Trong khi đồng nghiệp, bạn bè đang phải “chịu đựng” sếp của họ thì bạn cảm thấy mình đang rất may mắn vì có một vị sếp tuyệt vời. Nhưng cũng vì điều đó mà bạn sẽ rất lo lắng khi vị sếp ấy thông báo sẽ chuyển sang làm việc cho một công ty mới. Và điều gì sẽ xảy ra khi vị sếp đã từng hỗ trợ và đánh giá cao bạn rất nhiều trước nay “rủ rê” bạn cùng “nhảy” sang công ty mới? Bạn sẽ làm gì? Quyết định ra đi cùng sếp hay ở lại công ty cũ và hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn?
Theo Maurie Backman, một chuyên gia tài chính cá nhân, tác giả thường xuyên của The Money Fool, để có câu trả lời tốt nhất bạn cần phải cân nhắc một số lợi ích cũng như những điều bất lợi của việc thay đổi công việc cùng sếp.
Nếu sếp thuyết phục bạn nhận một công việc, vị trí mới ở công ty mới của sếp thì có nhiều lý do để chấp nhận lời mời ấy. Thứ nhất, bạn sẽ cảm thấy có sự thân thuộc, gần gũi như trước vì sẽ được tiếp tục làm việc với một vị sếp mà mình đã quen biết trong nhiều năm thay vì phải làm việc với một vị sếp mới ở công ty hiện tại. Bạn cũng sẽ cảm thấy an tâm vì hiểu rõ phong cách quản lý của sếp cũ. Nếu quyết định ở lại công ty cũ, bạn sẽ có thể làm việc và “đụng độ” với một vị sếp mới do hai bên chưa hiểu nhau.
Cũng theo Backman, khi đi cùng sếp sang công ty mới, bạn cũng sẽ có được sự “hậu thuẫn” ở công việc mới để có được một bước khởi đầu thuận lợi. Nếu bạn chưa để lại một dấu ấn tốt nào ở công ty cũ hoặc nhận thấy rằng cơ hội phát triển nghề nghiệp ở công ty này khá thấp thì có lẽ bạn nên cân nhắc thay đổi công việc cùng sếp.
- Xem thêm: Nhảy việc à? Chuyện thường thôi!
Tuy nhiên, Backman cho rằng chạy theo quyết định của sếp rời bỏ công ty hiện tại không phải lúc nào cũng là một sự lựa chọn tốt nhất. Nếu bạn đang yêu thích công việc hiện tại của mình thì khi chuyển sang một công việc mới bạn cần phải thực hiện một số thay đổi để thích nghi và điều đó có thể trở thành áp lực đối với bạn.
Chẳng hạn, khi chuyển sang công ty mới, bạn có thể nhận thấy rằng mình vẫn cảm thấy vui vẻ khi làm việc với sếp cũ nhưng lại không hài lòng với văn hóa của tổ chức mới hoặc những vấn đề khác trong công việc mới. Vì vậy, Backman khuyên bạn nên tự hỏi bản thân mình sẵn sàng chấp nhận rủi ro nào: Ở lại công ty cũ để có thời gian thích nghi với sếp mới hay đi cùng sếp cũ với hy vọng công việc mới sẽ tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, theo Backman, bạn cũng cần phải cân nhắc một vấn đề khác. Đó là thái độ và phong cách quản lý của sếp cũ cũng có thể thay đổi khi sếp phải làm việc trong môi trường mới. Sếp từng là người rất linh hoạt và hỗ trợ nhân viên vì môi trường, hoàn cảnh công việc ở công ty hiện tại giúp sếp làm tốt việc này. Nhưng khi chuyển sang công ty mới, nếu công việc mới đặt ra nhiều đòi hỏi và căng thẳng hơn, quan điểm, phong cách quản lý của sếp có thể thay đổi và bạn sẽ là người đầu tiên “hứng chịu” sự căng thẳng từ sếp trút xuống.
Backman khuyên nếu bạn có ý định đi cùng với sếp sang công ty mới, thì điều kiện tiên quyết phải là vị trí ở công ty mới phải ít nhất tương đồng với vị trí ở công ty cũ nếu không phải là một sự đi lên. Bạn chắc chắn sẽ không muốn đổi lấy sự thụt lùi trong con đường sự nghiệp của mình chỉ để được tiếp tục làm việc với một vị sếp mà mình yêu thích. Tương tự, lương bổng và các phúc lợi ở công ty mới cũng phải bằng và tốt hơn những gì mà bạn đang có ở công ty hiện tại.
Được làm việc cùng với một vị sếp tốt là một điều có ý nghĩa nhưng điều đó chưa chắc đã xứng đáng để bạn hy sinh mức thu nhập hay các chế độ đãi ngộ nhân sự mà công ty hiện tại đang dành cho bạn. Bởi lẽ, những người thay thế sếp của bạn biết đâu vẫn là những người sếp tốt mà bạn có thể học hỏi và làm việc cùng. Và nếu may mắn, bạn hoàn toàn có thể gặp được một vị sếp mới thậm chí còn tốt hơn vị sếp cũ rất nhiều.