Trong những lần trở về thăm nhà, tôi chứng kiến một đất nước còn nghèo nàn, nhiều người dân phải sống trong hoàn cảnh rất khó khăn; các cơ sở y tế, bệnh viện thiếu thốn… Vì vậy, trong tôi đã khao khát làm gì đó để góp phần cải thiện quê hương.
Giáo sư Nguyễn Sĩ Huyên là một trong những đại diện người Việt thành công ở nước ngoài và có tâm huyết phát triển ngành y ở quê hương. Ông hiện là Phó khoa Nội tim mạch – Hồi sức cấp cứu nội khoa đồng thời là Chủ nhiệm khoa Y học giấc ngủ của Bệnh viện Helios St. Marienberg (TP. Helmstedt, CHLB Đức).
Từ năm 1985, ông thường xuyên về Việt Nam hỗ trợ ngành y tế trong nước, đặc biệt là tham gia đào tạo chuyên môn về tim mạch. Ông là người khởi xướng thành lập khoa Y Việt – Đức của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh từ năm 2013. Ông cũng nỗ lực kết nối giữa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với Đại học Y khoa Mainz (Đức) để sinh viên khoa Y Việt – Đức có cơ hội được đào tạo và cấp bằng theo tiêu chuẩn châu Âu. GS Nguyễn Sĩ Huyên cho biết:
Từ nay, sinh viên của khoa Y Việt – Đức sẽ được đào tạo theo chương trình của Đại học Mainz. Sau khi hoàn thành năm năm học, nếu vượt qua các điều kiện thi tuyển, các em sẽ được thực hành tại bệnh viện Đức và có cơ hội làm việc ở châu Âu sau khi tốt nghiệp.
Nhờ sự hợp tác giữa Đại học Mainz và Viện Khảo thí quốc gia về Y dược Đức (IMPP) thể hiện trong văn bản được ký kết ngày 26-10-2018, sinh viên Việt Nam sẽ được tham gia trực tiếp vào tất cả các kỳ thi y khoa cùng với sinh viên Đức. Thật vui vì lần đầu tiên, một trường đại học ở Việt Nam được đánh giá bằng các tiêu chuẩn y khoa của Đức. Chương trình liên kết này cũng được IMPP và Hội đồng các bác sĩ tiểu bang Rheinland Pfalz đánh giá là một chương trình khuôn mẫu cho việc kiểm tra chất lượng đào tạo y khoa ở các nước ngoài châu Âu.
____
Cơ duyên nào để giáo sư gắn bó với Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch?
Tôi gắn bó với trường đại học này từ năm 1985, qua thời gian làm việc với viện sĩ Dương Quang Trung – nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 1989, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP. Hồ Chí Minh ra đời từ đề xuất của bác sĩ Dương Quang Trung.
Mô hình “trường – viện – cộng đồng” là một chủ trương sáng tạo, đã có nhiều đóng góp hiệu quả trong việc kiện toàn mạng lưới y tế của thành phố, trong đó có chương trình đào tạo sinh viên y khoa cho thành phố. Thời gian này, tôi chỉ là giáo sư thỉnh giảng nhưng đã mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho trường nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung.
Thực ra, mong ước này đã nhen nhúm trước đó rất lâu. Tôi xa quê hương từ năm 1970. Mười năm sau đó, trong những lần trở về thăm nhà, tôi chứng kiến một đất nước còn nghèo nàn, nhiều người dân phải sống trong hoàn cảnh rất khó khăn; các cơ sở y tế, bệnh viện thiếu thốn, ngay cả những trang bị tối thiểu cho cấp cứu cũng còn sơ sài.
Vì vậy, trong tôi đã khao khát làm gì đó để góp phần cải thiện quê hương. Nhưng trong điều kiện ngành y tế như thế, muốn tìm một đóng góp vừa hiệu quả vừa ít tốn kém quả là không đơn giản. Tôi cũng từng cảm thấy rất mông lung, không biết mình sẽ giúp quê hương thế nào.
