“Sống dầu đèn, chết kèn trống” – câu ngạn ngữ cổ xưa ấy phần nào thể hiện được vị trí của những cây đèn trong đời sống của người Việt. Lần đầu tiên, hơn 50 hiện vật – là những cây đèn cổ có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm đến đầu thế kỷ XX đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam giới thiệu với người thưởng ngoạn tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội. Trong quá trình tiến hóa của mình, loài người đã biết cách tạo ra lửa, tìm cách giữ và duy trì nó. Phát minh này không những đã mang lại một thay đổi quan trọng trong hành vi của loài người bởi mọi hoạt động đã không còn bị giới hạn bởi ánh sáng ban ngày, đồng thời giúp cho đời sống tinh thần của mình ngày càng có ý nghĩa hơn. Ở Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chiếc đèn có từ hàng ngàn năm trước, được sáng tạo, chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau. Những cây đèn này không chỉ chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao mà nó còn phản ánh một phần về đời sống sinh hoạt, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, gắn bó với không gian tâm linh của người Việt Nam.
Chân đèn hình người – đồng, TK IV-VI. Tìm thấy ở Rạch Giá – Kiên Giang
Đèn lồng – gỗ sơn thếp thời Nguyễn
Đèn – Gốm, di chỉ Hỏa Diêm, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa, cách ngày nay 2.500-1.800 năm
Hơn 50 hiện vật được chia thành các bộ sưu tập khác nhau: Đèn các văn hóa thời sơ sử; Đèn thế kỷ I-X; Đèn thế kỷ XI – đầu thế kỷ XX. Bộ sưu tập thời sơ sử gồm các đèn có sớm nhất ở Việt Nam với niên đại từ khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên đến thế kỷ IV Công nguyên, thuộc các nền văn hóa khác nhau với những đặc trưng riêng. Đèn văn hóa Đông Sơn chủ yếu đúc bằng chất liệu đồng như một biểu tượng về cây vũ trụ với rất nhiều hình tượng người, tượng các con vật (voi, bò, hươu…). Trong số này phải kể đến Cây đèn hình người quỳ (chất liệu đồng, có niên đại khoảng 2.000-1.700 năm, cao 40cm, dài 30cm, rộng 27cm), được nhà khảo cổ học O. Janse (Thụy Điển) phát hiện khi khai quật ngôi mộ gạch năm 1935.Cây đèn hình người quỳ là một trong 30 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận hồi tháng 10-2012. Đèn văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với tập quán sinh hoạt và phương thức lao động của cư dân như chân đèn Hỏa Diêm còn có thể sử dụng trên thuyền đánh cá. Cây đèn hình người quỳ tìm thấy ở Lạch Trường, Thanh Hóa thuộc giai đoạn của văn hóa Đông Sơn và những cây đèn tìm thấy ở Rạch Giá, Kiên Giang thuộc văn hóa Óc Eo là bằng chứng về sự giao lưu văn hóa với phương Tây.
Chân nến trúc hóa long – gốm men rạn thời Nguyễn
Đèn hình đài sen – gốm men nâu, TK XI-XIII
Chân đèn hình tòa cửu long – sắt thời Nguyễn
Bộ sưu tập đèn thế kỷ I-X chủ yếu được làm bằng chất liệu đồng và gốm, với đặc điểm thể hiện sự giao lưu, ảnh hưởng với văn hóa phương Bắc khá rõ nét, thể hiện qua hình dáng của các cây đèn: Đĩa đèn, đèn hình tích trà… được tìm thấy trong các ngôi mộ gạch cổ. Bộ sưu tập thế kỷ XI – đầu thế kỷ XX: Đây là thời phong kiến độc lập tự chủ nên các cây đèn thể hiện sự phát triển cao cả về kỹ thuật chế tác lẫn nghệ thuật trang trí, bằng nhiều chất liệu khác nhau như gốm, đồng, sắt, gỗ… Đặc biệt, từ cuối thời Trần về sau, nhiều loại chân đèn có kích thước lớn, phong phú về kiểu dáng và hoa văn trang trí, được chế tác qua nhiều công đoạn và bằng nhiều kỹ thuật phức tạp và tỉ mỉ khiến cho chúng không còn là một vật dụng thông thường mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Đáng chú ý có nhiều chiếc chân đèn được đặt làm riêng để cung tiến vào các đình, chùa, và cung vua… có ghi, khắc minh văn về niên đại, nghệ nhân, địa điểm chế tác, người đặt làm và nơi sử dụng như: Chân đèn hình tòa cửu long, tượng Kim Đồng Ngọc Nữ dâng đèn, Tượng phỗng đăng đèn… Theo các nhà sử học và khảo cổ học, những chiếc chân đèn này không những góp phần xác lập một hệ thống tiêu chí chuẩn để phân loại, giám định cổ vật mà còn giúp soi sáng nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội khác. Còn đối với người thưởng ngoạn, bộ sưu tập sẽ mang đến một cái nhìn khái quát và hệ thống về đặc điểm cấu tạo; kỹ thuật, chất liệu chế tác cũng như đời sống xã hội, tâm linh cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của người Việt xưa.
Chân đèn – gốm hoa lam thời Mạc, niên hiệu Diên Thành 3 (1580)
Chân đèn đế hình nghê – gốm men trắng thời Lê trung hưng, TK XVII-XVIII
Trưng bày bộ sưu tập đèn cổ Việt Nam sẽ kéo dài đến hết tháng 5-2013.
Diễm Vân