Suốt hai tuần qua, hàng ngàn doanh nghiệp ngành sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi trên cả nước như ngồi trên lửa khi nhận được thông báo của Cục Bảo vệ thực vật. Nội dung thông báo yêu cầu doanh nghiệp phải tái xuất các lô vật thể lúa mì có chứa cỏ Cirsium Arvense, bên cạnh đó là cấm nhập loại lúa mì này từ ngày 1-11-2018.
Trước tình hình trên, ngày 8-10-2018, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) đã tổ chức buổi tọa đàm khẩn nhằm đánh giá rõ hơn tính chất nghiêm trọng của sự việc. Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng nhiều thành viên trong hội đã có thể ước tính mức thiệt hại trước mắt sẽ lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Nhiều doanh nghiệp và người lao động sẽ không có tết
Tại tọa đàm, một nhà cung cấp lúa mì cho biết có đến 80% nhà cung cấp mua lúa mì nhập bằng đường biển, trị giá một chuyến tàu trung bình khoảng 500 tỉ đồng, nếu phải tái xuất thì doanh nghiệp ngay lập tức bị thiệt hại lớn. Mặt khác, lúa mì là mặt hàng không có sản phẩm thay thế nên nếu tạm ngưng nhập khẩu đột ngột, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Nhà cung cấp này phân tích thêm rằng hiện giờ những chuyến tàu chở lúa mì đang từ nước ngoài về Việt Nam muốn cập cảng kịp trước 1-11 thì phải tăng tốc độ và tăng thêm dầu. Như vậy cứ 1 tấn hàng doanh nghiệp sẽ phải chi ra thêm 10-15 USD, giá lúa mì sẽ phải tăng thêm khoảng 5%. Khi lúa mì trong nước tăng giá như vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu bột mì xay sẵn, lúc đó các nhà máy sản xuất bột mì ngưng hoạt động, thiệt hại cho nền kinh tế sẽ không nhỏ.
Cùng quan điểm trên, bà Christine Kao, Phó tổng giám đốc ABC Bakery cho biết ABC chuyên nhập lúa mì về xay ở các nhà máy tại Việt Nam. Trong trường hợp cấm nhập lúa mì thì ABC phải nhập bột mì, như vậy giá thành sẽ đội lên nhiều. Hịện nay, chưa có quốc gia khác nào cấm nhập khẩu lúa mì có chứa cỏ Cirsium Arvense mà Việt Nam cấm, khiến cho doanh nghiệp trong nước càng khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Theo nhiều thành viên FFA, Tết Âm lịch sắp đến là mùa tiêu thụ lớn nhưng nếu lúa mì bị cấm nhập sẽ khiến sản xuất ngưng trệ, dẫn đến hàng ngàn công nhân thất nghiệp, nhà cung cấp không có sản phẩm để bán. Hậu quả là doanh nghiệp trong nước phải nhường thêm thị phần cho doanh nghiệp ngoại.
Ông Phan Thanh Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty Bột mì Bình An cho biết không thể thay đổi nguồn nguyên liệu lúa mì bằng một nguyên liệu khác trong một thời gian ngắn. Bởi vì các doanh nghiệp đã chuẩn bị xong kế hoạch nhập khẩu, kinh doanh, đàm phán giá cả với các đối tác cung ứng từ trước. Việt Nam cấm nhập khẩu tức là doanh nghiệp phải chịu mọi thiệt hại trong giao kết kinh doanh. Vấn đề liên quan đến cỏ Cirsium Arvense đã xuất hiện từ lâu và không xa lạ với các doanh nghiệp ngành bột mì. Thời gian qua, các lô hàng của Bình An nhập về đều đang phải tuân thủ quy trình tách lọc nghiêm ngặt, tiêu hủy bằng phương pháp đốt dưới sự theo dõi của cơ quan quản lý bảo vệ thực vật.
