Làm thế nào để các bạn trẻ lựa chọn một công việc tương đối phù hợp, hạn chế tình trạng “nửa đường đứt gánh” vì chọn nhầm ngành học?
Theo GS John Vũ, một nhà khoa học đồng thời là giảng viên người Việt ở Mỹ, đó là trước khi bước chân vào đại học, hãy cho các em lập kế hoạch nghề nghiệp dựa trên các thông tin thị trường việc làm. “Tôi muốn khuyên các em hãy lập kế hoạch nghề nghiệp của mình sớm nhất, bằng việc nghiên cứu xu hướng thị trường và nói chuyện với những người làm việc trong lĩnh vực chuyên môn để biết nhiều hơn, trước khi quyết định chọn lĩnh vực học tập cho mình. Đừng đợi cho tới khi tốt nghiệp các em mới biết rằng xã hội không có nhu cầu về kỹ năng nghề nghiệp đó”, ông nói.
Tìm thông tin về thị trường việc làm
Đứng trước ngưỡng cửa đại học, các bạn trẻ thường được khuyên là hãy lựa chọn lĩnh vực học tập hoặc chuyên ngành mà bạn yêu thích và đam mê. Tuy nhiên, GS John Vũ cho rằng như thế chưa đủ, mà cần đảm bảo có thể kiếm sống bằng nghề đó. Các bạn trẻ thường lựa chọn lĩnh vực học tập dựa trên nhiều yếu tố nhưng phần lớn không chú ý tới tình hình thực tế và nhu cầu của thị trường việc làm. Họ không biết lĩnh vực nào đang có nhu cầu lao động cao, cũng không biết khu vực nào đang có tiềm năng phát triển. Thậm chí họ cũng không quan tâm mức lương nhận được trong ngành nghề mình chọn có đủ để đáp ứng cuộc sống tương lai không… Và như thế, các bạn sẽ sớm bị “vỡ mộng” khi ra trường.
Về tình hình thị trường việc làm, theo GS John Vũ, từ năm 2010 đến 2020, mức lương cao nhất cũng như việc làm tốt nhất ở Mỹ thuộc về các ngành như khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Trong khu vực khoa học có: ngành y, ngành dược và chăm sóc sức khỏe. Trong khu vực công nghệ có công nghệ thông tin (khoa học máy tính, kỹ nghệ phần mềm và quản trị thông tin), công nghệ sinh học và công nghệ Nano. Trong khu vực kỹ thuật có kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật hóa học và kỹ thuật vật liệu. Trong toán học có kê khai, kế toán, thống kê và toán học ứng dụng.
Theo những báo cáo này, các lĩnh vực như kinh doanh, tài chính, bán hàng và tiếp thị (marketing) vẫn còn phát triển nhưng không tăng trưởng nhanh như vài năm trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Do cung từ các trường đại học quá nhiều so với thực tế của thị trường khiến mức độ cạnh tranh trong môi trường làm việc của các ngành này ngày càng dữ dội, trong khi mức lương sẽ không tăng nhiều trong vài năm tới.
Lập kế hoạch nghề nghiệp
Việc lập kế hoạch nghề nghiệp là bản chất trong thị trường cạnh tranh hiện nay, và mọi thầy cô giáo nên khuyến khích học sinh suy nghĩ nghiêm chỉnh về nghề nghiệp thậm chí trước khi bắt đầu vào đại học. Điều này có nghĩa là học sinh có thể quyết định môn học nào họ cần học, kỹ năng nào họ cần phát triển trong thời gian đại học đồng thời xác định chuyên ngành và lĩnh vực học tập phù hợp với kế hoạch này.
Lựa chọn sai chuyên ngành hoặc lĩnh vực học tập có thể gây ra nhiều vấn đề. Trong trường hợp bạn cảm thấy không chắc lắm, hãy tìm cách tham quan và dự một số lớp trước khi ra quyết định. Nói chuyện với các giáo sư và sinh viên trong trường để hình thành ý niệm cá nhân về chuyên ngành, lĩnh vực.
Theo GS John Vũ, sinh viên cần phải có đam mê với ngành nghề đã chọn: “Trước khi trở thành sinh viên giỏi rồi sẽ trở thành người có chuyên môn giỏi, bạn trẻ cần phải yêu thích công việc dự định sẽ gắn bó suốt đời. Phải có lý tưởng, chỉ khi đó bạn mới có thể không ngừng phấn đấu nhằm xây dựng sự nghiệp hướng tới mục đích làm lợi cho xã hội và kỳ vọng nhận được sự thừa nhận của cộng đồng. Hãy nhớ, bạn chỉ học trong trường vài năm nhưng bạn sẽ phải làm việc trong ngành nghề bạn chọn nhiều năm sau đó. Cuối cùng, tôi cho rằng bạn không nên vội quyết định và lên kế hoạch tài chính với phụ huynh khi chưa trực tiếp tới thăm ngôi trường mà bạn muốn thi vào. Bạn nên nói chuyện với sinh viên ở đó để có thêm các dữ kiện cần thiết về trường, xem liệu đây có phải là ngôi trường phù hợp với bạn hay không”.
- Xem thêm: Các kỹ năng CNTT, KTS và kỹ năng giao tiếp tốt có thể đem lại triển vọng nghề nghiệp vượt trội
Mặt khác, GS John Vũ còn yêu cầu học sinh cân nhắc lại bản kế hoạch nghề nghiệp của họ, nhận diện các kỹ năng còn thiếu để bổ sung trước khi tốt nghiệp. Phương pháp của ông khá đơn giản, đó là: hãy nhận diện ba công ty muốn làm việc, tìm công việc muốn làm, đọc mô tả việc làm để nhận diện các kỹ năng được yêu cầu, xác định có hay không có những kỹ năng đó, nếu không có thì tìm các môn học giúp phát triển những kỹ năng đó. “Bản kế hoạch nghề nghiệp là bản đồ giúp các em trên hành trình giáo dục của mình. Bằng việc có ý nghĩ sớm về nghề nghiệp tương lai, biết kỹ năng nào cần sẽ giúp các em chọn môn học thích hợp để phát triển những kỹ năng đó. Chẳng hạn, nếu muốn làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) thì cần phát triển những kỹ năng đặc biệt như Python, Java và học một số môn học liên quan tới lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các em cần đọc về tin tức AI trong các tạp chí kỹ thuật, các bài nghiên cứu AI được xuất bản trong các tạp chí và blogs cùng các bài có liên quan tới nghề AI”, ông nói.
Quả thật, việc sinh viên không lập kế hoạch nghề nghiệp của họ thường gặp khó khăn trong tìm việc làm. Việc lập kế hoạch nghề nghiệp sớm trong khi đang học giúp cho sinh viên khám phá loại công việc họ muốn làm sau khi tốt nghiệp, cũng như cung cấp cho họ các kỹ năng mà thị trường việc làm cần. Nhiều sinh viên tốt nghiệp thất bại khi tìm việc làm vì không hiểu yêu cầu của công việc mà họ muốn được nhận. Các công ty không thuê người tốt nghiệp dựa trên bằng cấp, nhưng dựa trên kỹ năng họ cần và sinh viên tốt nghiệp phải chứng tỏ được điều đó khi phỏng vấn xin việc.