Thử tưởng tượng bạn mua một ngôi nhà cũ để sửa sang lại làm chốn cư ngụ, nhiều thứ trong ngôi nhà ấy thoạt trông có vẻ vô giá trị, không ngờ là cả một kho báu. Đó là câu chuyện mới diễn ra tại một vùng nông thôn ở bangNew York(Mỹ) và kho báu là một bộ sưu tập tranh bị lãng quên…
Năm 2007, Thomas Schultz và Lawrence Joseph cùng mua một ngôi nhà ở vùng nông thôn Bellport thuộc quận Suffolk (bang New York, Mỹ) với giá 300.000 USD; đồng thời họ trả thêm 2.500 USD để mua toàn bộ số tranh lên đến hàng ngàn bức của chủ nhân ngôi nhà đã qua đời năm 1999 – một họa sĩ sống khép kín, không được biết đến nhiều lúc ấy. Tất cả những tranh vẽ và phác thảo ấy bị bỏ lăn lóc trên tầng áp mái đã xập xệ, và do vậy nhiều bức đã bị hư hỏng. Schultz và Joseph tìm cách phục chế chúng, làm khung tử tế cho toàn bộ tranh và phác thảo, rồi thông qua những ghi chép, nhật ký của tác giả họ bắt đầu tìm hiểu giá trị của những gì mình đang sở hữu.
Một kho báu suýt bị hủy hoại
Hóa ra, quyết định mua toàn bộ số tranh – lúc đó Schultz cũng như Joseph Lawrence hoàn toàn không rõ giá trị của chúng – không ngờ trở thành một vận may vô cùng lớn lao với họ: bộ sưu tập tranh ấy nay được định giá khoảng 30 triệu USD, theo nguồn tin của báo Wall Street Journal. Chỉ riêng vài bức trong số đó đã được hai chủ nhân mới bán với giá 500.000 USD. Thomas Schultz đã mở hẳn một gallery ở Bellport để trưng bày những tác phẩm họ sở hữu được. Đồng thời 50 bức tranh phong cảnh trong số đó hiện được treo tại tòa nhà Fuller ở khu Manhattan, nơi tập trung nhiều gallery có uy tín tại thành phố New York.
Tác giả của số tranh và phác thảo ấy là họa sĩ Arthur Pinajian, người Mỹ gốc Armenia – “một nghệ sĩ không thích nghi được với những tiêu chuẩn sống của ngày hôm nay” như lời sử gia nghệ thuật Peter Hastings Falk. “Ông vẽ mỗi ngày nhưng không ai nhìn thấy tác phẩm của ông. Ông không được báo chí nhắc đến, và không có tác phẩm nào của ông được in trên báo cũng như được triển lãm tại một gallery hay bảo tàng nào đó ở New York” – Peter Hastings Falk nhận định về họa sĩ Arthur Pinajian khi trả lời phỏng vấn của tuần báo The Armenian Weekly. Thật ra, mong muốn của Arthur Pinajian trước khi ông qua đời là đem chôn vùi toàn bộ những gì ông đã vẽ trong nhiều năm ở bãi rác thải Brookhaven của bang New York, thế nhưng gia đình ông đã không thực hiện di chúc đó. Nhờ vậy mà Schultz và Joseph đã trở thành “nhân vật quan trọng về nghệ thuật” như họ tự nhận trên báo New York Times.
Một nghệ sĩ bí ẩn giữa đời thường
Một cuộc triển lãm tranh trừu tượng của Arthur Pinajian đã được khai mạc ngày 13-2 vừa qua tại sảnh Antiquorum trên tầng 5 tòa nhà Fuller. Triển lãm cho thấy tài năng của một họa sĩ có thể so sánh với nhà danh họa Arshile Gorky của tranh trừu tượng Mỹ hiện đại. Dịp này, một vựng tập được in, có tựa Pinajian: một bậc thầy trừu tượng được phát hiện với những bài tiểu luận của các học giả có uy tín và được Peter Hastings Falk biên tập. Trong buổi tiệc chiêu đãi nhân khai mạc phòng tranh, có một người khách cho biết nhiều năm trước, vợ chồng ông đã mua được một bức tranh phong cảnh của Pinajian với giá chỉ 100 USD mà “nhờ vậy họa sĩ có tiền mua sơn để vẽ”. Trong khi đó, theo giá thị trường hiện nay thì một bức tranh trừu tượng đang được triển lãm của ông có giá từ vài ngàn tới vài chục ngàn USD tùy theo kích thước, chất liệu. Nhưng một nhà buôn tranh kỳ cựu ở New York tiên đoán rằng chỉ trong một vài năm tới, giá tranh của Arthur Pinajian sẽ tăng vọt, cao gấp 3-4 lần giá công bố hiện nay, khi mà những người ái mộ ông ngày càng đông.
Arthur Pinajian sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, thời trẻ học rất giỏi, nhảy lớp và đam mê vẽ, có thể vẽ cùng lúc bằng cả hai tay. Tốt nghiệp trung học ở tuổi 16, vào thời Đại khủng hoảng năm 1930, để giúp đỡ gia đình đang chịu cảnh thất nghiệp, ông phải bỏ dở việc học để đi làm. Như bao người trẻ khác thời đó, chàng trai Pinajian tìm đến phim ảnh để thoát khỏi những trói buộc áo cơm, và sau khi xem bộ phim gangster Scarface (Mặt thẹo), Pinajian bắt đầu vẽ truyện hoạt hình. Sau đó, ông được thuê vẽ truyện hoạt hình và dần dà trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyện tranh.
Sau thời gian phục vụ quân ngũ trong Thế chiến II, Pinajian bắt đầu hướng tới hội họa, say mê xem tranh ở tất cả các bảo tàng và gallery tạiNew York. Trong gần ba mươi năm sau đó, ông dành trọn đời mình cho hội họa, vẽ và vẽ không ngừng trong một căn phòng nhỏ ở ngôi nhà vùng nông thôn Bellport.Chỉ tám năm trước khi Pinajian qua đời thì người thưởng ngoạn mới được xem tranh ông ở một vài triển lãm hiếm hoi. Người nghệ sĩ tài năng này hầu như không màng gì đến chuyện mua bán tranh, ông không có chút liên hệ nào với thị trường nghệ thuật và cũng chẳng quan tâm đến tiếng tăm, danh vọng, chỉ mải miết vẽ. Trong một lần triển lãm, tranh của ông được bán chỉ để gây quỹ từ thiện cho cộng đồng người Armenia sinh sống tại Mỹ.
Nhận định này phù hợp với những gì nhà sử học nghệ thuật William Innes Homer viết trong một cuốn sách mới in của ông, qua đó tác giả đã ca ngợi tranh của Pinajian ở trong số các tác phẩm trừu tượng xuất sắc nhất vào thời đại của ông.
- Đông Hà