Da ngăm, mắt sáng, dáng nhỏ nhắn, trông Hoàng Thị Mai Hương – Giám đốc Công ty quảng cáo Saatchi&Saatchi, trẻ hơn rất nhiều so với những gì mà chị đã trải. Một vẻ ngoài dịu dàng, ở chị tỏa ra ngọn lửa ấm, sống động, vui tươi. Anh em trong công ty thường nói ở đâu có chị, mọi bế tắc đều được giải tỏa nhanh chóng. Chị biết cách biến những áp lực đè nặng trở thành niềm vui, biến âu lo thành nụ cười, thậm chí cả những cuộc tranh cãi nảy lửa đến phát khóc bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn bởi một câu đùa dí dỏm…
Chị tiêu biểu cho một thế hệ trẻ trải qua bao biến thiên lịch sử. Những ngày chiến tranh, sơ tán liên miên, những năm tháng du học tại Nga rồi lấy được học bổng tại Đại học Harvard, Mỹ. Trở về Việt Nam lại được trao ngay vai trò lãnh đạo trong một tập đoàn quảng cáo nổi tiếng của Mỹ: Saatchi&Saatchi. Nhưng hơn hết vẫn là một trái tim mẫn cảm, lúc nào cũng muốn mang đến niềm vui, sự an tâm cho người khác… Trên tầng cao nhất của Khách sạn Sheraton, đầy ắp thiên nhiên, có cả những chiếc lá chuối non xao xác, trời đã ngả chiều, chúng tôi trò chuyện đến nỗi quên bẵng mất là đêm đã xuống.
____
Con đường nào dẫn Mai Hương đến với nghề quảng cáo, và ngay lập tức được giao một trọng trách cao nhất như thế trong một công ty nước ngoài?
Thực ra lúc trở về nước, tôi chịu nhiều sức ép phải kiếm tiền nuôi gia đình. Bố ốm nặng sắp mất, chị thì bị liệt nằm một chỗ hơn 20 năm, đứa em trai còn đang đi học, chỉ có một mình mẹ gánh vác gia đình. Cuộc gặp gỡ với giám đốc Công ty Saatchi&Saatchi dường như một định mệnh.
Tôi còn nhớ rất rõ đó là một buổi tối tại một nhà hàng Đức ở Hà Nội. Tôi chỉ mặc bộ quần áo hàng ngày đơn giản, trong khi ông lại mặc bộ complet rất tề chỉnh. Câu đầu tiên ông hỏi tôi có biết gì về ngành quảng cáo? Tôi trả lời chẳng biết gì cả. Ông bảo: “Tại sao cô lại đến gặp tôi?”. Tôi đáp: “Tôi cần công việc, và cần tiền, ông sẽ đánh giá xem tôi có hợp với nghề không, nếu hợp thì tôi có công việc, còn không hợp thì tôi có được một lời khuyên, tôi sẽ chẳng mất gì cả”.
Ông hỏi tiếp: “Theo cô, thành công nhất của một quảng cáo là gì?”. “Theo tôi, một bộ phim hay một bức tranh thành công vì độc đáo, lạ, có cái người ta cũng không hiểu hết. Còn một quảng cáo dành cho người dân mà họ không hiểu, không thích thì coi như thất bại”. Mãi sau này ông mới tiết lộ ông đã tuyển tôi chính vì hai câu trả lời đó.
____
Chịu ảnh hưởng của rất nhiều nền văn hóa, nhiều nền giáo dục khác nhau, theo Mai Hương có phải là một lợi điểm?
Từ nhỏ, mình đã thiên về văn, hai lần Học sinh giỏi văn Hà Nội, giải Ba Học sinh giỏi văn toàn quốc, và cũng tập tành viết lách… Cho đến giờ nếu có thể thành công ở một vài công việc nào đó, thì bố mẹ có phần đóng góp rất quan trọng. Mẹ tôi là người rất hiền, dễ gần, ai cũng quý, còn bố lại là người có vẻ hơi khó khăn, nhưng sắc sảo, thông minh, rất nghệ sĩ.
