Một tình cảm phát xuất từ không gian mạng thì có bao nhiêu khả năng kết thúc có hậu và kết thúc ấy liệu có bền lâu? Anh vẫn tự đặt cho mình câu hỏi này. Mới đây, một cô bạn đưa thiệp mời đám cưới và khoe: “Tui quen ổng qua Facebook đó, mới đầu nói qua nói lại giỡn chơi, ai dè cuối cùng… đám cưới!”. Chà, đơn giản vậy sao? Nhưng anh thấy chuyện của mình khó quá và không có gì hứa hẹn…
Ngày cô lên máy bay về lại bên đó, anh không ra sân bay tiễn. Con tim anh mách bảo anh nên đi, nhưng lý trí ngăn anh lại. Nỗi tự ái đã dâng lên quá cao, anh thấy mình bị tổn thương trầm trọng.
Email cuối mà cô gửi kể tội anh rất nhiều và kết luận: “Em nhận thấy chuyện tình cảm của hai ta không còn thích hợp. Em đã thương anh rất nhiều, nhớ anh rất nhiều, còn anh thương lại em bao nhiêu? Bây giờ trong lòng em không còn yêu nữa, có chăng chỉ là xót thương cho cảnh sống đơn độc của anh. Mà anh an tâm đi, em nói không yêu nữa là em làm được. Từ nay em sẽ không gọi điện làm phiền anh nữa. Anh đã thấy em thẳng tay giết cây trúc đào trong ban công nhà anh thế nào thì chắc anh hiểu…”.
* * *
Chín tháng mười mấy ngày trước. Anh và cô quen nhau qua mạng xã hội Yume. Chính xác là anh tò mò về một người hay vô “trang nhà” anh comment này nọ dưới các entry. Anh có thói quen viết blog cà tưng, cốt để xả stress, châm chọc người này người nọ. Nhưng xen lẫn giữa entry chế giễu cũng có một số entry chiêm nghiệm về tình đời tình người. Anh muốn tung hỏa mù để các blogger khác không nhận diện được con người thật của anh dưới những entry nhiều sắc thái.
Thoạt đầu, đọc những lời comment đàng hoàng, anh đoán chắc đây là một “cô giáo” đeo kính cận, mộ đạo Phật, có phần lý sự và lắm lời. Anh ngỏ lời mời cô cà phê vì nghĩ cô cũng đang ở Sài Gòn như mình. Nhưng không phải.
Cô tự giới thiệu mình sống cách anh nửa vòng trái đất – thành phố Chicago. Cô không phải là người Việt sinh bên đó mà từ Sài Gòn qua khoảng bảy năm. Anh không biết đích xác tuổi của cô, nhưng qua hỏi chuyện, anh biết cô hoặc cùng tuổi, hoặc nhỏ hơn anh một vài tuổi. Thật lạ, anh bật cười khi nghĩ về hiệu ứng của không gian mạng. Hai người cùng sống ở Sài Gòn trong nhiều năm, nếu tính về khoảng cách, giữa nhà anh và nhà cũ của cô chỉ cách nhau độ hai mươi phút chạy xe máy, nhưng không hề quen biết nhau. Vậy mà một ngày, thông qua một trang mạng xã hội, lại bỗng nhiên trở nên thân thiết đến lạ kỳ. Ai bảo không gian mạng là ảo và mênh mông? Phải chăng là một chữ duyên kéo con người ta lại gần nhau?
Anh tò mò muốn coi mặt cô “tròn méo” thế nào. Cô hẹn chat. Nhưng cuối cùng chỉ có cô ngó thấy gương mặt ngố và có vẻ khó chịu của anh qua webcam.
Còn màn hình phía cô lúc thì là “con gấu yêu của em”, khi thì là chỗ em ngồi đọc sách. Có hôm, vô tình, cô còn khoe anh “đây là cái… toa let của em”.
Anh không phiền, phụ nữ mà, chắc cô có điểm gì tự ti với nhan sắc của mình.
Những lời chat qua lại bỗng chật chội. Cô bắt đầu có thói quen gọi về cho anh trong lúc lái xe từ cửa tiệm làm nail về nhà, những khi muốn có ai nói chuyện để quên đi cái lạnh thấu xương. Cô nói huyên thuyên trong điện thoại, từ chuyện tiệm của cô có những loại khách nào, tính tình ra sao đến chuyện cô trồng những loại rau Việt Nam nào trong vườn nhà. Mỗi lần như vậy, anh kiên nhẫn lắng nghe cái giọng rộn ràng của “người kể chuyện”. Rõ ràng cô có nhu cầu được nói, nói tiếng Việt cho thỏa thích. Vì ở tiệm phục vụ khách Mỹ trắng, Mỹ đen, Mễ, cô chỉ có thể nói chuyện qua lại bằng tiếng Mỹ với họ.