Đến năm 2007, ước mơ này trở thành hiện thực khi tôi gặp lại một người bạn cũ và được biết ông đang là Giám đốc điều hành Trường đại học Johannes Gutenberg của thành phố Mainz (Đức). Ông ấy đã giúp tôi kết nối với Đại học Y khoa Mainz và thực hiện chương trình hợp tác đào tạo liên kết nói trên.
____
Một số người thành danh ở Đức nói rằng người Việt muốn chứng minh năng lực trong các hệ thống công ở Đức, thường phải làm việc gấp nhiều lần người bản xứ; riêng ông có cảm thấy mình bị kỳ thị không?
Tôi thấy ở Đức hay ở bất cứ nước nào trên thế giới, người có năng lực và chăm chỉ làm việc thì sẽ được trọng dụng, không phân biệt người nước ngoài hay bản xứ. Đương nhiên, trong môi trường làm việc không thể thiếu sự canh tranh, đôi khi cả những người tỵ hiềm. Nhưng người có năng lực thì chỉ tập trung vào mục tiêu của mình, chứ không mấy quan tâm đến chuyện yêu ghét của người khác.
Sống và làm việc lâu năm ở Đức, tôi được rèn luyện tính chăm chỉ và kỷ luật với chính bản thân. Tôi nghĩ đây là chìa khóa cho những thành công của người Đức trên rất nhiều lĩnh vực: kỹ thuật, y học, văn học, nghệ thuật…
Đức hay ở bất cứ nước nào trên thế giới, người có năng lực và chăm chỉ làm việc thì sẽ được trọng dụng, không phân biệt người nước ngoài hay bản xứ. Tôi nghĩ tính chăm chỉ và kỷ luật với chính bản thân là chìa khóa cho những thành công của người Đức trên rất nhiều lĩnh vực: kỹ thuật, y học, văn học, nghệ thuật…
____
Ngoài chương trình kết nối đào tạo, ông còn là người đầu tiên đưa siêu âm chẩn đoán về giảng dạy tại Việt Nam, đây hẳn là một đóng góp đáng kể của ông cho ngành y tế.
Tôi rất yêu thích siêu âm trong chẩn đoán bệnh và TS Meckler, bạn đồng nghiệp của tôi, lại là một chuyên gia siêu âm hàng đầu ở vùng tôi đang sống (thuộc hai tiểu bang Hessen và Rheinland Pfalz).
Năm 1986, với sự trợ giúp tài chính của Hội hành động giúp đỡ Việt Nam (Hilfsaktion Vietnam), chúng tôi đã đưa về hai máy siêu âm và giảng dạy cho bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh trong hai tuần lễ. Chúng tôi cũng hỗ trợ cho Sở Y tế thành phố thành lập Trung tâm Chẩn đoán siêu âm để đào tạo các bác sĩ trong lĩnh vực này.
Ngược lại, trong hai tuần làm việc tích cực ở Việt Nam, các bác sĩ chúng tôi cũng đã học hỏi rất nhiều về những bệnh lạ chưa từng gặp ở Đức, chẳng hạn như: giun chui đường mật hay lao màng bụng ở nhiều bệnh nhân trẻ. Những bệnh án mới này chúng tôi đã báo cáo tại hội nghị siêu âm ba nước Đức – Áo – Thụy Sĩ và chia sẻ với các đồng nghiệp tại Hội Tim mạch Đức – Việt.
____
Được biết, Hội Tim mạch Đức – Việt cũng là tâm huyết của ông cùng các đồng nghiệp ở Đức. Hội đã có những hoạt động gì đáng kể trong hơn 20 năm qua?
Hai mươi năm là một hành trình dài đối với Hội Tim mạch Đức – Việt. Những người xa quê như tôi thật sự hạnh phúc và tự hào vì có thể đóng góp cho quê hương. Hội chúng tôi đã kết hợp với Hội Tim mạch quốc gia Việt Nam cùng hội tim mạch các tỉnh tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn và hội thảo chuyên đề hằng năm.