Tôi tiếp thu được tính cách của cả hai người, nhưng giảm đi một tí. Bố tôi làm nghề bảo tồn bảo tàng, ngay từ nhỏ, chúng tôi đã lớn lên trong bầu không khí của ca dao tục ngữ, một kho sách trong nhà… Bố tôi chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, nhưng dành suốt đời mình để đấu tranh gìn giữ những chùa chiền, những bảo tàng. Ông ép chị em chúng tôi phải giữ bằng được văn hóa Việt Nam…
Ai cũng bảo tôi học ở Tây, lấy chồng Tây, làm sao giữ được văn hóa Việt? Hoàn toàn không phải là cách nói sáo rỗng, mà tôi xem đó chính là mặt mạnh của mình, mình phải bám chặt lấy nó. Việc quan trọng nhất của tôi là làm sao để mỗi mẫu quảng cáo ra đời phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, để người Việt Nam yêu thích, chấp nhận.
Mấu chốt thành công của nghề quảng cáo là sáng tạo, kiên nhẫn, hiểu tâm lý người tiêu dùng, chịu khó. Tất cả đều là thế mạnh của phụ nữ.
____
Được bình chọn là một trong những “nữ tướng” của ngành quảng cáo, làm thế nào để làm chủ một công việc – mà trước đó chị chưa biết gì – với một tốc độ khá nhanh như thế? Theo chị vì sao ngành quảng cáo có rất nhiều giám đốc là nữ?
Công ty quảng cáo không có nhà máy, Saatchi&Saatchi ban đầu chỉ có chiếc máy fax, một chiếc chiếu và ba nhân viên. Cái chính là phải tìm và giữ được những người giỏi. Nguyên tắc đầu tiên là chọn người phải dựa trên cơ sở năng lực, không bao giờ tuyển người nhà, bạn, hay con bạn vào công ty. Nguyên tắc thứ hai phải có mức lương thỏa đáng, không chênh lệch quá giữa người Việt và người nước ngoài.
Quan trọng là hiểu và đánh giá được chất lượng bài viết của người khác, phân tích và chỉ ra được cái gì hay, dở cho họ, và tạo được môi trường cho sự hứng khởi. Cửa phòng tôi lúc nào cũng mở, bất cứ ai cũng có thể vào để thổ lộ mọi bức xúc, tâm sự. Tôi thường ăn trưa cùng nhân viên, nói chuyện tình yêu, không hề có cách biệt, tạo môi trường làm việc vui, thoải mái cho nhân viên của mình… Dân chủ quá cũng có cái dở, bởi người trẻ đôi khi thích phải “ra lệnh” một chút (cười).
Tuy nhiên tôi cũng chưa thấy có gì hại đến công việc phải thay đổi con người mình, vì tính mình vốn không thích la hét, dù hơi mất công, nhẫn nại, thuyết phục hơn một chút. Mấu chốt thành công của nghề quảng cáo là sáng tạo, kiên nhẫn, chiều khách hàng, hiểu tâm lý người tiêu dùng, chịu khó, linh hoạt… Tất cả đều là thế mạnh của phụ nữ, bởi người vợ là người quyết định tiêu dùng chính trong gia đình. Ngoài khả năng quản lý, kinh doanh, tôi luôn buộc mình phải làm mọi việc, từ trình bày, nghiên cứu một vấn đề, thậm chí phải viết lời cho từng quảng cáo.
____
Trong một công ty quảng cáo đa quốc gia, làm thế nào để dung hòa được giữa tính địa phương và tính toàn cầu? Có bao giờ chị phải tranh cãi quyết liệt với bộ phận sáng tạo nước ngoài để bảo vệ ý kiến của mình?
