Ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) là một trong những lĩnh vực kinh doanh sôi động nhưng cũng rất phức tạp, không dễ để các công ty startup có thể tìm cách định hướng và tạo ra sáng kiến mới.
Dĩ nhiên đây là một trong những ngành mang lại lợi nhuận béo bở nhất vì mọi người đều thích ăn ngon. Hiện tại, khối lượng đơn hàng trực tuyến chiếm 15% thị trường F&B Đông Nam Á trị giá 70 tỉ USD, và nhiều người tiêu dùng ở khu vực này vẫn tiếp tục tìm đến kênh trực tuyến để đặt hàng, gọi đồ ăn, thức uống… Đông Nam Á đang chứng kiến trào lưu khởi nghiệp trong lĩnh vực F&B, thu hút cả giới đầu tư và những startup mới.
Nhưng sự mong đợi của khách hàng ngày nay là rất đa dạng, không chỉ đơn giản là giao pizza đến tận tay người mua. Công chúng đang tìm kiếm tính hiệu quả và mong muốn có được các loại thực phẩm lành mạnh hơn. Những công ty chuyên về bữa ăn chuẩn bị sẵn như DahMakan của Malaysia, Eat Fit Meal Prep của Singapore, Burgreens ở Jakarta, Indonesia và nhiều startup của Thái Lan, Việt Nam… đang đáp ứng nhu cầu này – mang lại cho khách hàng những bữa ăn lành mạnh được chuẩn bị sẵn và giao tận nơi. Đây là một giải pháp cho cư dân thành thị luôn bận rộn, muốn tìm cách thuận tiện để ăn uống lành mạnh hơn và cải thiện lối sống của họ. Họ không có nhiều thời gian để tìm hiểu, chuẩn bị và nấu ăn nên tìm đến các chuyên gia nói cho họ biết chính xác là họ cần ăn gì.
Trong thị trường giao hàng F&B, Go-Jek cũng đã thành công trong nỗ lực chuyển đổi khách hàng, để họ tham gia sử dụng dịch vụ giao hàng thực phẩm và thức uống Go-Food của công ty. Go-Food khẳng định họ là dịch vụ giao hàng thực phẩm theo yêu cầu “đắt khách” đứng thứ hai trên thế giới (không tính thị trường Trung Quốc). Grab cũng tích cực mở rộng dịch vụ GrabFood đến các thị trường khác ngoài Indonesia và Thái Lan sau khi hợp nhất với UberEats khu vực Đông Nam Á.
Một số công ty startup như Instaburp của Philippines lại giải quyết cùng lúc hai vấn đề: kết nối thực khách với những nơi bán hàng ưa thích, đồng thời giúp các doanh nghiệp F&B vừa và nhỏ tạo sự hiện diện trên kênh trực tuyến và tiếp cận thị trường mới. Với công nghệ của Instaburp, khách hàng có thể chọn đặt hàng qua website và fanpage của nhà hàng nhờ ứng dụng hoặc website của Instaburp. Chỉ cần ngồi nhà, khách có thể tiếp cận thực đơn, giá, gọi món, đặt bàn và đưa ra yêu cầu đặc biệt về món ăn. Dịch vụ của Instaburp cũng giúp cho bên bán hiệu chỉnh hệ thống giao hàng.
Một số startup khác như QueQ của Thái Lan và Chope của Singapore giải quyết vấn đề đặt chỗ trong dịch vụ ăn uống và giúp các nhà hàng tổ chức quy trình hiệu quả để có thể phục vụ nhiều khách hàng hơn.
Các startup vẫn tiếp tục xuất hiện và gia nhập thị trường F&B của khu vực Đông Nam Á. Những sáng kiến đổi mới sáng tạo của họ sẽ thay đổi trải nghiệm của thực khách và tương lai của ngành này.