Giống như thời đại của thế giới phẳng, thời trang cũng đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự bình đẳng và không biên giới trong thời trang.
- Xem thêm: Thời trang ngoại cỡ còn giàu tiềm năng
Cách đây 50 năm, kỳ thị chủng tộc từng là vấn đề gây nhức nhối tại những nước có nền kinh tế cũng như lĩnh vực thời trang phát triển, trong đó có Mỹ và Anh. Trải qua nhiều cuộc đấu tranh, vấn đề bình đẳng sắc tộc đã được quan tâm hơn, nhưng đâu đó trong thế giới thời trang vẫn còn những luật ngầm. Những câu chuyện như nhà thiết kế hay bộ phận tuyển chọn người mẫu chỉ chọn người da trắng, hoặc người mẫu da màu bị chèn ép sau hậu trường đã trở nên khá quen thuộc. Dẫu vậy, vẫn có những tên tuổi người da màu nổi tiếng, có sức ảnh hưởng mạnh và vẫn tích cực đấu tranh cho sự bình đẳng. Siêu mẫu Naomi Campbell, Alek Wek, chuyên gia trang điểm Pat McGrath, biên tập viên và stylist Andre Leon Talley… là những điển hình.
Tình hình dần trở nên tươi sáng hơn khi sự đa dạng về hình tượng thời trang ngày càng được đề cao. Không còn là thế giới thời trang riêng của người da trắng nữa, mà cơ hội đang dành cho tất cả. Sự kiện đáng nói nhất có lẽ là nhà thiết kế Virgil Abloh được đề bạt vị trí giám đốc sáng tạo của hãng thời trang danh tiếng Louis Vuitton và Edward Enninful trở thành tổng biên tập nam đầu tiên của tạp chí Vogue tại nước Anh. Mùa thời trang thu-đông 2018 còn ghi dấu kỷ lục về những buổi trình diễn có số lượng người mẫu da đen và da vàng lên đến 70%.
Các ấn phẩm được phát hành trong tháng 9 của các tạp chí được xem là quan trọng nhất của lĩnh vực thời trang cũng đánh dấu sự đổi thay ngoạn mục. Đầu tiên là hai phiên bản Vogue tại Mỹ và Anh đều đưa ảnh của hai nghệ sĩ da màu là Beyoncé và Rihanna. Riêng Vogue tại Mỹ được chụp bởi nhiếp ảnh gia da màu đầu tiên trong lịch sử ngành thời trang. Ngoài ra, còn có tờ Porter với Lupita Nyong’o, Marie Claire với Zedaya, tờ Elle tại Canada với Tracee Ellis Ross, và Elle tại Anh với người mẫu Slick Woods.
Thị trường thời trang mở rộng cho những khách hàng có thân hình đẫy đà là lý do để nhiều nhà thiết kế bắt đầu lựa chọn người mẫu to tròn cho buổi trình diễn của họ. Trong nhiều mùa liên tiếp, các màn trình diễn của Michael Kors, Prabal Gurung, Christian Siriano đều xuất hiện nhiều người mẫu ngoại cỡ bên cạnh những người mẫu có thân hình mảnh mai. Ngoài thông điệp về bình đẳng sắc tộc, động thái này còn mang đến sự tự tin cho những khách hàng vốn tự ti về thân thể của mình.
Sự phá bỏ ranh giới trong thời trang không chỉ dừng lại ở màu da, mà còn ở giới tính. Nếu như ngày xưa, người mẫu phi giới tính adrogyny đã gây sốc thì ngày nay, người mẫu chuyển giới lại tỏa sáng. Một trong những gương mặt sáng giá của làng mẫu hiện tại là Teddy Quinlivan – gương mặt quen thuộc trong những show diễn của Louis Vuitton, Christian Dior, Marc Jacobs, Moschino, Dsquared2… Bên cạnh đó còn có Ariel Nicholson Murtagh – một gương mặt của thương hiệu Calvin Klein cũng đang được nhiều người yêu thích.
Việc đa dạng hóa hình tượng thời trang không chỉ mang ý nghĩa về sự bình đẳng sắc tộc cũng như giới tính, mà còn mang thông điệp về cái đẹp có thể tồn tại ở bất kỳ màu da hay hình dáng nào.