò ngắm trăng và chung thủy lập dị như vậy; kẻ thì bảo, người lính ấy đã chết trận nên hồn ma về ám vào người bà, không cho bà đi lấy chồng.
Tuy sống lập dị nhưng bà Lanh rất tốt với mọi người, bà đi cấy đi gặt không công cho những gia đình khó khăn, bà còn mua sách vở, quần áo cho những đứa trẻ con nhà nghèo. Gấm nói với Lan, đêm qua trò chuyện với bà Lanh, thấy đầu óc bà minh mẫn lắm, có thể hồn ma người lính đã nhập vào người bà Lanh thật. Lan buột miệng:
– Nếu đúng vậy thì hồn ma người lính ác quá, ai đời lại bắt người yêu mình hủy hoại cả một đời người.
Gấm thở dài:
– Trần sao âm vậy, dương thế cũng có vô khối kẻ tiểu nhân, ích kỷ thì cõi âm cũng có bấy nhiêu hồn ma ích kỷ, tiểu nhân.
Lan biết lòng hận thù Hoàn trong Gấm đang nổi lên, cô đi nhanh vào trong bếp lấy ra những củ khoai lang luộc từ tối hôm qua mời Gấm dùng bữa sáng. Lan muốn Gấm được thưởng thức món ăn của đồng quê nhưng sợ Gấm hiểu nhầm mình keo kiệt nên nói với Gấm cứ ăn khoai lang lót dạ đi, cô phóng xe ù ra phố chợ mua phở về. Gấm xua tay:
– Phở Hà Nội tao còn đang chán huống chi phở quê, khoai lang nướng bây giờ đang là đặc sản ở thành phố đấy!
Gấm bóc khoai lang, theo như lời Lan dạy, Gấm ăn từng miếng nhỏ, nhai kỹ để tránh bị nghẹn. Khoai lang bở và ngọt lịm, Gấm vừa ăn vừa tấm tắc khen còn ngon hơn cả phở Thìn ở Bờ hồ. Lan nói với Gấm, cứ ăn no đi rồi cô sẽ mời Gấm một món ngon nữa. Gấm ăn xong bốn củ khoai lang, kêu no quá, Lan lấy nước chè xanh hãm trong ấm rót ra bát đưa cho Gấm, nói ăn khoai lang xong, uống bát chè xanh sẽ thấy cuộc đời thôn dã cũng có những cái sung sướng riêng.
Gấm đưa bát chè xanh sóng sánh màu vàng còn đang bốc hơi nóng lên miệng, nhấm nháp từng ngụm. Lúc đầu thấy vị chan chát, lúc sau thấy vị ngòn ngọt, không phải cái ngọt của đường mà cái ngọt đặc trưng chè xanh. “Thế nào?”, Lan hỏi Gấm. Gấm gật gù nói Lan khôn thật, tưởng về quê ở ẩn nào ngờ sung sướng hơn Gấm; không khí trong lành mát mẻ, muốn ăn gà thì ra vườn bắt, muốn ăn cá thì thả vó xuống ao, muốn ăn rau thì đi hái còn Gấm ra đường là phải đeo khẩu trang, về nhà thì đóng kín cửa, ăn thịt, cá thì sợ thuốc tăng trọng, ăn rau thì sợ thuốc sâu, hỏi sống như thế thì có còn gọi là sống không?
– Thế mà dân quê vẫn đổ xô lên thành phố để sống, thật chẳng hiểu nổi.
Gấm thở dài, Lan nói:
– Chỉ có các người giàu có mới có tiền mua được nhà ở thành phố để đưa con cháu lên học và đóng đô, còn người nông dân họ vẫn thích ở quê hơn. Một số phải lên các thành phố sống vạ vật là để kiếm việc thôi.