Triết lý của Saatchi&Saatchi là: quảng cáo không phải là một nghệ thuật tháp ngà, khi làm quảng cáo cho nước nào thì phải làm cho người dân nước đó thích, ở đây phải là quảng cáo của Việt Nam. Một ngành liên quan đến sáng tạo, cần sự hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ khá sâu sắc. Ở Saatchi&Saatchi, triết lý Việt Nam, nhưng chất lượng, dịch vụ quốc tế.
Đối với người nước ngoài, quảng cáo càng sốc càng tốt, nên xung đột giữa văn hóa Việt Nam và tính sáng tạo của người nước ngoài là chuyện xảy ra thường xuyên, luôn luôn nảy lửa. Nếu không cương quyết, không sáng suốt thì sẽ xảy ra những sai lầm đáng tiếc. Việc của tôi là phải cãi, phải tranh luận đến cùng. Tôi nhớ có lần một anh giám đốc sáng tạo đã ném cả cây bút chì vào người tôi nói: “Tôi chịu trách nhiệm chất lượng sáng tạo, chị chịu trách nhiệm về tiền, chị đừng có xía vô chuyện của tôi”.
Nhưng tôi cự lại ngay: “Nếu anh không chịu được thì nghỉ luôn đi”. Hai hôm sau anh ấy cũng làm lành với tôi, vì hiểu rằng đó là vì công việc. Tôi thường không dùng quyền để phủ quyết, mà dùng những “thủ đoạn”, thậm chí cả “nịnh bợ”, dẫn họ tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng… để thuyết phục họ. Gần đây chúng tôi có giành được một khách hàng làm bao cao su, đó là sản phẩm vô cùng tế nhị. Nhiều ý tưởng do bộ phận nước ngoài đưa ra rất hay, rất hài hước, nhưng không thể dùng được tại Việt Nam.
Muốn họ “tâm phục khẩu phục”, phải kể cho họ nghe về Hồ Xuân Hương, về ca dao tục ngữ Việt Nam, những câu chuyện tiếu lâm Việt Nam về sex… đầy ẩn ý, không thô, rất có duyên… từ đó người ta mới nể mình. Ngược lại, bảo vệ sự sáng tạo của người Việt Nam trước ê kíp nước ngoài cũng rất cần, vì anh chị em có thể nói thẳng với mình, để mình góp ý thêm về mặt viết lách hay văn hóa, sau đó sẽ trình bày lại với giám đốc nước ngoài một cách trau chuốt hơn. Như Slogan “Nghe là thấy” trong mẫu quảng cáo “Mạnh hơn cả lời nói” của S-Fone chẳng hạn, dịch được sát nghĩa ra tiếng Anh là rất khó.
Tôi đã từng khóc và nhân viên của tôi cũng đã khóc rất nhiều khi cãi nhau, nhưng sau đó lại làm hòa ngay, chuyện bực bội ghét nhau là hoàn toàn không có, sau đó lại đi ăn, đi chơi với nhau rất vui vẻ. Chúng tôi rất tự hào vì ngày càng có thêm nhiều khách hàng Việt Nam, bởi đồng tiền là máu thịt của họ, nên phải làm thế nào họ mới thuê. Làm quảng cáo cho các thương hiệu mới của Việt Nam đòi hỏi khả năng sáng tạo rất cao.
____
Cùng một lúc vừa điều hành Saatchi&Saatchi, và mở thêm một công ty PR của riêng mình mang tên Venus (Sao Hôm), có bao giờ chị gặp phải thất bại?
Thông tin với người tiêu dùng không chỉ là quảng cáo, mà phải có quan hệ công chúng (PR), lúc ấy Việt Nam chưa có một công ty PR nào có đầy đủ các hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp, Venus đã ra đời và hiện phát triển khá tốt. Hai lĩnh vực khác hẳn nhau nhưng lại hỗ trợ, giúp nhau hoàn chỉnh. Tuy nhiên, làm quảng cáo mà không thất bại là không tưởng, tôi cũng đã từng mất khách hàng lớn và vừa trải qua cảm giác mất một khách hàng lớn nữa.