Nói ngắn gọn là chúng tôi đã mở rộng những chương trình học về siêu âm chẩn đoán cho bác sĩ trên cả nước. Đặc biệt là thời gian gần đây, GS Wolfgang Fehske của hội chúng tôi đã cùng Viện Tim quốc gia tại Hà Nội triển khai siêu âm tim ba chiều và sử dụng kỹ thuật siêu âm mới Speckle Tracking trong chẩn đoán bệnh tim.
Trong hơn hai thập niên qua, ngoài những hội thảo khoa học và hội thảo chuyên đề về tim mạch, tổ chức hằng năm trong và ngoài nước, hội chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho thành phố giải quyết những ca mổ tim phức tạp ở các bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, Tâm Đức…
Một trong những chương trình nhận được sự quan tâm rộng rãi của các bác sĩ trong nước đó là chương trình đào tạo chuyên môn về tim mạch và đặc biệt là sinh lý điện tim tại Đức ngắn hạn 3-6 tháng tại khoa Tim mạch Bệnh viện Vinzenz (TP. Cologne), dưới sự hướng dẫn của GS Wolfgang Fehske và TS Nguyễn Đình Quang. Trong năm năm qua đã có nhiều bác sĩ Việt Nam, đặc biệt là các bác sĩ Viện Tim quốc gia được đào tạo tại đây.
Một điều đáng ghi nhận là sự phát triển vượt bậc của ngành tim mạch trong nước 20 năm qua – như một cơn mơ! Tôi còn nhớ những năm đầu thập niên 1990 còn phải “cầm tay” chỉ dẫn cho các bác sĩ về siêu âm tim mà nay những khám nghiệm tim đã có ở hầu hết các phòng khám với độ chính xác cao. Đây chỉ là một ví dụ đơn cử cho sự phát triển vượt bậc của ngành y trong nước, là kết quả từ nỗ lực rất lớn của các đồng nghiệp đầu ngành về tim mạch trong nước như GS Phạm Gia Khải (Hà Nội), GS Đặng Vạn Phước (TP. Hồ Chí Minh), GS Phạm Nguyễn Vinh, GS Huỳnh Văn Minh (Huế) và nhiều bác sĩ tâm huyết khác.
Bác sĩ là người luôn ý thức được rằng trong mọi trường hợp, không làm gì ngoài giới hạn sự hiểu biết và khả năng của mình. Và người bác sĩ giỏi thì không bao giờ làm điều gì gây tổn hại cho bệnh nhân.
____
Khoa Y học giấc ngủ ở Việt Nam hiện vẫn chưa được mọi người quan tâm nhiều. Ông có thể nói thêm về khoa này?
Y học giấc ngủ còn rất non trẻ. Mặc dù khoa học về giấc ngủ đã được quan tâm từ thời cổ đại, nhưng mới được nghiên cứu ở cấp độ thử nghiệm và phát triển thật sự từ nửa sau thế kỷ 19, đặc biệt là với sự phát minh phương pháp đo điện não (Electroencephalography) vào đầu thế kỷ 20, cho phép theo dõi được những hoạt động của não bộ ở tình trạng thức và ngủ, phân chia giấc ngủ theo nhiều giai đoạn khác nhau, qua đó đánh giá được mức độ rối loạn giấc ngủ.
Kỹ thuật khám nghiệm kết hợp với đo đạc cùng lúc nhiều chức năng khác của cơ thể hiện nay (như đa ký giấc ngủ – Polysomnography) giúp phát hiện được những rối loạn chức năng của cơ thể liên quan đến giấc ngủ, tiêu biểu là Hội chứng ngưng thở khi ngủ – một trong những bệnh án thường gặp, một yếu tố nguy cơ tim mạch độc lập ở bệnh nhân huyết áp cao, béo phì, mắc bệnh thiểu năng động mạch vành… Ở những bệnh nhân này, nếu có điều trị kịp thời thì có thể cải thiện được nguy cơ nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não.
____
Hẳn là giáo sư có không ít những kỷ niệm khó quên trong 20 năm qua?
Rất nhiều kỷ niệm khó quên, nhưng có hai kỷ niệm vui mà tôi nhớ mãi. Một là cơ duyên được mời tư vấn sức khỏe cho đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 1996. Đại tướng đã để lại ấn tượng đẹp trong tôi về một con người lịch sự, hiền hòa.
