Những gì diễn ra trong ngành công nghiệp thời trang của năm 2018 là bước đệm để thời trang bắt đầu chuyển mình sang diện mạo lẫn cuộc chơi mới.
1. Kinh tế-chính trị tác động mạnh lên thời trang
Nửa sau của 2018 đã diễn ra nhiều sự kiện về kinh tế-chính trị gây ảnh hưởng trực tiếp lên ngành thời trang. Đầu tiên là căng thẳng thương mại giữa Mĩ và Trung Quốc, trong đó xuất khẩu thời trang là một trong những hạng mục chịu ảnh hưởng to lớn. Mặc dù Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ thời trang hàng đầu thế giới nhưng cuộc chiến giao thương Mĩ-Trung được xem là dấu hiệu của sự suy thoái kinh tế, khiến người dân có xu hướng thắt lưng buộc bụng. Nhu cầu ăn mặc sẽ phải xếp sau nhà ở, giáo dục và lương thực.
Tại kinh đô thời trang Paris, những cuộc biểu tình diễn ra liên tục tác động trực tiếp lên ngành du lịch. Như chúng ta đã biết phần lớn doanh thu từ ngành bán lẻ đến từ khách du lịch. Bất ổn về chính trị tạo tâm lý e dè cho lữ khách quốc tế, đe dọa nguồn thu từ du lịch và thời trang cho nước Pháp. Chưa hết, nhóm cơ hội từ đoàn biểu tình lợi dụng thế cuộc hỗn loạn để cướp bóc và phá hoại những boutique xa xỉ gây tổn thất rất lớn cho các thương hiệu.
- Xem thêm: Thời trang đang xóa nhòa ranh giới
2. Diện mạo thời trang đa dạng
Đã hết rồi thời mà chuẩn mực cái đẹp phải đến từ làn da trắng như sứ, mũi cao, mắt xanh và tóc vàng. Thời đại kĩ thuật số khiến cho mọi ranh giới đều bị xóa nhòa, trong đó có thời trang. Số lượng những người mẫu đến từ châu Á và gốc Phi tăng đáng kể. Hàng loạt tạp chí lớn cũng đưa người mẫu da màu lên trang bìa cho những số báo quan trọng của năm. Sự thay đổi đáng hoan nghênh này đến từ những đấu tranh giành quyền bình đẳng trong thời trang nhiều năm qua của những người có tiếng nói trong ngành thời trang lẫn giải trí.
Bên cạnh đó, chuẩn mực về số đo cũng thay đổi khi người mẫu có chiều cao trung bình hay nặng cân cũng xuất hiện nhiều trên sàn diễn. Ngoài ra, có thêm sự góp mặt của nhiều người mẫu chuyển giới được các nhà mốt lăng xê như Louis Vuitton, Dior, Versace… Bất ngờ hơn là sự trỗi dậy của người mẫu kĩ thuật số với sự ra đời của Shudu và Miquela, báo hiệu một xu hướng người mẫu mới trong tương lai.
3. Vòng xoay giám đốc sáng tạo
Bên cạnh bề dày lịch sử thì giám đốc sáng tạo là gương mặt góp phần làm nên thành công của một thương hiệu. Năm 2018 vừa qua, nhiều cái tên đình đám xuất hiện trong cuộc chiêu mộ của các tập đoàn thời trang. Đầu tiên là Kim Jones của nhà Dior Homme, Virgil Abloh của Louis Vuitton và Kris Van Asche gia nhập vào Berluti. Kế đến là nhà Bottega Veneta với sự ra đi của Tomas Maier sau 17 năm gắn bó và người kế nhiệm là Daniel Lee.
Tuy nhiên, gây tranh cãi nhất là nhà Celine với vị tân giám đốc sáng tạo – Hedi Slimane – thay thế cho Phoebe Philo. Sự thay đổi này tạo ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ nhất trong thời trang từ trước đến nay bởi với người hâm mộ thời trang, Celine của Phoebe Philo như một tôn giáo và giờ đây đã biến mất mãi mãi. Ngoài ra cũng phải kể đến sự chia tay đột ngột của Raf Simons với Calvin Klein vì lí do không đem lại lợi nhuận như mong muốn từ phía thương hiệu. Một cái kết mà cả hai bên lẫn người yêu thời trang khó thể lường trước.
4. Quyền sở hữu mới
Chuyện mua đi bán lại một thương hiệu với một tập đoàn đã không còn quá xa lạ với thời buổi ngày nay, bởi tính cạnh tranh khốc liệt rất khó để một thương hiệu tồn tại và phát triển độc lập. Năm vừa qua, làng mốt chứng kiến hai cuộc mua bán lớn đó là Versace và Dries Van Noten.
Hồi đầu năm, thương hiệu độc lập đến từ Bỉ thông báo sẽ bán lại cho tập đoàn Puig, trong khi nửa cuối 2018 lại là tin Versace được bán lại cho tập đoàn Michael Kors, nay được đổi thành Capri Holdings. Hai thương vụ này gây xôn xao giới thời trang bởi cả hai đều là thương hiệu nổi tiếng và có cá tính riêng góp phần định hình thời trang cuối thế kỉ XX. Họ lo sợ cả hai đều bị cuốn theo vòng xoáy thương mại như những thương hiệu khác sau khi các tập đoàn mua lại.
Ngược lại, một số thương hiệu đã chuyển đổi hướng đi ngược lại. Christopher Kane và Stella McCartney đã mua lại cổ phần của mình từ tập đoàn sở hữu Kering để trở thành hai thương hiệu độc lập. Có lẽ nếu không vì một lí do đặc biệt thì không ai lại đi bán công trình mà cả đời mình đã vun đắp. Việc sở hữu lại thương hiệu cho phép các nhà sáng lập điều hành và phát triển theo ý muốn của mình.
5. Thời trang vì môi trường
Thời trang đón nhận công nghệ bằng những giải pháp cho chất liệu ít gây tổn hại với môi trường. Mục đích đề ra là hạn chế năng lượng và tài nguyên để sản xuất chất liệu cũng như giải quyết vấn nạn rác thải. Những thương hiệu thời trang đi đầu trong xu hướng này gồm có những cái tên đại chúng như Adidas, Nike, Puma, Levi’s cho đến các thương hiệu cao cấp như Stella McCartney, Salvatore Ferragamo.
Đáng chú ý nhất là phong trào ngưng sử dụng lông thú đến từ các nhãn hiệu cao cấp như Versace Michael Kors và Gucci. Fendi vốn nổi tiếng với sản phẩm làm từ da và lông cao cấp cũng có động thái giảm thiểu chất liệu lông và thay bằng chất liệu nhân tạo. Mặc dù vì vấn đề nguồn cung, nhưng tuyên bố ngưng sử dụng chất liệu da quý hiếm của Chanel cũng được cộng đồng thời trang xanh ủng hộ.