Mình đã xây dựng thương hiệu khá tốt cho họ, nhưng khi họ chuyển sang tập trung vào khuyến mãi, triết lý hai bên không còn hợp nhau, chuyện chia tay là hoàn toàn có lý. Dù gì đi nữa thì mất khách hàng cũng là một thất bại. Phải có thời gian tĩnh để dừng lại một chút, xem thất bại đó vì đâu, có nên tiếp tục theo con đường cũ, hay chuyển sang con đường khác.
Tôi phải ghi nhớ rất kỹ bài học đó, để tìm những khách hàng mới có quan hệ lâu dài hơn để bù lại ngay. Thất bại là chuyện thường xuyên trong kinh doanh, có thể thua trong từng trận đánh, nhưng phải thắng trong cuộc chiến tranh, tăng trưởng hơn, học thêm được nhiều điều…
Thực sự tôi không lo ngại lắm về vị trí của mình. Tôi khá tự tin, và không giả vờ khiêm tốn, vì kinh nghiệm và trình độ như mình không phải dễ tìm ở Việt Nam.
____
Chị đã ở trong ngành quảng cáo khá lâu, chị có sợ sự đào thải rất nhanh trong nghề này? Chị đã đúc kết được cho mình những kinh nghiệm xương máu nào trong cuộc sống và trong kinh doanh?
Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều công ty cần người Việt Nam giỏi làm quảng cáo. Đây là một ngành có rất nhiều tiềm năng. Thực sự tôi không lo ngại lắm về vị trí của mình. Tôi khá tự tin, và không giả vờ khiêm tốn, vì kinh nghiệm và trình độ như mình không phải dễ tìm ở Việt Nam. Tuy nhiên phải luôn làm mới mình bằng sách báo, học thêm.
Tự mình làm công việc thực sự sẽ không làm mình cùn mòn. Giống như người tổng biên tập cũng cần phải viết thường xuyên vậy. Tôi nghĩ làm kinh doanh lâu dài cần trung thực, nhất là các ngành dịch vụ. Phải thắng bằng cách phát hiện cái mới và nắm bắt thời cơ, đi trước một bước, đừng đi theo để chiến đấu sẽ rất mệt mỏi. Phải có trước có sau, thủy chung với khách hàng, với nhân viên, với sếp của mình. Có nhân viên từ Saatchi&Saatchi ra đi, nhưng không phải vì bất hòa, mà vì họ muốn mở công ty riêng, nhiều người trong số họ đã thành công, và tôi mừng cho họ.
____
Nhiều người nói phụ nữ giỏi, thành công, thường hay lận đận. Theo chị có phải đàn ông không thích phụ nữ quá thông minh? Trong tình yêu, chị là người thế nào?
Hạnh phúc không liên quan gì đến sự thành công, đôi lúc tôi cũng buồn, vì chân thành mà nói, với phụ nữ quan trọng nhất vẫn là gia đình. Chuyện chồng con của tôi lận đận thật, nhưng mình vẫn may mắn vì có một đứa con rất đáng yêu, một nghề nghiệp đàng hoàng, không phải chật vật lắm. Con gái tôi mới lên chín tuổi, dịu dàng, hơi ủy mị một chút, và rất mê nghề quảng cáo. Có một đứa con thì mới chỉ là thành công một nửa… Đúng là đàn ông thường thích nói chuyện với tôi, nhưng tôi không phải là týp người hấp dẫn đàn ông. Tôi có mối quan hệ bè bạn rất tốt với phụ nữ, trong cả công việc và cuộc sống.
____
Một số người Việt Nam thường rất dở khi cư xử với nhau sau ly hôn, khiến những đứa trẻ bị tổn thương rất lớn, chị nghĩ sao về điều này?