Một bữa, cô gọi về khoe: “Anh tin không, khu vực quanh nhà em rất tự nhiên, gần rừng, thỉnh thoảng có cả những con thú hoang nhởn nhơ qua lại mà không sợ bị ai bắn giết. Bữa nay em ngó ra cửa thấy một con nai. Nhìn nó em mới hiểu vì sao có ông thi sĩ viết “nai vàng ngơ ngác”…
Anh chọc: “Sao nai lại đứng trước nhà cáo thế kia, ngộ nhỉ?”. Cô cười phá lên trong điện thoại, bảo anh cứ nghĩ người khác giống mình, coi chừng lầm chết.
* * *
Năm tháng trước. Một ngày, trong điện thoại, giọng cô bớt rổn rảng hơn mọi ngày. Anh hỏi cô có chuyện gì không ổn hả.
Im lặng một hồi, đột nhiên cô nói: “Honey, hay mình yêu nhau nhé?”. Anh cũng nhận ra mình đang quyến luyến “một người có giọng nói rất quen nhưng chưa biết mặt”. Đêm của em là ngày của anh. Khoảng cách xa xôi nghìn trùng về mặt địa lý nhưng một tiếng “thương” bỗng làm hai con tim đập cùng một nhịp.
Nhưng anh thoáng chút e dè. Anh hỏi cô có định dịp tết về thăm người nhà ở Sài Gòn và gặp nhau không. Cô bỏ lửng câu trả lời và hỏi lại có phải anh đang còn độc thân thật sự không? Cô bảo đã suy nghĩ nghiêm túc, và muốn kể hết với anh chuyện tình trong quá khứ để tùy anh quyết định có đến với cô hay không.
Anh bảo anh không quan tâm đến chuyện quá khứ vì anh yêu cô trong hiện tại. Ai cũng có quá khứ, nhưng không nhất thiết phải trình bày về quá khứ đó với người yêu trong hiện tại.
Cô vẫn nhất định viết cho anh một bức mail thật dài “chuyện tình tự kể”. Email này cũng là để trả lời một câu hỏi khác mà cô khất nợ nhiều tháng: duyên cớ nào đã đưa đẩy cô đến cuộc sống ở bên đó?
Chuyện dài dòng về mối tình đầu của cô với một người đàn ông, quen qua sự giới thiệu của bạn bè. Người đàn ông hơn cô tám tuổi, đã chiều chuộng cô hết mực trong hai năm yêu nhau: dù bận rộn công việc của một kiến trúc sư nhưng vẫn có thể đưa cô đi ăn khắp các quán xá tại Sài Gòn, cùng cô đi xem kịch mỗi tuần một hai đêm… Người đàn ông đã đến nhà cô như sẵn sàng với vai trò con rể tương lai. Cô đã tưởng mình đang sống trong hạnh phúc.
Vậy rồi một ngày, một người đàn bà xuất hiện đột ngột, tự giới thiệu rằng đã có một đứa con trai sáu tuổi với người đàn ông của cô, rằng cô còn trẻ, còn có nhiều cơ hội khác, nên nhường người đàn ông ấy lại để đứa con có bố.
Khỏi phải nói, cô choáng váng cỡ nào khi nghe người đàn ông xác nhận rằng thuở còn là sinh viên nghèo, từ miền Trung vào Sài Gòn trọ học, anh ta được gia đình người đàn bà kia giúp trang trải học phí và những khoản sinh hoạt, rằng giữa anh ta và người đàn bà ấy chưa hề có đám cưới, rằng anh ta đang chu toàn trách nhiệm với đứa trẻ và chỉ muốn cưới cô làm vợ…
Trong những ngày hoang mang ấy, cô đã muốn đi thật xa, rời xa người đàn ông ấy để không phải làm người thứ ba bất đắc dĩ. Sẵn dịp một người bạn Việt kiều từ Mỹ về, cô đã có quyết định làm thay đổi cuộc đời của chính mình. Cô sang Mỹ theo diện kết hôn với người bạn Việt kiều đó, chấp nhận làm nail để kiếm sống ở một thành phố ít cộng đồng người Việt…
Từ đó đến nay, vết thương lòng của cô đã khép lại sau những bộn bề của công việc. Cô từ người làm thuê sau mấy năm tích cóp vốn liếng đã gầy dựng được tiệm riêng. Nhưng cô chưa thể yêu ai cho đến khi cô “gặp” anh qua trang mạng xã hội.
Hai tháng trước.
Số điện thoại lạ gọi anh. “Em đang ở đây, Sài Gòn nè. Giờ mình gặp ở đâu anh?” – giọng rộn ràng bây giờ nghe rất gần. Sau một thoáng bối rối, anh trấn tĩnh. Người yêu ảo rồi cũng đến lúc phải bước ra cuộc đời thật. Làm sao ảo mãi được? Lần đầu gặp nhau cũng thật ngộ. Cô xinh hơn anh tưởng nhưng mái tóc nhuộm nâu vàng của cô khiến anh có chút dị ứng. Dù đời sống hiện đại đến đâu, anh vẫn thích mái tóc đen của người phụ nữ. Miễn là tóc đen chứ không phải tóc thề.
