Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ nhất (VRDF) diễn ra tuần qua là dịp để chúng ta nhìn thẳng vào những cản ngại trên con đường phát triển, dù đã được sự ủng hộ và đồng hành đáng tin cậy của những đối tác, nhà tài trợ.
Phát biểu tại diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng sau hơn 25 năm chuyển mình, từ một nước nhận viện trợ, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, năng động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Ông thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng, một quốc gia như Việt Nam ngày nay có thể vượt thoát bẫy thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập trung bình cao sẽ là thử thách đầy khó khăn không kém.
Thời gian qua chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện ba điểm nghẽn chiến lược cản trở sự phát triển là thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng những kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như chưa tương xứng với tốc độ phát triển mà Việt Nam kỳ vọng trong giai đoạn tới đây.
Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn “các nhà tài trợ tiếp tục gửi gắm niềm tin và đồng hành, giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, thoát nguy cơ bị tụt lại phía sau trong thế giới toàn cầu hóa”.
Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045 – mốc lịch sử 100 năm độc lập. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không hề dễ dàng, bởi vì khi đạt được mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ là thách thức rất lớn. Việt Nam tiếp tục tập trung giải quyết ba điểm nghẽn để chuyển hóa thành ba đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển.
Về thể chế, Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp hơn vào quá trình lập chính sách. Tập trung chuyển đổi số hóa Chính phủ, trong đó ưu tiên xây dựng khung pháp lý về số hóa và cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính.
Về chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ xác định nhân lực là chìa khóa vàng cho sự thành công trong tương lai và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để xây dựng được nguồn lực con người chất lượng phục vụ tăng trưởng bền vững. Hiện Việt Nam chỉ có 40% lực lượng lao động qua đào tạo và thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng trong Cách mạng công nghiệp 4.0.
Về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn tới, Việt Nam ưu tiên đầu tư cho hạ tầng thông minh, hạ tầng công nghệ số để tăng khả năng kết nối các yếu tố và tài nguyên của nền kinh tế.
Thực hiện ba đột phá nêu trên, để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ sẽ bổ sung thêm hai đột phá mới, coi đó là hai động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới. Một là thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0. Hai là thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân.
Dưới một góc nhìn khác, các ý kiến của chuyên gia nước ngoài như một bổ sung đáng kể để kinh tế Việt Nam khởi sắc trong thời gian ngắn.
- Xem thêm: Thách thức phát triển và nỗi lo tụt hậu
Ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) ví von cải cách và phát triển như một cuộc thi hoa hậu, mà ở đó, “Việt Nam phải đẹp nhất”. Việt Nam phải hoàn hảo hơn, bằng sự liên tục cải cách, có năng lực cạnh tranh, hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Theo vị chuyên gia WB, Việt Nam cần giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương trong ngắn hạn từ các tác động bên ngoài với nền kinh tế; tăng cường tính sẵn sàng, bao gồm cả các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa.
Việt Nam cần tiếp tục cải cách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có cải cách về chính sách thương mại và đầu tư.
Bên cạnh đó, xây dựng kỹ năng cho người lao động, bao gồm các kỹ năng nhận thức bậc cao và kỹ năng số, thông qua mở rộng tiếp cận giáo dục sau phổ thông. Việc nâng cao kỹ năng là điều rất quan trọng, giúp nguồn nhân lực có tính cạnh tranh, thích ứng với sự thay đổi về nghề nghiệp và công nghệ trên thế giới mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.
Cuối cùng, đề nghị Việt Nam tăng cường tính bao trùm sự phát triển và cải cách đến mọi vùng miền, mọi tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt, việc mở rộng dịch vụ việc làm và tiếp cận công nghệ số.
Một ngành hoạt động khác đóng góp quan trọng vào quá trình vượt khó của kinh tế Việt Nam là du lịch. Ngành “công nghiệp không khói” này tăng trưởng hai lần trong nhiều năm qua, đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP.
Nhưng nếu không có sự thay đổi trong những năm tiếp theo thì du lịch Việt Nam sẽ khó có thể cất cánh như kỳ vọng. Nội dung này cũng được mổ xẻ trong một diễn đàn tổ chức tuần qua quy tụ nhiều chuyên gia trong ngành.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, du lịch là ngành “nóng” liên quan đến nhiều ngành, nhiều người. Du lịch Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng nhanh so với tốc độ phát triển của thế giới. Làm thế nào duy trì tăng trưởng và giải quyết thách thức là yêu cầu lớn với ngành du lịch.
“Du lịch hiện được coi là ngành kinh tế phát triển chung cùng nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch sẽ không phải đi cùng nữa mà sẽ nhận vai trò tiên phong, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng cường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn. Tôi có niềm tin những người làm du lịch sẽ cùng nhau làm điều này”, ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh và nêu ví dụ: Du lịch nông nghiệp làm tốt sẽ thúc đẩy toàn bộ sản xuất kinh doanh, sẽ sản xuất ra sản phẩm an toàn hơn, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hỗ trợ xuất khẩu tốt hơn.
Việc đẩy mạnh hình thức du lịch ở trọ nhà dân (homestay), du lịch cộng đồng, không chỉ giúp người nghèo miền núi tăng thu nhập, mà quan trọng là mang thế giới đến ngay tận gia đình người nông dân, nhất là có tác động đến các em nhỏ. Du lịch sẽ thay đổi tương lai của những gia đình này.
- Xem thêm: Khai thác thị trường du lịch tàu biển
“Truyền thông cũng là bài toán được đặt ra với du lịch Việt. Làm sao để thế giới biết về Việt Nam không chỉ ở những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa khai phá mà còn phát huy những vẻ đẹp truyền thống. Phó Thủ tướng cho rằng, công nghệ sẽ là lời giải cho bài toán phát triển du lịch bền vững. Ngành du lịch có thể quảng bá tốt hơn với các công nghệ mới. Việt Nam cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành du lịch.
Trước đó, khách mời tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam (ngày 5 và 6-12) là ông John Lindquist, thành viên Hội đồng Du lịch Vương quốc Anh cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, tăng trưởng nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng khó khăn là làm thế nào để đưa ngành công nghiệp không khói lên tầm cao mới.
Ông John Lindquist chỉ ra Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực, nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ tạo cú hích về du lịch trong tương lai. Cụ thể, theo tính toán, khi Việt Nam miễn visa cho Anh, Ý thì tổng lượng khách đến tăng 20%. “Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường hạ tầng sân bay, bởi hai sân bay lớn nhất hiện nay đang quá tải” – ông John Lindquist chia sẻ.
Ông John Lindquist cho biết thêm, trong khi Úc, Anh hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia… chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD, thì Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch. Do đó, Việt Nam cần tăng tỷ lệ đầu tư vào du lịch, đây là sản phẩm tiêu dùng, vì vậy cần cung cấp nhiều lựa chọn cho du khách.