Gấm im lặng, ngẫm nghĩ lời Lan nói thấy rất đúng, người nông dân đầu tắt mặt tối làm gì ra một vài tỉ đồng để mua nhà ở Hà Nội. Nếu có con cháu ở thành phố, họ lên thăm cũng chỉ ở được dăm ba hôm rồi về quê chứ không thể ở lâu cho dù được ăn ngon, mặc đẹp.
- Xem thêm: Bản sao
Một tuần trôi qua nhanh, Gấm trở về Hà Nội, hẹn với Lan hè năm sau sẽ trở lại, nhưng Gấm bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống phải nằm bất động hai năm, những tưởng bị liệt song gặp thầy gặp thuốc đã dần hồi phục và đi lại bình thường. Mãi đến mùa hè năm nay, Gấm mới lại quyết định về quê Lan, vừa là để khuây khỏa nơi thôn dã vừa là muốn kiểm chứng xem lời bà Lanh nói sẽ mãi đợi chờ có đúng không.
Chuyến xe khách bị lỡ phà nên gần tám giờ tối Gấm mới về đến làng. Tắm rửa, cơm nước xong, Gấm lên căn phòng trên tầng hai mà cách đây mấy năm cô từng ngủ, Gấm mở cửa sổ ngó xuống sân nhà bà Lanh, trời tối, trong nhà bà có ánh điện nhưng ngoài sân không có bóng người. Gấm cười một mình, bà già lẩn thẩn không còn ngắm trăng và đợi chờ nữa rồi.
Mệt nhọc vì say xe, Gấm ngủ mê mệt, chừng một giờ sáng, cô giật mình thức giấc bởi tiếng chuông điện thoại di động, một người gọi nhầm máy, cô làu bàu tắt điện thoại vứt xuống cuối giường. Gấm đặt mình nằm xuống, ánh trăng tràn qua cửa sổ làm Gấm nhổm dậy, cô vội vã bước đến bên cửa sổ, ngó xuống sân nhà bà Lanh.
Trăng đã lên, Gấm sửng sốt, trên chiếc chõng tre, không chỉ là bà Lanh mà bên cạnh còn có một người đàn ông. Bị sự tò mò kích động, Gấm vội vã mở cửa đi xuống, cô vấp phải chiếc ghế, ngã sõng xoài. Lan từ trong phòng đi ra bật điện, hỏi Gấm có bị đau không, xuống nhà làm gì. Gấm cho biết cô định đi sang nhà bà Lanh, hỏi xem người đàn ông ngồi ngắm trăng bên cạnh bà là ai.
– Ông Nam, người yêu ngày xưa của bà Lanh đấy! – Lan nói.
– Người yêu? – Gấm thốt lên.
Lan nói đúng vậy, ông Nam bị thương, lạc rừng, được người dân Tây Nguyên cưu mang. Ông bị thương vào đầu nên mất trí nhớ. Đơn vị đã viết giấy báo tử ông gửi về quê. Mãi gần đây, nhờ có cú ngã đập đầu vào cây rừng mà ông hồi phục được trí nhớ và tìm về với bà Lanh. Họ đã ra ủy ban xã làm giấy đăng ký kết hôn và làm mấy mâm cơm thay cho cỗ cưới.
– Nhưng sao người yêu về rồi mà bà Lanh vẫn còn ngồi ngắm trăng?
– Mấy chục năm ngắm trăng quen rồi, giờ bà Lanh không bỏ được thói quen này.
Gấm đi ra ngoài, Lan nghĩ Gấm lại sang nhà bà Lanh để được gặp gỡ trò chuyện với chồng bà nên Lan vào phòng ngủ tiếp. Gấm đi ra đường làng, qua ngõ nhà bà Lanh, cô không ghé vào mà cứ lững thững đi thẳng. Gấm sợ vào sẽ phá vỡ những giây phút hạnh phúc mà hàng chục năm qua hai người mong đợi. Trăng vằng vặc, soi rõ cả một đôi cào cào đang đậu bên nhau ở đám cỏ ven đường. Gấm mỉm cười, không hiểu đôi cào cào đang ngủ hay cũng đang ngắm trăng!??