Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần vừa rồi có giới thiệu mẫu thời trang “Dã ngoại mùa hè cùng Valerie Mckenzie” thật tuyệt vời!
Tuyệt vời không chỉ bởi những người mẫu đã trình bày một thứ trang phục nhẹ nhàng, thanh thoát mà còn bởi những nụ cười sảng khoái, tràn đầy hạnh phúc trên môi của họ.
Có lẽ đây là lần đầu tiên được thấy nụ cười hồn nhiên, tươi tắn như vậy của những người mẫu, còn thường thì như đã nói ở một “Thư gởi người bận rộn” trước đây, người mẫu thời trang luôn phải đằng đằng sát khí, hầm hầm, kênh kiệu hoặc lẫm liệt oai phong, nghênh ngang, kẻ cả, như cốt để gây cho người xem sự… bực mình, thấy ghét, rồi ghét lây đến mẫu thời trang mà họ đang mặc.
Ý đồ của nhà thiết kế có lẽ chỉ cần làm sao cho quái dị, cho độc đáo, cho… dễ ghét vì theo tâm lý học thì “ghét chừng nào… nhớ chừng đó”, nhờ vậy mà tên tuổi nhà thiết kế, người mẫu được mọi người biết đến… nhanh hơn và nhớ lâu hơn! Không một nụ cười, đó là thông lệ quốc tế, theo các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp giải thích!
- Xem thêm: Có một nụ cười…
Ta đang “hội nhập” thì càng không được cười, càng phải hầm hầm, kênh kiệu giống họ thôi, dù người Việt Nam thì ai cũng biết là “gì cũng cười”! Những người ngoại đạo như chúng ta vẫn nghĩ đơn giản rằng thời trang là để làm đẹp cho con người, làm cho con người được thêm hạnh phúc.
Cứ nhìn những người mẫu “dã ngoại mùa hè” mà coi. Họ hoặc chèo thuyền, hoặc câu cá, hoặc đi dạo… đều tươi cười, hồn nhiên, thoải mái trong những mẫu quần áo dịu dàng, tươi trẻ, màu sắc hài hòa với thiên nhiên. Màu của cỏ xanh, của lúa vàng, màu gụ, màu đất, màu hồng phấn, nâu non… Đúng là những trang phục thi vị và thư giãn, cho một mùa hè đầy sức sống.
Tôi không biết Valerie Mckenzie là ai, ở đâu, nhưng chắc là một người ngoại quốc, những người mẫu của họ cũng là người ngoại quốc, nhưng khung cảnh trình diễn thì lại là khung cảnh đồng quê Việt Nam rất thân quen. Con thuyền, dòng sông, bãi cỏ, khóm lúa… Nhìn những người mẫu tươi cười, vui vẻ trong trang phục đó, giữa khung cảnh đó, người ta thấy thời trang không còn xa lạ với… con người nữa.
Thời trang đã đi vào cuộc sống. Rất đời thường. Rất gần gũi. Có người nói rằng thiết kế thời trang là chuyện sáng tạo riêng tư của người nghệ sĩ, chỉ để trình diễn trên sân khấu, trên sàn diễn. Trình diễn là để coi, không để mặc đi ngoài phố, càng không thể mặc ở nơi làm việc, lao động, học hành. Và dĩ nhiên, chỉ có những nhà chuyên môn mới được bình phẩm, đánh giá nhau thôi, còn người thường chỉ được phép… kính nhi viễn chi.
Ngay chiếc áo dài truyền thống của nữ sinh Việt Nam mà ai cũng ngợi ca, mặc vào có thể biến một thiếu nữ bình thường thành một nàng tiên yểu điệu thục nữ cũng đã bị “biến tấu”, cách điệu khá lạ lùng, biến thành những chiếc áo nhìn không ra với những người mẫu cấm cười, lạnh lùng băng giá, kiêu sa như… “cô ba hột vịt lộn” (nhân vật kịch Kim Cương) thì quả là tội nghiệp!
- Xem thêm: “…Khúc khích trên lưng…”
Mẫu của Valerie Mckenzie kỳ này nói dành cho “dã ngoại mùa hè”, cũng có nghĩa là có những mẫu cho mùa thu, mùa đông, những mẫu cho lúc làm việc, lúc dạo chơi… khác. Tóm lại là sẽ có nhiều mẫu phù hợp cho từng đối tượng, tuổi tác, nghề nghiệp. Như vậy là sẽ rất phong phú, dễ được đón nhận, dễ đưa vào sử dụng trong đời sống chăng?
Nhiều nhà thiết kế thời trang của ta hiện nay rất có tài năng, lại còn rất trẻ, thừa sức làm ra những mẫu thời trang đẹp, phù hợp với vóc dáng, với văn hóa, xã hội và cả… túi tiền của chúng ta. Hãy đợi đấy! Cái thời thiết kế là để thiết kế, sáng tạo ra những mẫu kỳ quặc, chỉ mong mang đi nước này nước nọ, mong chiếm một cái giải thưởng gì đó rồi sẽ qua thôi!
Nhưng, sắp tới đây, Festival Huế lại có buổi trình diễn thời trang áo dài của nữ sinh, lẽ nào cũng lại biến cầu Trường Tiền thơ mộng thành một sàn diễn khổng lồ, cứng ngắc, với những khuôn mặt nữ sinh Huế “lạnh lùng mà đi, luyến tiếc thêm chi”?
Hẹn thư sau. Thân mến.