Trung bình mỗi năm, tổng khối lượng lúa mì mà doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các thị trường cung cấp lúa mì lớn và chất lượng như Canada, Mỹ, Nga, Úc… khoảng 5 triệu tấn/năm. Trong bảy tháng đầu năm 2018, nước ta đã nhập khẩu lượng lúa mì trị giá 743 triệu USD, tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 25% dùng làm cho thức ăn trong chăn nuôi thủy sản. Ngoài việc nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp Việt Nam cũng còn xuất trở lại các nước ASEAN dưới dạng bột mì thành phẩm.
Mức độ độc hại chưa rõ ràng sao đã cấm nhập?
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, việc loại cỏ Cirsium Arvense nằm trong lúa mì không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại hơn chục năm nay. Hiện chỉ có nghiên cứu khi ăn phải loại cỏ này với hàm lượng nhiều quá sẽ làm trướng bụng. Do vậy, mức độ độc hại của cỏ Cirsium Arvense như thế nào đến nay vẫn chưa biết. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết từ lần đầu phát hiện cỏ kế đồng có trong lúa mì nhập khẩu đã có những quan điểm khác nhau về việc lúa mì được hay không được nhập vào Việt Nam. Vậy, loại cỏ kế đồng này độc hại như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đến môi trường nông nghiệp Việt Nam thì cơ quan quản lý cần làm rõ tìm ra giải pháp khả thi nhất.
Ngoài ra, bà Lý Kim Chi và nhiều doanh nghiệp đều khẳng định trong tay chỉ có một văn bản của Chi cục Bảo vệ thực vật vùng 1 thông báo cho doanh nghiệp về việc phải tái xuất các lô vật thể lúa mì có chứa cỏ Cirsium Arvense và cấm nhập từ ngày 1-11-2018. Các doanh nghiệp cũng chỉ nghe thông tin trong ngành chứ cũng không có văn bản chính thức.
Theo TS Trần Duy Khanh, chuyên gia nghiên cứu phản biện chính sách, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC, nếu nhập khẩu làm hạt giống thì có thể cấm để đảm bảo sự an toàn của hệ thực vật trong nước. Nhưng nếu nhập về nghiền làm bột chế biến thức ăn và nguyên liệu cho chăn nuôi thì không nên cấm mà cần quản lý chặt chẽ. Việc cấm nhập khẩu sẽ làm đảo lộn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. “Mặt khác, trong quy định cấm nhập không hề phân biệt lúa mì mua về làm giống, hay lúa mì sản xuất thức ăn chăn nuôi… Tôi đề nghị, nếu lúa mì nhập về làm giống thì nhà nước cấm, lúa mì dùng để sản xuất thì cho nhập nhưng tăng cường giám sát. Doanh nghiệp cam kết, nếu sử dụng về làm hạt giống thì phạt thật nặng cũng được. Đề nghị cơ quan quản lý làm mỗi nhiệm vụ này thôi” – TS Trần Duy Khanh nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết khi đàm phán với các nước mà doanh nghiệp đang nhập khẩu lúa mì với số lượng lớn như Nga, Mỹ, Canada, Úc… thì đối tác không chấp nhận các đơn hàng nhập khẩu có yêu cầu loại bỏ các loại cỏ dại có trong lúa mì, do không phù hợp với quy trình sản xuất của họ. Các nước thu hoạch và sản xuất lúa mì với số lượng lớn và bán đi khắp thế giới theo quy trình này. Họ chưa thể thiết kế quy trình sản xuất mới riêng cho Việt Nam, trong khi các nước nhập khẩu lúa mì số lượng lớn khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hiện không có yêu cầu này.
Kết thúc hội thảo, doanh nghiệp đề nghị cần lùi lại thời gian lệnh cấm nhập khẩu lúa mì ít nhất sáu tháng để đánh giá lại. Các nhà khoa học nghiên cứu thêm để có thông tin rõ ràng và đưa ra chính sách hợp lý.