Ngày càng có nhiều bác sĩ phương Tây khuyên bệnh nhân của họ nên đi dã ngoại thay vì uống thuốc chống trầm cảm, lo âu và stress. Chữa bệnh bằng cách tiếp xúc, đắm mình vào thiên nhiên (ecotherapy) không phải là một khái niệm mới. Thực ra, các nền văn hóa cổ xưa từ lâu đã thấu hiểu sức mạnh chữa lành của thiên nhiên.
“Ecotherapy là quá trình tái kết nối với thiên nhiên và trở nên gắn kết hơn với thế giới tự nhiên” nhà trị liệu tâm lý Michael Eason thuộc trung tâm trị liệu MindnLife ở Hongkong nói. “Dù thuốc đóng vai trò lớn trong điều trị một số bệnh về sức khỏe tâm thần, nhưng có những trường hợp việc điều trị bằng thuốc là không cần thiết hoặc người bệnh còn lưỡng lự với chế độ điều trị. Với những tình huống như thế, “đơn thuốc” đơn giản có lẽ là dành thời gian hòa mình cùng thiên nhiên. Nhưng ecotherapy không chỉ là đi bộ mà còn bao gồm các hoạt động như làm vườn, dã ngoại hoặc trồng trọt”.
Đã có những bằng chứng khoa học cho thấy việc tiếp xúc, hòa mình với thiên nhiên có tác dụng chữa lành một số bệnh. Nhiều quyển sách được xuất bản trong thập niên qua đã đề cập đến chủ đề này, có thể kể đến những tựa sách đáng chú ý như: The Nature Fix, With Nature in Mind và Your Brain on Nature. Một nghiên cứu của Đại học Essex (Anh) vào năm 2013 cho thấy 3/4 người bệnh cảm thấy bớt trầm cảm hơn sau khi đi bộ qua một công viên.
Cũng theo nhà tâm lý học Michael Eason, nhiều nghiên cứu khác cho thấy tiếp xúc với thiên nhiên là cách hiệu quả để trị trầm cảm, rối loạn suy giảm khả năng chú ý và một số bệnh kinh niên khác. “Những âm thanh đến từ thiên nhiên như tiếng chim hót, tiếng nước chảy… có thể làm giảm nhịp tim, huyết áp và khiến cho tâm trí bình an một cách tự nhiên. Đi dã ngoại hoặc bơi thuyền cũng làm sản sinh các hormone hạnh phúc giúp cải thiện tâm trí và giảm đau. Khi hòa mình vào thiên nhiên, mọi người sẽ gắn kết với điều gì đó lớn lao hơn bên ngoài bản thân họ, giúp họ lấy lại cảm giác kết nối và gắn bó với thế giới xung quanh. Cảm xúc này là rất quan trọng cho sức khỏe tinh thần và sự an vui trong cuộc sống”.
Ecotherapy không chỉ là băng qua một công viên. Để liệu pháp này hiệu quả, bạn cần đắm mình vào môi trường xung quanh, nghĩa là đi từ từ, chú ý và tận hưởng. Chẳng hạn, shinrin-yoku (tắm rừng) là một liệu pháp chữa lành qua tiếp xúc với thiên nhiên của người Nhật Bản. Shinrin-yoku là cơ hội lắng nghe những thanh âm mới, đón nhận những mùi hương, tận hưởng khí trời, chạm vào cây cỏ, mở ra trí tưởng tượng và đơn giản là cảm thấy hạnh phúc. Đó là lúc bạn cho phép mình chậm lại, cảm nhận trọn vẹn môi trường quanh bạn, cảm thấy thư giãn, tự tại và bớt lo lắng hơn – điều mà phần lớn chúng ta không thể có được trong cuộc sống hiện nay.
Một hình thức khác của ecotherapy là mang thiên nhiên vào nhà như trồng cây, làm vườn trong nhà hoặc thiết kế ánh sáng tự nhiên. Đây cũng là cách tạo nên môi trường chữa lành ngay cạnh chúng ta.
– Theo South China Morning Post