Tôi rất thương con, và không bao giờ muốn con thiếu bố hoặc thiếu mẹ. Anh ấy vẫn đến nhà chơi, đi ăn cơm chung, nghỉ hè chung. Cháu một nửa Việt, một nửa Mỹ, mình phải đảm bảo cả hai nửa đó. Hàng năm mình vẫn cho con về thăm ông bà nội bên Mỹ.
Chúng tôi vẫn coi nhau như bạn, bởi anh ấy vẫn là một người tốt. Mình ly hôn đã là một chuyện rất ích kỷ, vì đó là cho mình, chứ không phải vì con. Sự thù oán chỉ làm cho mình và người xung quanh bực bội, dùng con như một vũ khí để trút sự thù hận của mình là rất ác. Đối với con, bố và mẹ vẫn là những người tuyệt vời nhất.
Ly hôn đã là một chuyện rất ích kỷ. Sự thù oán chỉ làm cho mình và người xung quanh bực bội, dùng con như một vũ khí để trút sự thù hận của mình là rất ác.
____
Chị suy nghĩ gì về những được-mất của cuộc đời? Làm thế nào để chị giữ được một tinh thần khỏe mạnh và cái nhìn tươi sáng?
Hồi xưa, tôi ít nghĩ về chuyện đó, nhưng quả thực gần đây, nhất là sau chuyện gia đình tan vỡ, tôi mới thấm câu chuyện “Tái ông thất mã”, được chưa hẳn đã là tốt, mất chưa hẳn đã là dở, được chưa hẳn là không mất nữa, mà mất chưa hẳn là không bao giờ tìm lại được.
Trong những thất bại của mình, tôi hay áp dụng triết lý này. Tôi nghĩ cuộc sống luôn có điều không vừa lòng, hoặc là giải quyết ngay, hoặc là bỏ qua, đừng để bao giờ u uất trầm cảm. Việc gì nghĩ chưa ra, tôi bỏ đấy đi làm việc khác, mấy ngày sau quay trở lại tự nhiên lại tìm thấy lối ra. Ở tuổi mình rất cần thể thao, tôi đi bơi, và tập Yoga thường xuyên. Nếu bị stress, thì Yoga tốt vô cùng, nên tập mỗi ngày một tiếng.
____
Chị thích ở trong một ngôi nhà như thế nào? Chị nghĩ gì về phía trước?
Đó là ngôi nhà mà tôi đang ở, bé thôi, nhưng đúng với ý mình, niềm tự hào của tôi là một khu vườn rộng rất nhiều cây và hoa. Giây phút thích nhất là buổi sáng thức dậy, hai mẹ con cùng ngồi ăn sáng với nhau, sau đó mẹ đi làm, con đi học. Tôi là người của buổi sáng, bao nhiêu ý tưởng hay đều nảy ra từ buổi sáng. Những buồn phiền buổi tối sẽ qua đi khi thức dậy thấy mặt trời, thấy nắng là vui ngay rồi, lại thấy hứng khởi. Có thể vì thế mà người khác bảo tôi trẻ lâu.
Tôi cũng không có niềm say mê về trang sức, xe hơi cũng của công ty, có tiền cũng chỉ để đi du lịch. Tôi hài lòng với cuộc sống của mình, và cố gắng làm việc mình thích. Tham vọng sâu kín của tôi là được viết. Tôi đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều con người tuyệt vời, nếu có thời gian để viết một cái gì đấy sẽ giúp mình giảm stress rất nhiều. Mình cũng phải dành dụm tiền để sau này còn đi theo con, giúp con học và làm được điều con mơ ước.
____
Chị là một người từng trải, theo chị điều gì là quý nhất?
Lao động trí tuệ là niềm vui thanh khiết nhất và tự do cá nhân là tài sản quý giá nhất.