Một câu chuyện khác là đầu những năm 1990, khi đang tham gia đào tạo tại Việt Nam, tôi được báo về trường hợp một bệnh nhi bị sốt cao, điều trị kháng sinh không thuyên giảm và tình trạng suy tim ngày càng nguy kịch. Đây là bệnh nhi bị hội chứng Kawasaki đầu tiên tại Việt Nam, được phát hiện nhờ siêu âm tim. Sau đó, cháu bé đã được phẫu thuật tim và hồi phục. Từ những ca bệnh như thế mới thấy siêu âm tim trong chẩn đoán quan trọng và cần thiết thế nào.
Tuy nhiên, cũng có những chuyện khiến tôi trăn trở khá nhiều. Ở Đức, mỗi bệnh nhân đều được điều trị tối đa, trừ khi y học đã “bó tay”. Nhưng ở Việt Nam, tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân bị từ chối điều trị vì không đủ tiền viện phí.
Người Đức phải đóng bảo hiểm sức khỏe tương đối tốn kém, nhờ vậy mọi người đều được hưởng lợi cho việc điều trị đầy đủ trong mọi tình huống. Muốn được như vậy, thì đời sống người dân phải ổn định, lương bổng phải phù hợp để có thể chi trả cho bảo hiểm sức khỏe.
Có lẽ điều này ở Việt Nam còn quá xa vời, trong khi tình trạng cách biệt giàu nghèo ở nước ta ngày càng lớn. Vì vậy, rất cần xây dựng một quỹ nhân ái từ những đóng góp của các doanh nhân giàu có để hỗ trợ cho người nghèo. Hội chúng tôi chỉ có thể đóng góp các mặt về chuyên môn nhưng nguồn đóng góp tài chính thì hữu hạn.
Sự đóng góp của những doanh nhân giàu có cho lĩnh vực y tế là rất cần thiết và cũng thật sự có ý nghĩa đối với nhiều bệnh nhân nghèo đang cần những tấm lòng nhân ái để giúp họ có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Người Đức phải đóng bảo hiểm sức khỏe tương đối tốn kém, nhờ vậy mọi người đều được hưởng lợi cho việc điều trị đầy đủ trong mọi tình huống. Có lẽ điều này ở Việt Nam còn quá xa vời, trong khi tình trạng cách biệt giàu nghèo ở nước ta ngày càng lớn. Vì vậy, rất cần xây dựng một quỹ nhân ái từ những đóng góp của các doanh nhân giàu có để hỗ trợ cho người nghèo.
____
Một người đã gắn bó lâu năm với nghề y như giáo sư có lẽ có nhiều tâm tư, tình cảm với nghề?
Trong những lần giảng bài cho sinh viên tôi thường hỏi: “Các em nghĩ thế nào là một bác sĩ giỏi”. Phần lớn các em trả lời rằng bác sĩ giỏi là người hiểu biết nhiều, kiến thức rộng. Nhưng kiến thức không có giới hạn, hiểu biết đến đâu mới có thể gọi là giỏi? Tôi nói với sinh viên: “Sinh viên tốt nghiệp đại học y khoa là giỏi rồi, tốt nghiệp chuyên khoa lại càng giỏi hơn nữa, nhưng một bác sĩ giỏi thì không bao giờ làm điều gì gây tổn hại cho bệnh nhân”.
Đối với tôi, bác sĩ là người luôn ý thức được rằng trong mọi trường hợp, không làm gì ngoài giới hạn sự hiểu biết và khả năng của mình, ngoại trừ những tình huống không thể tránh. Trong nhiều năm gần đây, tôi thấy nhiều khiếu nại của bệnh nhân đã được giới có thẩm quyền quan tâm giải quyết. Tôi nghĩ những đòi hỏi chính đáng của bệnh nhân cần được làm sáng tỏ, đồng thời bác sĩ cần cảnh giác, không nên vượt qua giới hạn của mình.
____
Cảm ơn giáo sư về những chia sẻ trên.