Đôi lúc, ngồi trước mặt cô, anh nhắm mắt. Cô cau mày: “Bộ mặt em xấu lắm hả?”. Anh cười mỉm. Anh chỉ muốn mường tượng lại giọng nói, cách diễn đạt của cô trong điện thoại xem có khác gì lúc nói chuyện bên ngoài.
Vì đã kể với anh về chuyện của mình, cô nằng nặc đòi anh kể về anh, trước đây thế nào, yêu ai… Anh lại cười bảo anh đãng trí lắm, hơn ba mươi tuổi rồi, không nhớ nhiều chuyện đã xảy ra, kể cả những người đã bước qua đời anh.
Ngồi kề bên nhau trong quán kem, cô nói mấy câu lạ lùng: “Dù anh đang ở trước mặt em nhưng em vẫn nhớ anh. Em nhớ anh ngay cả trước lúc xa anh”. Nghe mấy lời đó, anh thấy phụ nữ thật lạ. Trong chuyện tình cảm, anh quan niệm biểu hiện quan trọng hơn lời nói. Những lời yêu thương màu mè khiến anh có cảm giác không thật, nếu không muốn nói là thừa thãi.
Tiếng là về thăm gia đình, nhưng trong một tháng tại Sài Gòn, cô lui tới căn hộ độc thân của anh nhiều hơn ở nhà. Căn hộ của anh vốn bề bộn vật dụng, giấy tờ, cô xắn tay áo dọn dẹp gọn ghẽ. Gian bếp ít khi nổi lửa, cô trổ tài nấu nướng như một đầu bếp chính hiệu. Nhìn cái ban công lộn xộn giữa các chậu cây lẫn rác mà anh tiện tay ném ra từ cửa sổ phòng khách, cô đem đến một bao cát, mấy cái chậu lớn và mấy giống cây hoa đủ màu sắc. Sau một ngày, cô đã cải tạo lại ban công thành một vườn hoa xinh xắn. Nổi bật là bụi cây trúc đào với những cánh hoa hồng hồng lả lơi trong gió.
Nhìn cây trúc đào, anh buột miệng nửa đùa nửa thật, bảo em tính hại anh sao, vì trúc đào là một trong những loài thực vật có độc tính cao nhất. Sách vở nói hợp chất độc, nhựa cây trúc đào chỉ cần một lượng nhỏ đã có thể gây hậu quả tử vong ở người, nhất là trẻ em.
Cô đáp bâng quơ “vậy hả, ghê vậy hả?”. Một lát anh quay qua quay lại đã thấy cô nhổ tận gốc, bứng tận ngọn, chặt nhỏ cây trúc đào bỏ vào thùng rác.
* * *
Một tuần trước khi cô lên máy bay về lại Mỹ.
Tình yêu thật khó nói. Đã có người kết luận, một tình yêu quá liều lượng có thể giết chết chính tình yêu ấy. Cô dùng nước mắt, những lời trách cứ để luận tội anh không yêu cô nhiều như cô yêu anh. Bằng chứng là cô quan tâm xem mỗi ngày anh ăn sáng với món gì, bữa trưa có gặp ai không, buổi chiều công việc thế nào, đến tối có thấy nhớ cô không, đêm ngủ có ngon không… Cô thích chốc chốc lại gọi để nghe giọng nói thân thương của anh, vì “mình yêu nhau nên không thể thiếu nhau được”. Cô bảo vì tình yêu, cô đã vượt qua sự tự trọng, để chấp nhận là “cọc tìm trâu” trong lúc cô không phải là không có người theo đuổi.
Anh không có thói quen giãi bày. Ngoài tình yêu, anh còn công việc để cày cục. Còn mục tiêu mỗi tháng kiếm hơn mười triệu đồng để trang trải cuộc sống đắt đỏ, để gửi về giúp gia đình. Cô cần anh nhắc cô nhớ là anh yêu cô mỗi ngày. Anh không thể gượng gạo nói anh nhớ cô cháy bỏng, tha thiết muốn gặp cô khi ngày nào cô cũng gọi mấy lần.
Những cuộc gọi nhỡ.
Những lần tránh mặt.
Và rồi email cuối.
* * *
Bốn tháng sau.
Chuông cửa nhà reo. Cô xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà anh.
Giọng cô không rộn ràng, cũng không nghẹn ngào. Bố cô đột tử do nhồi máu cơ tim tại Sài Gòn ở tuổi bảy mươi mốt. Anh mới chỉ biết về bố cô qua lời cô kể: người đàn ông đào hoa bay bướm, có đến ba đời vợ, chưa kể nhiều người thương. Vậy mà người đàn ông ấy lại kết thúc cuộc đời trong cô quạnh: các con ở tứ xứ, những người vợ đã ra đi từ lâu. Anh đi rót nước trong tủ lạnh. Cô ngồi trong phòng khách, nhìn ra ban công ngập đầy nắng. Những chậu cây cô trồng vẫn còn đó. Dưới gốc cây đầy những vỏ chuối, vỏ táo, vụn bánh mì… Tiếng anh vọng ra: “Anh nấu canh trúc đào mời em nhé?”.