Tháng 10 này, làng Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) vừa tròn 10 năm được Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Nam chọn làm nơi triển khai xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng sinh thái – trở thành làng du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên trong 10 năm đó, khoảng thời gian triển khai hiệu quả đã không kéo dài.
Chỉ sau một thời gian hoạt động, mô hình du lịch làng Trà Nhiêu dần bộc lộ những hạn chế, chủ yếu do thiếu cơ chế quản lý và những quy định ràng buộc trong việc phân chia lợi ích giữa các bên liên quan. Hầu hết doanh nghiệp lữ hành và du khách tự do đến làng Trà Nhiêu trong ngày rồi về Hội An ăn nghỉ. Có ngày Trà Nhiêu đón hơn 100 khách nhưng người dân vẫn không thu được bao nhiêu. Một số gia đình làm nghề thỉnh thoảng có khách ghé thăm, nhưng số tiền nhận được không nhiều do chưa có mức quy định cụ thể.
Tương tự, dự án làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên), đến nay vẫn đạt quá ít kết quả so với kỳ vọng ban đầu. Đã hơn năm năm kể từ ngày khai trương, ước mơ về một điểm đến hấp dẫn gần bên di sản khu đền tháp Mỹ Sơn càng ngày càng xa dần. Ông Võ Văn Xoa, nguyên Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, cho biết, khách tới làng ngày càng vắng. Trong khi Sở VHTT-DL và huyện không hỗ trợ gì, những doanh nghiệp ban đầu cam kết đưa khách tới giờ cũng đã rút lui. Các thành viên trong làng chủ yếu vẫn tự tìm khách bằng cách đưa thông tin lên Facebook.
“Đình đám” nhất là mô hình làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn), bắt đầu triển khai từ năm 2015 với sự giúp đỡ của văn phòng UNESCO và ILO tại Hà Nội. Thời gian đầu, Triêm Tây được xem như mô hình du lịch cộng đồng thành công nhất của Quảng Nam từ trước đến nay. Nhưng cũng như các mô hình du lịch cộng đồng khác của Quảng Nam, những tồn tại và mâu thuẫn nội tại trong quá trình hoạt động khiến du dịch làng Triêm Tây bị chững lại. Mới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp Triêm Tây (đơn vị đại diện làng du lịch) đã tuyên bố tạm đóng cửa do nguồn thu không đủ để duy trì hoạt động và những mâu thuẫn nội bộ.
Quay lại câu chuyện của làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu, theo ông Trần Duy Năm, thuộc ban điều hành du lịch, từ khi làng khai trương (năm 2010) đến nay, hầu như huyện và Sở VHTT-DL không hề quan tâm hay hỗ trợ. “Trước đây chúng tôi cũng quy định người dân trích lại phần trăm doanh thu từ khách cho ban điều hành, nhưng thấy họ thu một ngày vài chục ngàn đồng cũng ít nên thôi. Ban cũng vài lần xin phép huyện cho mình thu tiền từ doanh nghiệp và du khách, kiểu như phí môi trường hay phí an ninh nhưng phòng VHTT không chịu. Nói ban điều hành lập ra cho có cũng đúng thôi”, ông Trần Duy Năm cho biết.
- Xem thêm: Độc đáo làng “cao niên” Triêm Tây
Trước thực trạng trên, các làng du lịch cộng đồng đã có những động thái để “tự cứu lấy mình” bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Theo ông Lê Ngọc Tường, Phó giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam thì cái thiếu đầu tiên ở các làng du lịch cộng đồng chính là năng lực quản lý; thứ hai là tổ chức chất lượng dịch vụ và cuối cùng là đảm bảo an toàn, an ninh. Tại một số nơi, các dịch vụ của du lịch cộng đồng đều mang tính tự phát, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.